Vì sao Huế muốn gìn giữ, bảo tồn 5 ‘cụ’ lò nung vôi hơn 100 năm tuổi?
TPO - Theo Sở Xây dựng Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), hệ 5 lò vôi gắn với tháp chuyển liệu của Nhà máy xi măng Long Thọ cũ (tiền thân là Xí nghiệp vôi nước Long Thọ có từ thời Pháp thuộc) là công trình kiến trúc tiêu biểu cho thời kỳ đầu ngành công nghiệp xứ Huế hơn 100 năm trước, nên cần được cải tạo, bảo tồn, phát huy giá trị.
Sở Xây dựng tỉnh TT-Huế cho biết đã có báo cáo gửi UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo chỉnh trang, cải tạo một số hạng mục trong khu đất từng tồn tại Nhà máy xi măng Long Thọ cũ (phường Thủy Biều, TP. Huế).
VIDEO: Khám phá công trình cổ xưa, hệ 5 lò nung vôi hơn 100 tuổi thuộc nhà máy xi măng lâu đời nhất xứ Huế.
Năm 2021, Công ty CP Long Thọ di dời nhà máy xi măng về phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy. Khu đất nhà máy cũ được giao về cho Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh TT-Huế tiếp nhận, quản lý.
Hiện nay, trong khuôn viên Nhà máy xi măng Long Thọ cũ vẫn còn một tháp nước và hệ 5 lò nung vôi cổ xưa gắn với tháp chuyển vật liệu. Trong đó, hệ 5 lò vôi bố trí liên kế nhau theo hình chữ L, được Sở Xây dựng đánh giá là công trình kiến trúc tiêu biểu cho thời kỳ đầu ngành công nghiệp của Huế, nên đề xuất giữ lại, đồng thời giao UBND TP. Huế lập phương án chỉnh trang, cải tạo nhằm phát huy giá trị lịch sử, giới thiệu đến người dân và du khách.
Theo các tài liệu, cùng với nhà máy nước Vạn Niên, nhà máy vôi nước Long Thọ là những công trình xây dựng ra đời vào thời kỳ phát triển công nghiệp sơ khai của Huế cách đây hơn 100 năm, mang nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, kiến trúc… (Ảnh tư liệu)
Tư liệu lưu lại trên trang thông tin của Công ty CP Long Thọ cho thấy, nhà máy của Xí nghiệp vôi nước Long Thọ được hãng xây dựng tư nhân Bogaert (Pháp) cho xây dựng vào năm 1896 tại chân đồi Long Thọ, thuộc bờ nam sông Hương, đối diện chùa Thiên Mụ. Nhà máy cách trung tâm TP. Huế khoảng 7km về phía tây, giữa làng Nguyệt Biều và làng Dương Xuân (nay là phường Thủy Biều và Phường Đúc, TP. Huế).
Sản phẩm do nhà máy sản xuất nhằm giải quyết nhu cầu vật liệu khi thực dân Pháp đẩy mạnh xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ chính quyền cai trị tại miền Trung sau năm 1885. Đến năm 1915, Xí nghiệp vôi nước Long Thọ của Bogaert bị sáp nhập vào Công ty vôi nước Long Thọ. Sau đó, nhà máy có vài lần ngưng hoạt động.
Đến năm 1976, hoạt động của nhà máy xi măng Long Thọ được khôi phục. Tại đây, nhà nước từng đầu tư xây dựng dây chuyền công nghệ xi măng lò đứng với công suất thiết kế 20.000 tấn/năm.
Đến đầu những năm 2000, Nhà máy xi măng Long Thọ được xác định trở thành “điểm đen” về môi trường, bị liệt vào danh sách các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng bắt buộc phải di dời theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, do doanh nghiệp gặp vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng khi chuyển về địa điểm mới, nên phải đến năm 2021, Nhà máy xi măng Long Thọ mới hoàn toàn được di dời ra khỏi phường Thủy Biều, TP. Huế.
Cũng trong năm 2021, lúc còn đương nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế, ông Phan Ngọc Thọ đã thị sát khu vực Nhà máy xi măng Long Thọ cũ và đề nghị các đơn vị chức năng tiếp nhận hiện trạng, có phương án quản lý mặt bằng, tránh để người dân lấn chiếm.
Tại đây, ông Phan Ngọc Thọ còn yêu cầu, những gì thuộc yếu tố lịch sử cần được xem xét thận trọng để nghiên cứu bảo tồn, phát huy giá trị của nhà máy xi măng có tuổi đời hơn 100 năm - một dấu tích lịch sử về thời phát triển công nghiệp sơ khai của địa phương. UBND TP. Huế hiện được giao trách nhiệm lên phương án chỉnh trang, cải tạo công trình hệ 5 lò vôi gắn với tháp chuyển vật liệu nhằm phục vụ phát triển du lịch, giáo dục thế hệ trẻ, phát huy giá trị lịch sử…