Trực tiếp bầu thể hiện quyền lực của nhân dân
Ủng hộ đề xuất mới này, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, nhìn vào lịch sử thấy, nông thôn là một lãnh thổ được hình thành bởi những tập tục từ lâu đời của những cộng đồng cư dân có mối quan hệ với nhau. Còn đô thị là những nơi "tứ chiếng" (khắp bốn phương - PV) tới, vì vậy nó phải có cơ chế để đảm bảo mối quan hệ đó. Vì trong lịch sử nhân loại, đô thị là những yếu tố đầu tiên của dân chủ. “Các thành, bang xưa kia đã thể hiện rõ điều đó, cho nên yếu tố dân chủ là rất quan trọng”, đại biểu Quốc nhấn mạnh.
Theo đại biểu, hiện nay chúng ta vẫn cứ làm thử nghiệm cho từng vùng, từng miền theo yêu cầu của địa phương, đó chỉ là giải pháp tình thế. Nhưng về lâu dài, cần sớm có cái chung và trong cái chung ấy, quan trọng nhất làm sao nâng được chất lượng về thiết chế dân chủ chứ không phải đi vào số lượng.
“Tôi đồng ý là không phải cấp nào cũng có HĐND. Khi tôi đi tiếp xúc cử tri, rất nhiều những vấn đề địa phương mà lẽ ra chỉ cần một HĐND theo đúng thẩm quyền có thể giải quyết được, nhưng vẫn phải đưa lên tận Trung ương. Trong cơ chế hiện nay, họ làm gì có quyền lực với những mối quan hệ nhằng nhịt như vậy. Số lượng ít nhưng phải có quyền lực thực sự. Mà một trong những quyền lực của người dân tốt nhất chính là trực tiếp bầu cử, để người dân bỏ phiếu, người dân chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình”, ông Quốc nói.
Đại biểu ủng hộ việc thử nghiệm dân trực tiếp bầu Chủ tịch Đà Nẵng, bởi dân chủ là cả một quá trình tập dượt, tiếp cận, rồi phải từ nhận thức của người dân…
“Vấn đề rất lớn”
Cho ý kiến về thí điểm chính quyền đô thị Đà Nẵng tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cho rằng, sau khi thí điểm mô hình chính quyền thành phố một cấp thì vai trò và khối lượng công việc của HĐND sẽ nhiều hơn, đòi hỏi số lượng và chất lượng phải nâng lên để thực hiện vai trò giám sát.
“Khi ra đời một mô hình mới, người dân cảm nhận được mô hình này dân chủ hơn, họ thấy sáng kiến của mình được tiếp thu và quyền lợi, đời sống mọi mặt được tăng lên. Đã là “thành phố đáng sống” thì bây giờ phải đáng sống hơn. Như vậy mới gọi là chính quyền nhân dân theo mô hình mới”, ông Kim nêu rõ và đề xuất thí điểm người dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND.
Đại biểu Nguyễn Việt Thắng (Bến Tre) cho rằng, chính quyền đô thị của Đà Nẵng cũng phải hết sức đặc biệt khi thực hiện thí điểm. Phải làm sao có cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực, tạo cho Chủ tịch UBND thành phố có nhiều quyền hạn nhưng phải kiểm soát được.
Trao đổi với phóng viên trước đề xuất này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàn Thanh Tùng nói ngắn gọn “đây là một vấn đề rất lớn”. Thẩm tra nội dung Chính phủ trình, có ý kiến trong Ủy ban Pháp luật băn khoăn, việc chỉ tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị sẽ phần nào làm ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền đại diện, quyền làm chủ của người dân và hoạt động giám sát của HĐND đối với UBND quận, phường.