Vào nơi giành giật sự sống cho bệnh nhân COVID-19 ở lằn ranh sinh tử

TPO - Mỗi ngày đối mặt với cả trăm bệnh nhân COVID-19 nguy kịch, áp lực đè nặng, các bác sĩ, điều dưỡng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy dù đã dốc hết sức, tìm mọi cách nhưng không ít lần phải chứng kiến cảnh bệnh nhân ra đi ngay trước mắt. Họ phải kìm nén cảm xúc, xốc lại tinh thần để trở lại cứu những bệnh nhân khác cũng đang ở lằn ranh sinh tử..  
Những ngày qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TPHCM vẫn diễn biến phức tạp, số lượng ca mắc mới mỗi ngày vẫn nằm ở mức 4 con số.

Đến ngày 2/8, TPHCM có 97.076 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố. Các bệnh viện trên địa bàn hiện đang điều trị cho 34.438 bệnh nhân dương tính, trong đó có 924 bệnh nhân nặng đang thở máy và 8 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Lượng ca bệnh nặng tăng cao tạo áp lực rất lớn lên các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện tuyến cuối điều trị COVID-19.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, trung bình mỗi ngày có khoảng 400 bệnh nhân COVID-19 nặng, rất nặng và nguy kịch. Trong đó, khoa Cấp cứu tiếp nhận trung bình khoảng 100 bệnh nhân mỗi ngày.

Bác sĩ Phạm Trần Chí, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, những bệnh nhân nhập vào khoa đa số là bệnh nhân nặng và nguy kịch. Có những bệnh nhân diễn tiến bệnh chuyển xấu rất nhanh khiến các bác sĩ không kịp can thiệp.

"Có bệnh nhân đang nói chuyện bình thường, đang ăn cháo mà sặc cái là lên cơn khó thở, suy hô hấp, tử vong trước mắt mình luôn. Những lúc như vậy dù rất đau đớn nhưng mình phải tự kiểm soát cảm xúc để cứu chữa các bệnh nhân khác", bác sĩ Chí chia sẻ.

Theo các bác sĩ, mỗi ca trực trung bình có khoảng 4 bác sĩ và 10 điều dưỡng chăm sóc, cấp cứu cho khoảng 100 bệnh nhân. Lực lượng mỏng nên các bác sĩ, điều dưỡng đôi khi phải san sẻ, cáng đáng công việc cho nhau.

Mỗi khi có bệnh nhân cấp cứu nhập viện, ê kíp trực lại tất bật chạy đua với thời gian, tìm mọi cách để giành giật sự sống cho bệnh nhân dù chỉ còn một tia hy vọng nhỏ nhoi.

Tuy nhiên, một số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng quá nặng, dù các bác sĩ đã dốc hết sức, tìm mọi cách nhưng vẫn không thể đưa bệnh nhân trở lại.

Dù đau đớn nhưng họ phải kìm nén cảm xúc, lặng lẽ đứng nhìn theo chiếc băng ca chở thi thể bệnh nhân đi xa dần.

Sau đó, họ lại gác nỗi buồn, quên sự mệt nhọc để trở lại với những bệnh nhân khác đang cần sự giúp đỡ. "Trách nhiệm không cho phép chúng tôi nản nòng, chùng bước, vì còn hàng trăm bệnh nhân khác cần sự tỉnh táo của chúng tôi", bác sĩ Phạm Trần Chí chia sẻ.