Biển Đông thử thách ASEAN

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 khai mạc sáng 24/7 tại Vientiane. Ảnh: TTXVN
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 khai mạc sáng 24/7 tại Vientiane. Ảnh: TTXVN
TP - Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN diễn ra hôm qua tại Lào, nhiều đại biểu cho rằng, biển Đông chính là phép thử đối với sự thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN. Họ cũng trao đổi một số vấn đề liên quan Tòa Trọng tài quốc tế.

Các bộ trưởng khẳng định tầm quan trọng của biển Đông gắn liền với hòa bình, ổn định và hợp tác của khu vực; tiếp tục bày tỏ quan ngại về tình hình phức tạp gần đây trên biển Đông, trong đó có việc bồi đắp và quân sự hóa, làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. 

Nhiều bộ trưởng nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, ASEAN cần phát huy đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định, kêu gọi kiềm chế và tạo môi trường thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp; biển Đông cũng chính là phép thử đối với sự thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN. Một số vấn đề liên quan Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) cũng được trao đổi.

Cần tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao

Các bộ trưởng khẳng định lập trường nhất quán về giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS; tầm quan trọng của việc đề cao luật pháp quốc tế, các tiến trình pháp lý và ngoại giao, kiềm chế, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực; không quân sự hóa, không có các hành động làm phức tạp tình hình hoặc gia tăng căng thẳng, và đạt tiến triển thực chất trong việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh tầm quan trọng nhiều mặt của biển Đông đối với các nước trong và ngoài khu vực; chia sẻ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây và hệ lụy đối với hòa bình, an ninh, ổn định khu vực; khẳng định vai trò quan trọng của ASEAN đóng góp vào thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác giữa các nước trong khu vực, tạo môi trường thuận lợi để các nước giải quyết hòa bình tranh chấp, phù hợp luật pháp quốc tế, UNCLOS. 

Phó Thủ tướng cũng khẳng định tầm quan trọng của việc ASEAN kiên trì lập trường chung; kêu gọi các nước thực hiện kiềm chế, không quân sự hóa, tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao, thực hiện nghiêm túc DOC, sớm đạt được COC...

Thúc đẩy 3 trụ cột

Các bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh ASEAN cần ưu tiên hàng đầu việc củng cố, tăng cường đoàn kết, thống nhất bởi đây là một trong những điều kiện tiên quyết cho thành công của tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, là nền tảng để ASEAN khẳng định, phát huy vai trò, trách nhiệm và tiếng nói trong việc xử lý các vấn đề chiến lược liên quan hòa bình, an ninh, ổn định khu vực, nâng cao hình ảnh, uy tín của Cộng đồng ASEAN.

Về triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025, các bộ trưởng hoan nghênh những tiến triển trên cả 3 trụ cột, trong đó có việc xác định và cụ thể hóa các ưu tiên theo từng giai đoạn, thiết lập các cơ chế giám sát nâng cao hiệu quả và tiến độ thực thi. 

Về Kế hoạch Tổng thể Chính trị-An ninh ASEAN 2025, nhiều tiến triển tích cực đã đạt được, với 140 trong tổng số 290 dòng hành động đang được triển khai, đạt tỷ lệ gần 50%, trong đó có nhiều dòng hành động thực chất như khởi động xây dựng quy trình chuẩn về hỗ trợ lãnh sự dành cho công dân ASEAN ở nước thứ 3, thành lập Trung tâm Quân y ASEAN, tổ chức các cuộc diễn tập về cứu trợ thiên tai, an ninh biển, chống khủng bố, gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+).

Về kinh tế, Hội nghị hoan nghênh các kế hoạch hành động mới giai đoạn 2016-2025 đã được xây dựng ở hầu hết kênh chuyên ngành như đầu tư, thuận lợi hóa thương mại, giao thông vận tải, doanh nghiệp vừa và nhỏ, du lịch, khoa học công nghệ, nông-lâm nghiệp... 

Về văn hóa-xã hội, các bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của trụ cột này trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và xây dựng bản sắc ASEAN; đánh giá cao những kết quả tích cực, trong đó có việc xây dựng Hướng dẫn của ASEAN về trách nhiệm xã hội công ty đối với lao động, vận hành Viện Kinh tế Xanh ASEAN...

Bên cạnh đó, các quan chức cao cấp ASEAN và Ủy ban các đại diện thường trực ASEAN được giao nhiệm vụ nghiên cứu khả năng cập nhật Hiến chương ASEAN nhằm bảo đảm ASEAN đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của giai đoạn mới. Các bộ trưởng nhất trí trao Quy chế đối tác theo lĩnh vực cho Thụy Sỹ và Đối tác phát triển cho Đức. Các bộ trưởng thông qua Tuyên bố kỷ niệm 40 năm Hiệp ước Thân thiện  và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và chấp thuận đề nghị tham gia TAC của Chile, Iran, Marốc và Ai Cập.

Hôm nay, 25/7, sẽ diễn ra 10 Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+1 với các bên đối thoại (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Úc, New Zealand, Nga, Canada và Liên minh châu Âu).

Việt Nam thúc đẩy hợp tác song phương

Ngày 24/7, bên lề ngày họp đầu tiên của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có các cuộc gặp, trao đổi song phương với ngoại trưởng Singapore và Indonesia. Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrisnan khẳng định, Singapore mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam phát triển kinh tế sáng tạo, kết nối hai nền kinh tế, thúc đẩy kinh tế kỹ thuật số. Hai bên nhất trí cần tiếp tục các dự án hợp tác kinh tế dài hạn, đánh giá cao tầm quan trọng của dự án khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP), nhất trí ưu tiên thúc đẩy VSIP tập trung vào các ngành công nghệ mới, kết nối với các dự án doanh nghiệp khởi nghiệp. Tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi, phía Việt Nam và Indonesia nhất trí thúc đẩy hợp tác biển, tích cực đẩy nhanh tiến độ đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước.

Trước đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh có cuộc gặp với Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống  Myanmar Aung San Suu Kyi. Đây là cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và bà Aung San Suu Kyi từ khi bà đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar. Phó Thủ tướng đề nghị phía Myanmar tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh tại Myanmar, nhất là trong các lĩnh vực ngân hàng, hàng không, viễn thông, khoáng sản, du lịch và nông nghiệp.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.