Vấn nạn chất tạo nạc: Nguy cơ bùng phát cao

TP - Nhiều đại biểu dự hội thảo về chất tạo nạc hôm qua ở Hà Nội lên tiếng cảnh báo, nguy cơ bùng phát hành vi tội ác này là rất cao.

>Ăn thịt lợn có chất tạo nạc nguy hiểm đến tính mạng
>Phát hiện thêm doanh nghiệp bán chất tạo nạc

Đáng lo ngại

PGS.TS Nguyễn Đăng Vang, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ&Môi trường của Quốc hội, lưu ý: “Giá bán thấp và bị lỗ, quy mô chăn nuôi sẽ bị giảm. Nhưng khoảng sáu tháng sau, thịt lợn sẽ đắt trở lại do cung không đủ cầu”.

TS Lê Ngọc Châu, người trực tiếp thực hiện đề tài “Đánh giá tồn dư các hóa chất độc hại trong thịt lợn siêu nạc” mà kết quả vừa được báo cáo tại hội thảo hôm qua, thốt lên: Không an tâm! TS Châu, là thành viên Câu lạc bộ Doanh nghiệp Tin cậy vì Người tiêu dùng, tỏ ra bi quan khi xác định thời điểm tái phát lạm dụng chất cấm: “Chỉ sau 1-2 tháng im hơi lặng tiếng, rất có thể chất cấm lại được ào ạt đưa vào”.

Khi thịt lợn khan hiếm và người tiêu dùng (NTD) bắt đầu tạm quên nỗi sợ hãi, TS Châu cho biết hiếm nhà chăn nuôi nào cưỡng lại được sức cám dỗ của chất cấm. Lợn nuôi bằng thức ăn công nghiệp thông thường phải mất bốn tháng mới xuất chuồng với trọng lượng 100 kg/con.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, với giống lợn siêu nạc tốt nhất trong nước hiện nay, phải mất 5 tháng, mới đạt 95-100 kg/con. Nhưng nếu bón thêm thần dược Beta-Agonist chỉ cần ở mức một thìa cà phê thuốc đậm đặc cho 10 con lợn loại 70-80 kg/con, thời gian xuất chuồng với trọng lượng 100 kg/con rút ngắn chỉ còn ba tháng.

Ông Nguyễn Xuân Dương, cũng không khỏi lo lắng khi cho rằng “Người tiêu dùng có thể tạm thời yên tâm nhưng cơ quan quản lý thì chưa hề yên tâm chút nào”. Công an mới vào cuộc mà đã phát hiện 10 tấn thức ăn chăn nuôi nghi chứa chất cấm. Trong khi đó, thực tế, cơ quan chức năng chưa thể kiểm soát được toàn bộ thị trường. Ông Dương đoán có thể một lượng không nhỏ chất cấm “đang nằm tiềm ẩn ở đâu đó”. Lượng tiềm ẩn ấy, chưa kể số tuồn thêm từ ngoài vào, nhất định sẽ lại được hòa nhập vào chu trình chăn nuôi một khi có cơ hội.

Nguy cơ bùng phát cao

Lo ngại bùng phát sử dụng chất cấm còn xuất phát từ sức ép nhu cầu thịt lợn, trong khi VN không có kế hoạch tăng nhập khẩu thịt lợn thay thế.

Theo ông Dương, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn ở VN vẫn cao nhất so với các loại thịt khác. Trong tổng số bốn triệu tấn thịt tiêu thụ hằng năm, có tới ba triệu tấn là thịt lợn. Tỷ trọng này khó có thể thay đổi trong ngắn hạn, kể cả ở giai đoạn khủng hoảng lòng tin của NTD đối với thịt lợn hiện nay. Tổng lượng thịt nhập vẫn dừng ở mức trên 100.000 tấn/năm, gồm thịt bò cao cấp, đùi, và cánh gà, v.v…

Nhiều đại biểu dự hội thảo lo ngại nguy cơ tái bùng phát dùng chất tạo nạc Beta-Agonist sau vài tháng nữa Ảnh: Q.D.

Năm 2007, khi giá thịt lợn tăng vọt, 72.000 đồng/kg so với 50.000 đồng/kg hiện nay, Bộ Công Thương từng đề nghị nhập thịt lợn, Bộ NN&PTNT vẫn kiên quyết không đồng ý. Quan điểm này thời gian tới chưa có dấu hiệu thay đổi.

Trong khi đó, phương án vừa được đề xuất kiểm tra nước tiểu lợn, để phát hiện chất cấm tại các cơ sở chăn nuôi và giết mổ nhằm ngăn chặn thịt lợn bẩn ra chợ, bị xem là khó khả thi. Theo đề xuất, những con lợn bị phát hiện nước tiểu dương tính với chất cấm sẽ không được đưa vào lò mổ. Thay vào đó, chúng phải được đưa vào chuồng nuôi tạm bảy ngày để chất cấm đào thải hết.

Vấn đề là, theo TS Lê Ngọc Châu, khó có chủ lò mổ nào sẵn sàng bỏ tiền để nuôi số lợn bị phát hiện là bẩn cho đến khi chúng được coi là sạch. Mặt khác, với bảy triệu hộ nuôi lợn phân tán hiện nay, việc kiểm tra các cơ sở này để phát hiện và bắt họ tuân thủ hầu như không thể. Đấy là chưa kể kinh phí xét nghiệm chất cấm trong nước tiểu không hề rẻ, 400.000 đồng/mẫu. Mà để đảm bảo đúng quy trình, một con lợn có nước tiểu bị phát hiện dương tính với chất cấm phải có không dưới hai mẫu xét nghiệm, một mẫu lúc phát hiện và một mẫu sau bảy ngày nuôi đào thải. “Lấy đâu ra đủ tiền để xét nghiệm hàng nghìn mẫu?”, TS Châu đặt câu hỏi.

Đồng Nai và một số tỉnh Nam Bộ được cho là có nguy cơ cao tái phát sử dụng chất cấm hơn cả. Theo ông Dương, tỉnh Đồng Nai có đàn lợn 1,2 triệu con và cung cấp 40-50% thịt lợn cho TP Hồ Chí Minh.

Với giá 20-25 triệu đồng/kg chất tạo nạc nguyên chất, người chăn nuôi trực tiếp khó có tiền để mua. Rất có thể các thương lái đóng vai trò pha trộn các loại thuốc khác để thần dược chăn nuôi chỉ còn giá 500.000 – 1.200.000 đồng/kg và chính họ sẽ lại chuyển xuống cho các hộ chăn nuôi – Tiến sĩ Châu cho biết.

Mở rộng điều tra chất cấm tạo nạc

Ngày 13-4, trao đổi với Tiền Phong về vụ phát hiện cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi nghi có chứa chất cấm tạo nạc ở Mỹ Hào (Hưng Yên), ông Phạm Văn Hiền, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, khối lượng trong kho được niêm phong lên đến 8,3 tấn. Hàng được đóng thành các loại gói 1 kg, 25 kg. Việc nghi có chất cấm, ban đầu mới chỉ xác định qua phân tích định tính. Hiện lô hàng đã được lấy mẫu, dự kiến đầu tuần tới sẽ có kết quả phân tích định lượng.

Ông Hiền cũng cho biết thêm, quá trình kiểm tra, kiểm soát lực lượng thanh tra cũng phát hiện, đưa vào “tầm ngắm” một số cơ sở nghi có khả năng có buôn bán, sử dụng chất cấm, tới đây sẽ phối hợp với Bộ Công an tiếp tục mở rộng điều tra.

Theo Báo giấy