Ký ức thời “anh xã viên”
Cuộc đời thăng trầm của ông Kim Ngọc được nói nhiều qua những trang “chính sử”. Còn với người dân thôn Đại Nội, xã Bình Định - quê ông, người ta nghẹn ngào thương nhớ ông - một nhà cải cách, làm thay đổi cuộc đời “anh xã viên” đói kém, thời hợp tác xã đã quen tiếng kẻng, cảnh chấm công, chia thóc, chia thịt…
Tìm về Bình Định, hỏi lãnh đạo xã, đến các bác Hội cựu chiến binh, Hội Nông dân…, nhẩm ra, người tường về ông Kim Ngọc ở quê, nay còn sống cũng chỉ đếm đầu ngón tay. Chúng tôi may mắn gặp được thầy giáo Kim Văn Bái (Nguyên Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Ngọc), sinh ra và lớn lên cùng thôn Đại Nội với ông Kim Ngọc. Thầy Bái là người thích sưu tầm, lưu giữ và say sưa với những câu chuyện về nhà cải cách này.
Thầy Bái vốn còn là người đề xuất đổi tên trường tiểu học của xã mang tên nhà cải cách Kim Ngọc. Để rồi đến nay, cả hệ thống trường mẫu giáo, Tiểu học và THCS của xã Bình Định đều mang tên người anh hùng - trong lòng dân của quê hương - Kim Ngọc.
Dù nghỉ hưu đã 7-8 năm nay, nhưng thầy Bái vẫn thường qua lại với gia đình ông Kim Ngọc. Những câu chuyện về Bí thư Kim Ngọc được ông lật lại với cả tấm lòng tưởng nhớ.
Theo thầy Bái, ông Ngọc đi lên từ anh nông dân nghèo khổ, đi cày thuê, rồi vào bộ đội, nên ông rất hiểu nông dân. Ngẫm lại cảnh hợp tác xã hơn nửa đời người về trước, thầy Bái cũng không khỏi ngậm ngùi. Thời đó, người dân “đói gần chết”, vỡ miếng đất hoang trồng bí để ăn qua bữa cũng bị người ta cho phá đi, vì nghĩ rằng đó là tư tưởng tư bản; địa chủ, phong kiến. Một anh nông dân trồng được mấy chục cân khoai tây, mang sang huyện khác bán, không cẩn thận bị bắt, may thì họ cho lại vài cân, còn lại bị thu hết.
Nhà thầy Bái hai vợ chồng đều là giáo viên, mỗi tháng tiêu chuẩn mỗi người được 13,5 cân gạo, nhưng chỉ mua được 5 cân, còn lại ngô với sắn; thực phẩm tiêu chuẩn được mua 5 lạng thịt, nhưng không mua được, xin ít mắm tôm thay thịt là may lắm rồi. Nhiều khi chúng tôi mua được gạo, ngô mốc, có phụ huynh thương thầy giáo, bảo ra trại chăn nuôi lợn đổi cho, vì gạo ở đó vẫn chưa bị mốc như gạo của thầy được phát.
Cảnh hợp tác xã sản xuất, lao động cật lực vẫn đói, khiến nhiều xã viên không mấy thiết tha. Thầy Bái kể: Ông Kim Ngọc nói nông dân của HTX đang “cày gãi, bừa chùi”, chỉ làm khơi khơi nhẹ trên mặt ruộng cho xong việc. Thế nên, ông Kim Ngọc cho máy về cày tung cả cánh đồng Bãi Bông-Giữa Đồng của thôn Đại Nội, các bờ vùng, bờ thửa cũng bị phá, đất lật lên thành một thửa lớn, rồi đưa phân lân về rải xuống cải tạo đất.
Khi ông Ngọc đi kiểm tra ruộng, ông thấy xung quanh bờ lúa tốt xanh cao vút lên, còn ở giữa ruộng thì “chuột chạy hở dái, chó chạy hở đuôi”. Gần bờ cỏ rất sạch, bùn sục, nhưng vào giữa ruộng thì cỏ tốt như lúa. Tại sao thế? Vì bà con đi làm với tư tưởng “cha chung không ai khóc”, không thiết tha với hợp tác xã, nên chỉ đứng bên bờ vãi xung quanh, chứ không ra giữa ruộng, thậm chí còn bớt xén phân bón của hợp tác xã.
Cùng thời với thầy Bái, ông Kim Văn Đầm (hơn 70 tuổi, thôn Đại Nội) cũng nhớ thời đó: Cụ Kim Ngọc còn phát hiện ra bà con đi tát nước, làm cỏ chỉ lấy nhiều công, chứ mỗi công được bao nhiêu lạng thóc không quan trọng. Thậm chí, khi đi ra đồng, bà con còn mang quần áo rách đi, mỗi lần giải lao, thời gian khâu vá còn nhiều hơn thời gian làm đồng.
Thầy giáo Kim Văn Bái, là người đề xuất đổi tên trường tiểu học của xã Bình Định mang tên Kim Ngọc.
Gần gũi dân nghèo
Trước tình cảnh đói kém của bà con quê hương, tư tưởng “khoán” của ông Kim Ngọc được nhen nhóm trên những thửa ruộng quê nhà những năm đầu thập niên 60. Ông Kim Ngọc khoán “chui” cho mỗi khẩu một thước - gọi đất rau xanh. Đất này để trồng rau, nuôi lợn, gà để đóng cho nhà nước.
Theo các cụ cao tuổi thôn Đại Nội, thời đó, gia đình nào 10 khẩu là hơn một sào. Hơn một sào này, nếu để hợp tác xã làm, 2 vụ chưa chắc đã được ăn. Còn để người dân làm, thậm chí còn biến thành 3 vụ, hai vụ lúa, một vụ màu, giá trị sản phẩm của sào ruộng đó còn gấp mấy lần so với hợp tác xã.
Ông Kim Toàn Thắng, từng làm đội trưởng đội sản xuất hợp tác xã Đại Nội, rồi Bí thư Đoàn xã, giai đoạn 1960-1964 nhớ lại: Những năm 1959-1960, ông Kim Ngọc về chỉ đạo sản xuất trực tiếp ở địa phương. Ông thường họp trọn ngày với các cán bộ, người dân ở thôn, xã về chuyện hợp tác xã.
Ở xã Bình Định, đất canh tác được phân ra hai phần, bên là đồng đất, nhưng mới nắng đã hạn và một bên chiêm trũng, nước mới về đã úng. Ở thôn Đại Nội, bình quân đất đầu người lớn nhất xã. Đến nay, thôn này phải san sẻ cho mấy làng bên cạnh, mất cả trăm mẫu ruộng so với ngày xưa.
Ông Thắng nhớ lại: Dân trong làng nhiều ruộng, nhưng làm nông nghiệp vất vả nhất nhì cái huyện này, vì làm nhiều nhưng vẫn đói cơm. Khi mới thành lập hợp tác xã, ngày công của bà con xã viên còn được 1 cân thóc, nhưng sau đó, chỉ còn 4-5 lạng. Đói lắm. Nhớ hôm ông Kim Ngọc về họp triển khai cách làm khoán. Khi họp với dân, ông hỏi: Bà con đã no đủ chưa? Nhiều bà con nói thẳng: Thưa với ông Kim Ngọc, no thì có no chứ chưa đủ cơm ăn!
Vì đói ăn, nên người dân thôn Đại Nội vẫn phải đi buôn nồi đất. Ông Thắng cũng nhiều lần gánh nồi đất, mua từ Vĩnh Yên, gánh sang tận khu vực Chùa Thầy – Sơn Tây (Hà Tây cũ) tới ba ngày đường mới về. “Có hôm cụ Kim Ngọc gặp đoàn bà con của Đại Nội gánh nồi đất đi bán trên đường, cụ Ngọc dừng xe lại hỏi han. Cụ nói, sao ruộng đất thì đầy ra, không lo làm mà phải đi buôn nồi đất?”- ông Thắng kể lại.
Theo ông Thắng, lúc ông còn làm đội trưởng đội sản xuất của thôn, cụ Kim Ngọc về chỉ đạo làm thí điểm 5 sào lúa. Ông bắt cày bừa tơi đất lên, rồi gieo thẳng hàng bằng lúa khô, chờ ít bữa có nước sẽ ẩm, thóc sẽ mọc mầm. Kết quả cho năng suất cao hơn kiểu gieo vãi khắp cả ruộng, sau đó dùng bừa để tỉa cho đều.
Còn thầy Bái nhớ lại: Có lần thấy ông Bí thư Tỉnh ủy ngồi trên ôtô Jeep bà con thôn Đại Nội nói, ý là ông làm quan ngồi xe ôtô, chứ có biết cấy gì đâu! Thấy vậy, cụ Kim Ngọc cho dừng xe lại, xắn quần, bảo các anh, các chị lên lái ô tô, để tôi xuống cấy. Cụ Ngọc xuống tận ruộng, ngoáy một lúc đâu ra đấy. Người dân biết thế, nên vội xin lỗi cụ.
Giai đoạn năm 1962, ông Kim Toàn Thắng chuyển sang làm Bí thư Đoàn thanh niên của xã. Ông cùng Bí thư, Chủ tịch xã bấy giờ cắp cặp, cùng cụ Kim Ngọc xắn quần, lội bì bõm trên các cánh đồng ở Bình Định. Cụ Ngọc yêu cầu phải khoanh vùng, chỗ nào không cấy được có kế hoạch đắp bờ thả cá, rồi nuôi bèo hoa dâu.
Lúc đầu, phong trào làm bèo dâu được cụ Kim Ngọc chỉ đạo ở xã Bình Định, sau đó lan ra huyện, rồi cả tỉnh. Cụ Ngọc còn lấy nhiều người ở thôn Đại Nội đi làm thí điểm về bèo hoa dâu trên tỉnh.
Những dấu ấn về nông nghiệp của Kim Ngọc với quê hương còn rất nhiều, nhất là con kênh 2, dẫn nước về cho cả khu vực Quán Tiên (huyện Tam Dương), rồi về Hợp Thịnh, Đồng Cương, Bình Định, Vĩnh Tân, Tam Hồng (huyện Yên Lạc)…
Buổi chiều cuối hè trên quê hương Kim Ngọc trời dịu mát. Ông Đào Xuân Quang, Chủ tịch UBND xã Bình Định cho biết, nông nghiệp giờ không còn là thế mạnh của xã nữa, nay bà con chuyển sang nghề chế biến gỗ, đồ mộc, dịch vụ, buôn bán... Xã đang phấn đấu hết năm 2015 sẽ “về đích” Nông thôn mới. Với người dân nơi đây, đâu đó bóng hình ông Kim Ngọc năm xưa như đang cùng nông dân đồng hành trên từng thửa đất.
Ông Kim Ngọc (1917-1979) tên thật là Kim Văn Nguộc, sinh tại thôn Đại Nội, xã Bình Định (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc). Ông giữ chức Bí thư Tỉnh ủy năm 1958. Trước tình cảnh nông dân không thiết tha với ruộng tập thể, năm 1966, ông chỉ đạo ra đời Nghị quyết 68 về khoán hộ (con gọi là “khoán chui”). Tuy nhiên, mãi 20 năm sau (năm 1988), Bộ Chính trị mới ra Nghị quyết 10 (còn gọi là Khoán 10) trong nông nghiệp, phát triển từ “khoán hộ” của Kim Ngọc. Chỉ một năm sau (1989), Việt Nam không chỉ đủ ăn, lần đầu tiên còn xuất khẩu 1 triệu tấn gạo.