IADL cho rằng, phán quyết của Tòa Trọng tài hôm 12/7 là quyết định có tính chung thẩm được đưa ra bởi một cơ quan có thẩm quyền giải thích Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Tuy nhiên, để đảm bảo hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở biển Đông và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhiều vấn đề cần được xử lý.
Những vấn đề này bao gồm bảo vệ quyền của các dân tộc được phát triển, bình đẳng về kinh tế và tiếp cận những thành quả tiến bộ khoa học cũng như các nguồn tài nguyên thiên nhiên theo những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc, quyền tự quyết của mỗi dân tộc thông qua nhà nước mình, và sự bình đẳng giữa các quốc gia lớn nhỏ.
IADL đề nghị các bên liên quan tại biển Đông sớm thông qua đàm phán để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho những tranh chấp đang tồn tại. Các cuộc đàm phán cần tuân thủ luật pháp quốc tế và được thực hiện một cách thiện chí để tìm kiếm giải pháp hòa bình. “Chúng tôi đồng thời kêu gọi các bên liên quan không triển khai các hoạt động quân sự hóa, leo thang căng thẳng ở biển Đông”, tuyên bố của IADL viết.
Tòa Trọng tài đã bác bỏ yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc đối với tài nguyên tại các vùng biển nằm trong “đường chín đoạn”, tuyên bố quy chế của các cấu trúc tại quần đảo Trường Sa và lên án các hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc phá hủy nghiêm trọng môi trường sinh thái biển.
IADL ủng hộ việc tổ chức một hội thảo quốc tế về biển Đông vào ngày 2/12 tại Ý, do Viện Nghiên cứu Pháp luật thuộc Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Ý chủ trì. Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu, chuyên gia, luật gia từ tất cả các nước liên quan và cộng đồng nhà nghiên cứu khoa học.
Nhiều năm qua, IADL kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp ở biển Đông theo luật pháp quốc tế, vì các tranh chấp này đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và thế giới. Tại cuộc họp Ban thường vụ IADL tháng 12/2015 ở Pháp, IADL thông qua nghị quyết ủng hộ việc sử dụng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển để giải quyết tranh chấp trên biển Đông.
IADL là một tổ chức phi chính phủ có tư cách cố vấn tại Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc, được thành lập năm 1946. IADL có vai trò ủng hộ và duy trì luật pháp quốc tế, bảo vệ quyền của các dân tộc được phát triển, bình đẳng về kinh tế và tiếp cận thành quả tiến bộ khoa học cũng như các nguồn tài nguyên thiên nhiên.