Nếu như ngày xưa 2 bên đối địch trong cuộc chiến tranh lạnh như thùng thuốc súng mà chỉ cần một mồi lửa thì chiến tranh nóng sẽ bùng nổ, thì ngày nay liệu có lặp lại một cuộc chiến tranh lạnh kiểu đó từ cuộc khủng hoảng tại Ukraine hay không?
Nước Nga trong tình thế nguy hiểm
Khủng hoảng ở Ukraine chưa kết thúc, nhưng Mỹ-phương Tây đã hiểu ra được một điều đã quá muộn: Họ đã phán đoán sai cảm giác của Nga. Với họ đây là một trò chơi địa chính trị, nhưng với Nga thì không. Nga đã, đang nhận thức rằng: Nga đang bị Mỹ-NATO bao vây, an ninh quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng. Và, từ nhận thức đó, Nga sẵn sàng làm tất cả, không khoan nhượng, thậm chí đưa đất nước sẵn sàng cho tình trạng chiến tranh.
Đến đây, có rất nhiều người lấy ý tưởng “tự do”, “dân chủ”, “độc lập” để cho rằng, “Ukraine hay Gruzia là 2 quốc gia độc lập thì họ muốn theo ai, làm gì là quyền của họ mà Nga không được quyền can thiệp”…
Đúng vậy, nhưng quyền đó của anh không được ảnh hưởng, đe dọa đến an ninh của đất nước tôi. Còn nếu anh liên minh với kẻ thù của tôi, tạo chỗ đứng chân cho kẻ thù xỉa dao vào sườn tôi…thì anh, đương nhiên chính là kẻ thù trực tiếp, đầu tiên, đe dọa đến an ninh, chủ quyền của tôi và tất nhiên sẽ bị giáng trả. Đây là nguyên tắc hành động chung, bất di bất dịch của Nga, Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào để bảo vệ an ninh của mình.
Mỹ-NATO coi Nga là kẻ thù thì không thể biện bạch. Bằng chứng là NATO, tại sao lại cứ liên tục tiến về phía Đông nước Nga, tại sao lại xây dựng các hệ thống lá chắn tên lửa chống Nga…Đây chẳng phải là hành động vừa bao vây, vừa “trùm chăn” nước Nga sao?
Vậy thì gia nhập vào NATO chính là gia nhập vào hàng ngũ kẻ thù của Nga để bao vây cô lập Nga dẫn đến tiêu diệt hoặc lật đổ chính quyền Nga. Hành động của Mỹ-NATO luôn chứng tỏ điều đó mà buộc Nga ngồi nhìn là không thể. Khi Nga phản ứng thì phương Tây tố cáo Nga là “gây bất ổn an ninh châu Âu” là “gắp lửa bỏ tay người”.
EU là liên minh kinh tế, chính trị của châu Âu (không có Mỹ, Na Uy và Iceland) còn NATO là liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, nhưng thực chất toàn là thành viên châu Âu (không có Áo, Phần Lan và Thụy Điển) do Mỹ chỉ huy. Vì các thành viên Đông Âu gia nhập EU và trở thành NATO là tất yếu của một quá trình, cho nên, không có gì lạ khi Nga phản ứng quyết liệt với Ukraine, Gruzia.
Đây chính là điều đã khiến nước Nga nổi giận thách thức trật tự quốc tế đơn cực do Mỹ-NATO thao túng, đầu tiên là ở Gruzia năm 2008 và hiện nay là ở Ukraina.
Putin nhắm vào Gruzia và Ukraina không phải nhằm khẳng định lại tình cảm và cam kết của người Nga đối với nam Ossetia, Abkhazia hay Crưm, mà nhằm trừng phạt những quốc gia này vì có các liên hệ với phương Tây chống Nga, gây nguy hiểm cho an ninh Nga. Chắc chắn Nga không dại bành trướng đất đai để bị phương Tây trừng phạt, cấm vận trong tình thế đất nước đang trong thời gian phục hồi…ít nhất là trong giai đoạn này.
Tuy nhiên tại sao các nước Đông Âu sau khi Liên Xô tan rã, lại đều muốn vào EU và NATO? Phải chăng, Nga đã cậy mạnh, ức hiếp…nên đã biến các quốc gia này thành kẻ thù? Hay là các quốc gia này buộc phải đối đầu với Nga dưới sự điều khiển của Mỹ-NATO để được một quyền lợi gì đó mà bất chấp hậu quả?...
Dư luận đang chờ để biết những bằng chứng tố cáo nước Nga về vấn đề này, song hiện tại, thực sự, phản ứng của Nga phù hợp với quan niệm phổ biến là nước Nga đang bị bao vây bởi các cường quốc thù địch phương Tây.
Chiến tranh nóng Nga với Mỹ-NATO có xảy ra?
Chiến tranh nóng xảy ra giữa Nga với Mỹ-NATO khi thỏa mãn 2 điều kiện. Điều kiện đủ là có một cuộc chiến tranh lạnh tồn tại giữa 2 bên như thùng thuốc súng và điều kiện cần là có một mồi lửa. Có thuốc súng và có thêm mồi lửa là bùng nổ, thế thôi. Lúc đó chiến tranh thế giới lần thứ 3 bắt đầu.
Mỹ-NATO, như trên đã phân tích, đã bao vây, “trùm chăn” nước Nga, quyết tâm khuất phục Nga. Hành động đó đã, đang và sẽ luôn luôn khiến mối quan hệ Nga với Mỹ-NATO trong tình trạng của thùng thuốc súng.
Hiện nay, có thể nói tình trạng căng thẳng giữa Nga và Mỹ-NATO đang rất cao, xấu nhất kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh đến nay bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng Ukraine.
Rõ ràng, Ukraine đang là một mồi lửa, vấn đề là liệu mồi lửa này có thể làm bùng nổ thùng thuốc súng hay không đồng nghĩa với việc Ukraine gia nhập vào NATO hay không và thời điểm nào có tính quyết định.
Nếu Ukraine không gia nhập NATO. Trò chơi địa chính trị của Mỹ-phương Tây chỉ dừng lại ở hiện trạng, có tính đến cảm giác, phản ứng của Nga thì chiến tranh nóng Nga-NATO không xảy ra.
Nếu Ukraine được vào NATO thì chiến tranh nóng xảy ra hay không phụ thuộc vào thời điểm gia nhập mà cụ thể là cuộc khủng hoảng chưa kết thúc hoặc sau khi kết thúc.
Khủng hoảng Ukraine được gọi là kết thúc khi tình hình Ukraine được ổn định hoặc là liên bang hóa hoặc là thống nhất…được Nga, phương Tây công nhận. Lúc này Ukraine gia nhập NATO thì chiến tranh nóng Nga-NATO rất khó xảy ra.
Khủng hoảng Ukraine được coi chưa kết thúc khi đang nội chiến hay mấp mé nội chiến, tranh chấp lãnh thổ với Nga căng thẳng vì Crimea. Lúc này nếu Ukraine được kết nạp vào NATO là chiến tranh nóng giữa Nga với NATO sẽ xảy ra chắc chắn. Tại sao?
Ai cũng biết điều 5 trong NATO là gì, vì thế khi NATO đồng ý cho Ukraine gia nhập có nghĩa là tuyên chiến với quân ly khai miền Đông Ukraine và đương nhiên cũng chính là Liên bang Nga.
Như vậy, mồi lửa đang cháy Ukraine chỉ làm bùng nổ thùng thuốc súng khi chỉ khi Ukraine vào NATO tại thời điểm khủng hoảng chưa kết thúc. Tuy nhiên, dù Kiev đang hô hào, trưng cầu dân ý; Tổng thư ký NATO ủng hộ kết quả trưng cầu, rồi Mỹ cổ vũ…nhưng Mỹ-NATO không đời nào vì Ukraine mà đánh cược toàn bộ tài sản của mình khi gây chiến tranh với Nga. Ukraine có trưng cầu dân ý đạt 1000% thì NATO vẫn mặc vì Mỹ-NATO đâu có dại đi đánh thuê cho Kiev với cường quốc quân sự như Nga.
Làm thế nào để mồi lửa đang cháy Ukraine không làm nổ thùng thuốc súng? Điều này tùy thuộc vào người chơi là Mỹ-NATO nhưng trước hết là đừng để nó quá gần và để nó đủ nhỏ. Việc hiện nay, Mỹ vẫn chưa dám cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine là thuộc trong kiểu chơi đó.
Không ai muốn Nga sa lầy tại Ukraine bằng Mỹ, nhưng muốn vậy phải chống lưng cho chính quyền Kiev đủ mạnh và đặc biệt là cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Kiev như đã từng cho quân Taliban ở chiến trường Apganixtan. Nhưng nếu cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev thì không chỉ mang lại “4 tai vạ” cho Mỹ như báo chí Mỹ phân tích mà gấu Nga sẽ “vả” lại ngay tại Iran và Bắc Triều Tiên.
Vậy, chiến tranh nóng Nga với Mỹ-NATO sẽ chưa xảy ra khi Ukraine chưa gia nhập NATO. Người Mỹ và châu Âu đủ tỉnh táo để nhận thấy không thể thắng Nga bằng chiến tranh nóng. Họ muốn thắng Nga trong cuộc chiến địa chính trị với trò chơi không mạo hiểm.