Vì sao giá thuốc biệt dược cao chót vót trên thị trường?

TPO - Thuốc biệt dược 'làm mưa, làm gió' trên thị trường, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên “kêu” như vậy tại Phiên họp ngày 23/9. Ông Tiên đề nghị, cần phải nghiên cứu bổ sung các quy định để ngăn các đơn vị phân phối thuốc biệt dược “làm mưa, làm gió” trên thị trường, gây thiệt thòi cho bệnh nhân.
Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội đề nghị bổ sung các quy định ngăn các đơn vị phân phối thuốc biệt dược, thuốc độc quyền “làm mưa, làm gió” trên thị trường (Ảnh Văn Kiên)

Độc quyền nên đẩy giá cao

Theo ông Tiên, vấn đề gây băn khoăn nhất của xã hội Việt Nam hiện nay là giá của các loại thuốc biệt dược, thuốc độc quyền còn cao. Người bệnh phải chi trả hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng cho một đợt điều trị. 

Trong khi các loại thuốc trên thường chỉ do 1- 2 đơn vị phân phối độc quyền cho thị trường Việt Nam. Vì độc quyền nên các đơn vị tha hồ “làm mưa, làm gió” trên thị trường.

“Họ độc quyền nên khi đưa ra giá cao chúng ta vẫn phải mua. Không mua thì không có thuốc. Trong khi đó hiện nay bệnh mãn tính, tim mạch, ung thư rất nhiều nên nhu cầu sử dụng thuốc biệt dược là rất lớn”, ông Tiên nói.

Theo ông Tiên, hiện nay Luật đấu thầu sửa đổi đã quy định đàm phán giá là hình thức đấu thầu. Nhưng thực tế nhiều loại thuốc biệt dược, thuốc độc quyền lại không nằm trong danh mục thuốc đấu thầu. Nên chưa có giải pháp để đàm phán, đảm bảo giá thuốc một cách hợp lý. 

“Trong sửa đổi Luật dược lần này, chúng ta phải quan tâm giải quyết vấn đề trên. Nếu không giải quyết thì người dân rất thiệt thòi vì phải chịu giá thuốc cao. Do đó, việc nghiên cứu bổ sung trách nhiệm đàm phán giá thuốc biệt dược, thuốc độc quyền là cần thiết”, ông Tiên nói.

Về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phân phối thuốc ở Việt Nam, ông Tiên cho hay, đang có hai luồng ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất, tán thành với dự thảo Luật quy định các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được phân phối thuốc ở Việt Nam. 

Tuy nhiên, ý kiến khác lại đề nghị không quy định vấn đề này. Không quy định mới phù hợp với xu thế hội nhập để tránh mang tiếng nặng nề vì luật cấm. Hơn nữa không quy định mới tạo điều kiện để người dân được hưởng giá thuốc hợp lý, thuốc không bị phân phối lòng vòng qua các công ty của Việt Nam. 

“Hiện nay các công ty phân phối thuốc này chỉ ký hợp đồng hợp pháp hóa cho các công ty nước ngoài và hưởng chênh lệch % giá, khiến giá thuốc tăng cao”, ông Tiên nói.

Xuất hiện thuốc có hàm lượng lạ

Ông Tiên đồng thời cũng cảnh báo một hiện tượng không bình thường là việc xuất hiện một số loại thuốc có hàm lượng lạ và giá rất cao. Vì chỉ duy nhất có hàm lương lạ nên các thuốc trên khi trúng thầu thường gây khó khăn cho quản lý. 

Ông Tiên dẫn chứng, một loại thuốc hàm lượng thông thường là 100mg, nhưng khi xuất hiện loại 135 mg, nhưng giá của loại này lại cao cấp 3- 4 lần, trong khi hàm lượng chỉ hơn nhau không nhiều. 

“Vì là độc nhất nên nếu có móc ngoặc với cơ quan mời thầu thi chắc chắn sẽ trúng thầu. Cơ quan Bảo hiểm y tế cũng không thể dừng thanh toán vì “lý ngay tình gian”. Vì vậy cần quy định cơ sở pháp lý để tránh tình trạng “lách luật” trên, ông Tiên đề nghị.

Đại biểu Trần Văn Bản (Bình Định) thì phản ánh, mỗi lần đi tiếp xúc cử tri đều thấy người dân kêu rất nhiều về giá thuốc.

“Người dân không đòi hỏi giá thuốc phải rẻ mà chỉ cần giá thuốc hợp lý so với các nước trong khu vực. Do đó, dự thảo Luật dược lần này phải bổ sung những quy định bảo đảm người dân trong nước được hưởng giá thuốc một cách hợp lý nhất”, ông Bản đề nghị.