Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ Ngân hàng Nhà nước chiều 29/8, ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) cho biết từ đầu năm đến nay đã mua được trên 19.600 tỷ đồng nợ xấu, nâng tổng giá trị các khoản nợ mua được lên gần 59.000 tỷ đồng.
Bất chấp kết quả này, tỷ lệ nợ xấu trong toàn hệ thống ngân hàng vẫn tăng từ 4,07% vào cuối tháng 5/2014 lên 4,7% vào cuối tháng 6. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng việc xử lý nợ xấu qua VAMC còn chậm.
Trước vấn đề này, ông Hùng khẳng định việc mua nợ xấu của công ty vẫn theo đúng lộ trình. Theo đó, VAMC không đặt mục tiêu mua nợ xấu xong sẽ bán ngay mà còn tham gia phân tích, đánh giá để hỗ trợ doanh nghiệp. Đơn vị nào có khả năng sản xuất kinh doanh để trả nợ sẽ tiến hành điều chỉnh lãi suất hợp lý hoặc xem xét tiếp tục cho vay vốn để tìm nguồn tiền trả nợ. Với doanh nghiệp có khả năng "chết hẳn", công ty sẽ tiến hành xử lý ngay.
"Có chuyên gia đánh giá rằng đây chỉ là mua thời gian, nhưng theo tôi là mua thời gian nhưng có hiệu quả. Ít nhất trong lúc khó khăn này cần chia sẻ việc tái cơ cấu tổ chức tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp", ông Hùng bày tỏ.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định VAMC là công cụ xử lý nợ xấu phù hợp trong bối cảnh ngân sách eo hẹp. "Nhiều nước trên thế giới dành ngân sách rất lớn để xử lý nợ xấu, có nơi lên đến 15-20% GDP. Nhưng tại Việt Nam, ngân sách còn khó khăn, cơ chế xử lý còn nhiều điểm bất cập. Do đó, xử lý nợ xấu thông qua VAMC là cách thức mới, hợp lý khi không có tiền", bà cho biết.
Về việc nợ xấu gia tăng, đại diện Ngân hàng Nhà nước nêu nguyên nhân là hoạt động sản xuất kinh doanh còn khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp đến hạn không trả được nợ, tín dụng cũng còn hạn chế do sức hấp thụ vốn yếu. Ngoài ra, Thông tư 09 về phân loại theo chuẩn mới cũng khiến các tổ chức tín dụng phải gọi đúng tên các khoản nợ xấu.
Tuy nhiên, lãnh đạo VAMC cho biết quá trình phát mãi tài sản đảm bảo để thu hồi nợ đang gặp vướng mắc do thị trường chưa hồi phục. Công ty đã tiến hành đấu giá bán tài sản nhưng 3 lần đều không thành công. Thậm chí, sau khi ủy quyền cho các ngân hàng thực hiện thì có đơn vị bán đến 5-7 lần vẫn chưa bán được, dù giá phát mại tài sản còn thấp hơn thị trường.
"Thời điểm này cần tập trung tái cơ cấu tổ chức tín dụng, khi kinh tế phục hồi, việc mua bán nợ sẽ có hiệu quả và phát mại tài sản đảm bảo sẽ nhanh chóng hơn", lãnh đạo VAMC phát biểu.
Liên quan đến lãi suất, tuần qua một số ngân hàng đã hạ lãi suất tiền gửi 1-6 tháng xuống dưới mức trần 6% một năm. Theo bà Nguyễn Thị Hồng, việc giảm lãi suất là do tự các nhà băng cân đối nguồn vốn và quyết định. Về phía nhà điều hành, bà cho hay trần lãi suất 6% một năm với kỳ hạn ngắn vẫn phù hợp với kỳ vọng lạm phát cả năm khoảng 5%.
"Ngân hàng Nhà nước từ nay tới cuối năm sẽ ổn định mức trần lãi suất đầu vào, bản thân tổ chức tín dụng sẽ tự cân đối nguồn vốn để điều chỉnh lãi suất", bà cho biết. Vị lãnh đạo này cũng dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ khoảng 10%, sau khi 8 tháng đầu năm ước tăng 4,5%.
Theo Phương Linh