Vì sao Apple tuyệt đối không bán iPhone ở một số quốc gia?

Có thêm 36 quốc gia sẽ bán iPhone 6 trong tháng 10, và đến cuối năm, con số tổng sẽ là trên 115 quốc gia. Nhưng, vẫn có một số nước không bán bất cứ sản phẩm nào của Apple. Vì sao?

Trong số những quốc gia “kỳ thị Apple” hay “bị Apple kỳ thị” này, có Syria, Triều Tiên, Sudan và Cuba. Đó là những quốc gia đang phải đối mặt với lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ.

Điều đó có nghĩa là mọi hoạt động “xuất khẩu, xuất khẩu lại, bán hay cung cấp” mọi sản phẩm Apple từ Mỹ hoặc từ một người Mỹ ở bất cứ đâu trên thế giới đều bị cấm tại những thị trường này, theo yêu cầu thương mại toàn cầu của Apple.

Ngoài những quốc gia trên, còn có những nước nằm trong danh sách này là một số quốc gia vùng Trung Đông và châu Phi. Những nơi này hoàn toàn không có Apple Store cũng như đại lý ủy quyền nào của Apple.

Apple không trả lời về việc vì sao các kênh phân phối ủy quyền của hãng không tồn tại ở những nước không bị Mỹ trừng phạt thương mại, như ở Ethiopia, Afghanistan và Yemen.

Các chuyên gia thương mại và công nghệ cũng ngần ngại dự đoán vì sao Apple không thâm nhập vào những thị trường này, nhưng một số đoán rằng do thiếu nhu cầu hoặc cơ sở hạ tầng.

Trong bản đồ dưới đây, những quốc gia “bị Apple tẩy chay” là những nước có màu sáng.

Vừa qua, người dùng đã chứng kiến điều gì xảy ra khi Trung Quốc không có trong danh sách bán iPhone 6 đợt đầu. Đó là thị trường chợ đen bùng nổ, trong khi nhiều “mafia Trung Quốc” ào đến các Apple Store trên khắp thế giới để mua iPhone nhằm bán lại cho những người giàu.

Một thị trường chợ đen như thế cũng đang diễn ra tại những nơi đang bị Mỹ trừng phạt thương mại, dù vì lý do khác. Trong khi người Trung Quốc đơn giản không muốn đợi đến khi iPhone 6 chính thức bán tại nước họ, những người thu nhập cao tại các nước đang bị trừng phạt lại muốn sở hữu một sản phẩm không bao giờ được bán ở đất nước họ.

Nhu cầu đó được những nhà cung cấp không chính thức như “Apple Syria Store” và “Tehran Apple Store” đáp ứng – đây là hai kênh phân phối sản phẩm Apple không chính thức ở Trung Đông.

Tuy nhiên, iPhone không được bán tại một số nước chỉ là vấn đề với những công dân giàu có của các quốc gia này. Điều đáng nói hơn là các quốc gia này gặp nhiều hạn chế trong việc tiếp cận những công nghệ quan trọng của thế giới.

Theo báo Time, Mỹ đặt lệnh trừng phạt với Syria, Triều Tiên, Sudan, Cuba và Iran nhằm ngăn chặn các nước này hỗ trợ khủng bố hoặc thực hiện các chương trình hạt nhân.

Lệnh trừng phạt đó phần lớn được xem là cấm vận kinh tế, nhưng chúng cũng đang ngăn cản dòng chảy thông tin, khi hạn chế gắt gao quyền tiếp cận công nghệ thông tin của các công dân.

Đó không chỉ là iPhone của Apple, mà còn các phần mềm và website của Mỹ như Apple App Store, Adobe Flash, Yahoo e-mail và các nền tảng giáo dục như Khan Academy và Coursera cũng bị chặn. Ở nhiều quốc gia bị trừng phạt, hầu như không thể truy cập vào các trang “bị chặn” này.

Apple cũng có động lực thị trường để tuân thủ lệnh cấm. Theo số liệu của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), hầu hết những quốc gia bị trừng phạt này đều có lượng lớn thuê bao di động mua thiết bị của những công ty hoặc quốc gia khác, chứ không phải Mỹ.

Dù vậy, các nhà phân tích chính sách công nghệ cho rằng Apple cũng như một số công ty công nghệ Mỹ đã “quá tuân thủ” lệnh trừng phạt, hoặc xem luật như thể họ hoàn toàn bị cấm vận. Điều này là nhằm giảm bớt trách nhiệm cho các công ty.

Chẳng hạn, năm 2009, LinkedIn đã chặn các tài khoản từ Syria và Google chặn hoàn toàn công cụ nhà phát triển code.goolgle.com ở Sudan.

Thậm chí Apple hồi năm 2012 cũng “quá tuân thủ” quy định, khi một nhân viên Apple Store ở Georgia từ chối bán iPad cho một phụ nữ Mỹ gốc Iran, sau khi anh ta nghe người phụ nữ đó nói tiếng Ba Tư. Người phụ nữ này sau đó đã nhận được lời xin lỗi của một nhân viên dịch vụ khách hàng của Apple.

Theo Theo Zing