Phát biểu tại Hội nghị hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam diễn ra sáng 5/11, ông Nguyễn Duy Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 có 14 điểm mới, trong đó đáng chú ý là luật mới bổ sung quy định để gia tăng quyền lợi, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận một lần.
Ông Nguyễn Duy Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội - thông tin về những điểm mới của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024. |
Theo ông Cường, khi người lao động bảo lưu, tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm xã hội sẽ được hưởng các chế độ với mức cao hơn; gia tăng cơ hội được hưởng lương hưu, mức lương hưu cao hơn; hưởng trợ cấp hằng tháng khi không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Trong thời gian hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng người lao động còn được Quỹ bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế. Cùng với đó, họ được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế cao hơn…
Cũng theo ông Cường, một điểm mới nữa của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đáng nói là: Người lao động sẽ được giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm. Quy định này sẽ tạo điều kiện cho nhiều người được hưởng lương hưu, đặc biệt là những người tham gia bảo hiểm xã hội muộn; tạo cơ hội cho những người bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội muộn (những người 45-47 tuổi mới bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội) tham gia không liên tục hoặc làm công việc đặc thù, thời gian làm nghề ngắn cũng có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được nhận bảo hiểm y tế trong suốt quá trình hưởng lương hưu.
Với người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dài hơn, họ vẫn được hưởng lương hưu với tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn, không thay đổi so với quy định hiện hành.
Đại diện Vụ Bảo hiểm xã hội cũng cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 thông tin nhiều điểm mới khác như: Bổ sung chế độ trợ cấp hằng tháng đối với người không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, quy định áp dụng với các trường hợp như chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã/thôn/tổ dân phố, người lao động làm việc không trọn thời gian, người quản lý doanh nghiệp không hưởng lương.