Chơi vơi trước biển - Kỳ cuối:

Vời xa giấc mơ thoát nghèo

Các em học sinh vừa bỏ học để đi biển ở Phú Tân (Cà Mau) . Ảnh: Tiến Hưng
Các em học sinh vừa bỏ học để đi biển ở Phú Tân (Cà Mau) . Ảnh: Tiến Hưng
TP - Người nghèo di cư ra ven biển, vào rừng để sinh sống đang đối mặt với hiểm nguy biến đổi khí hậu nước biển dâng. Cái nghèo đói vì miếng cơm manh áo và cả việc thất học càng làm tương lai trở nên mù mịt. Dù đã xây dựng nhiều khu tái định cư nhưng người nghèo mãi lo chạy gạo từng lon nên khó an cư?

Trường hoang

Bà Nguyễn Thị Hồng Gấm, 39 tuổi, ở Cồn Nhàn ấp Mù U, xã Dân Thành (Duyên Hải, Trà Vinh) nói: “Nhà nước quan tâm xây trường nhưng học sinh thưa thớt, giáo viên dạy bữa đực, bữa cái cũng làm bọn trẻ chán”. Cũng theo bà Gấm, con gái lớn của bà học hết lớp 9, phải đi xa, bỏ học lên TPHCM làm thuê. Con út học lớp 7, đang đòi nghỉ học, theo chị kiếm tiền.


Ghé nhà người hàng xóm bà Gấm, ông Phan Văn Hiền, 34 tuổi, sống bằng nghề đi biển. Vợ chồng ông Hiền có 2 con, con gái lớn là Phan Thị Như Thơ, học nửa lớp 6, nghỉ học. Ông Hiền tâm sự: “Cuộc sống quá bấp bênh, làm không đủ ăn, chuyện học hành con cái khó nói trước”.

“Ở đây nước lên thì ngập, nước rút thì phải lội sình. Người lớn còn chịu không nổi, huống chi mấy đứa nhỏ, bắt buộc phải theo nó đến lớp. Vậy là phải mất cả ngày đợi rước tụi nó về vì con nước kém sao về được”.

Chị Trần Thị Thu Loan

Trước đây, đường từ trung tâm xã Dân Thành vào Cồn Nhàn lầy lội, đi lại khó khăn. Chưa đầy 10 năm trước, điểm trường gồm 3 phòng, làm điểm trường tiểu học Mù U. Bí thư Chi bộ ấp Mù U, ông Dương Hoàng Đủ cho biết, điểm trường dành cho trẻ em khu vực này, không đủ học sinh, đành đóng cửa, bỏ hoang.

Xuôi về vùng ven biển Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… con chữ càng rơi rớt ven biển, trong rừng bị nước cuốn đi. Huyện ven biển Phú Tân (Cà Mau) bờ biển 37 km, với 6 con sông ăn thông ra biển Tây. Em Trần Văn Tý, 16 tuổi, ở cửa biển Cái Cám, xã Phú Tân, học lớp 4, nghỉ học, theo tàu ra biển đánh cá: “Nghỉ học, ở nhà, đi biển, có tiền, sướng hơn”. 

Lao động trẻ em từ 13-16 tuổi ở cửa biển Cái Cám làm công cho ghe tàu nhỏ quanh đây để giăng lưới, cắm câu. Mỗi ngày đi theo ghe tàu, các em kiếm từ 30-40 ngàn đồng, khi trúng mùa được nhiều hơn. Còn lúc biển động, ngồi nhà đánh bài, chơi bi-da,…

Em Bùi Minh Đức, 15 tuổi, học lớp 7, nghỉ học 5 tháng rồi, nói: “Đi học tốn tiền, bài không thuộc bị la rầy. Tụi em ở đây đi học hơn 10 cây số, tiền học, tiền đò, tiền ăn cha mẹ lo không nổi”.

Hơn 26 năm bám ven biển, cất nhà trái phép trên rừng phòng hộ, gia sản của vợ chồng ông Tô Văn Chiến, 67 tuổi, ở kinh Mương Bảy, ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thịnh (Hòa Bình, Bạc Liêu) vẫn là căn nhà đơn sơ, sắp bị giải tỏa. Bên hiên nhà lợp lá, vừa đủ che nắng, thiếu che mưa, ông kể: “Lo làm ăn bù đầu, không có thời gian lo cho con đi học”.

Vợ chồng ông có 8 người con, chỉ có con trai út là Tô Ngọc Đức, 19 tuổi, biết mặt chữ, lên TPHCM làm công nhân. Các anh chị của Út Đức đều mù chữ hoặc chồng dạy vợ, vợ dạy chồng biết mặt chữ, tính toán sơ sơ, biết mặt đồng tiền để bán cá, cua…Ông Chiến có vẻ an phận: “Dân ở đây trình độ chữ nghĩa ngang ngang nhau, mù chữ hoặc nhấp nhem”.

Nhưng bà Lê Hoàng Anh - vợ ông Chiến lo hơn: “Con dốt rồi, sợ cháu dốt theo. Từ đây đi đến trường lầy lội, mưa trơn, phải đưa rước nên đi học không đều. Lớn chồng ngồng, đi học với trẻ con, lại dốt, mắc cỡ, bỏ học. Tôi có 15 đứa cháu, còn 4 đứa đang học lớp 1, lớp 2, tốp lớn nghỉ hết”.

Dạy học theo con nước

Thật khó ai có thể hình dung hết được cái cảnh, trẻ em đi học và các thầy cô giáo dạy học ở xã Tân Thuận (Đầm Dơi, Cà Mau). Việc đi dạy, đi học canh chừng theo con nước lớn - ròng. Phần lớn, bà con ở đây đi lại bằng đường sông, thủy triều lên xuống vài mét. Nước ròng sát, xuồng ghe phải đậu lại chờ nước lên mới đi được.  

Vời xa giấc mơ thoát nghèo ảnh 1 Một gia đình được tái định cư ở Tân Thuận (Đầm Dơi, Cà Mau)
Cô Lê Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Tân Thuận cho biết, nhiều khi phải cho các em học sớm hơn quy định, để rồi về sớm hơn vì sợ con nước kém, ròng sát, các cháu không về nhà được. Chuyện các cô giữ học sinh tới chiều tối, đợi cha mẹ đến rước thường xuyên.
Điều kiện đi lại quá khó khăn, đa số các em đều phải đi bằng đò dọc. Tiền đò mỗi em ít nhất cũng 10.000 đồng/ngày, có em ở xa lên đến 15.000 đồng/ngày. Chi phí quá lớn, các em lại là những đứa trẻ sống trong gia đình kinh tế eo hẹp, cha mẹ chúng phải chật vật với biển cả để lo miếng cơm, manh áo. 

Ngồi đợi 2 đứa con tan học, chị Trần Thị Thu Loan, ấp Hòa Hải, xã Tân Thuận, thở than: “Ở đây nước lên thì ngập, nước rút thì phải lội sình. Người lớn còn chịu không nổi, huống chi mấy đứa nhỏ, bắt buộc phải theo nó đến lớp. Vậy là phải mất cả ngày đợi rước tụi nó về vì con nước kém sao về được”. 

Đa số cha mẹ học sinh ở đây đều là dân làm thuê, vừa phải tốn tiền đi đò, vừa mất một lao động “đi học với con”. Một số gia đình không chịu nổi vất vả đành cho con em nghỉ học.

Cô Nguyễn Ngọc Quyến, giáo viên Trường Tiểu học Lưu Hoa Thanh, thở dài: “Toàn xã có 5 trường nhưng có tới 4 trường thiếu sân chơi, bãi tập. Nước lên, sân bãi lại vắng tiếng cười của các em”.

Những năm gần đây, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau khảo sát 140 hộ tại các xã Đất Mũi, Viên An (Ngọc Hiển), Nguyễn Việt Khái (Phú Tân) còn 20% người mù chữ, 49% có trình độ tiểu học và 23% có trình độ trung học cơ sở…

Sở NN&PTNT Bạc Liêu khảo sát 903 hộ dân sống trên đất rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu có 2.367 người trong độ tuổi đi học con đi học và 814 người trong độ tuổi này không được đi học. Ông Nguyễn Văn Út, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn nói: “Đời sống người dân nghèo, sinh sống xa xôi hẻo lánh nên việc chăm lo học tập của con cái không như vùng khác”.

Sợ vào khu tái định cư

Theo lộ trình quy hoạch bố trí dân cư (giai đoạn 2006-2015), tỉnh Cà Mau xây dựng 35 cụm tuyến dân cư để bố trí, sắp xếp trên 13.000 hộ và đã triển khai được 12 cụm dân cư ven biển còn dở dang. Cụm dân cư Xẻo Quao, thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời, Cà Mau) có 250 hộ dân sinh sống và dự kiến cho gần 100 hộ tái định cư.

Vời xa giấc mơ thoát nghèo ảnh 2 Nhiều loại kè ven biển, ven sông để bảo vệ người dân bị sạt lở
Ông Từ Văn Hiền, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc nói: “Mức sống của người dân ở đây rất thấp, mưu sinh gắn liền với biển, với rừng. Khi tái định cư chỉ nền đất, hỗ trợ cất nhà, còn chuyện kiếm sống vẫn phải ra biển, vào rừng như trước đây”.

Ông Lý Mỹ tái định cư Xẻo Quao nói: “Chúng tôi nghèo, cần kiếm cơm hơn chỗ ở. Vào khu tái định cư, thì đường vào rừng xa thêm, ghe tàu thêm tiền người trông giữ, một cảnh hai quê rất bất tiện”. 

Sau 3 năm, tỉnh Bạc Liêu khảo sát, lập dự án, xin vốn di dời 903 hộ dân sống trong rừng phòng hộ, ven biển Bạc Liêu vào khu tái định cư tại thành phố Bạc Liêu, Hòa Bình, Đông Hải gặp rất nhiều khó khăn. 

Ông Nguyễn Văn Út, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn Bạc Liêu cho hay, trước mắt định được vị trí xây dựng, chưa giải phóng mặt bằng, đã xin được hỗ trợ 33 triệu đồng/hộ, hỗ trợ 30 kg lương thực/người nhưng chưa có vốn cất nhà cho dân.

Trong khi lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu tìm nguồn vốn đầu tư chưa ra, ông Tô Văn Điền, ở ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Hậu (Hòa Bình) lại sợ: “Vào khu tái định cư, mỗi người vài chục mét vuông đất chỉ để ở. Bà con chúng tôi lội vô rừng xa, xuống biển cũng gặp khó thì làm sao kiếm sống. Khi vào đó, được cái quần áo khô ráo, nhưng cái bụng đói meo”.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Út, nói: “Đành rằng ông cha mình dạy an cư mới lạc nghiệp nhưng bà con còn nghèo phải tính toán qui trình ngược lại lạc nghiệp mới an cư. Rất khó!”.

Theo điều tra, tại 10 xã, thị trấn thuộc thành phố Bạc Liêu, huyện Hòa Bình, Đông Hải có 903 hộ sống ven biển, trên rừng phòng hộ có gần 700 căn nhà tạm, chòi lá lụp xụp, gần 600 hộ không đất sản xuất hoặc thuê mướn và 146 hộ chưa có điện.

MỚI - NÓNG