Tuyệt đối không áp đặt mức ủng hộ phòng chống COVID-19

TPO - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu tuyên truyền để người dân, tổ chức, cá nhân chung tay ủng hộ quỹ vắc xin phòng chống COVID-19, nhưng lưu ý: "Tuyệt đối không được áp đặt mức ủng hộ cho người dân".
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng kết luận cuộc họp

11 ngày không có ca mắc ngoài cộng đồng

Chiều 25/6, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng chủ trì họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19. Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, thành phố đã sang ngày thứ 11 không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng. Cho đến nay, chỉ còn 3 quận, huyện là Long Biên, Đông Anh, Sóc Sơn có ca bệnh chưa qua 14 ngày. Cộng dồn từ 27/4 đến nay (đợt dịch thứ 4), thành phố có 106 điểm phong tỏa, trong đó có 98 điểm đã được gỡ bỏ, còn 8 điểm phong tỏa tại 3 quận, huyện (Đông Anh 5, Long Biên 2, Sóc Sơn 1).

Ông Hạnh khẳng định, cho đến nay các ổ dịch trên địa bàn thành phố đã được kiểm soát. Tuy nhiên tình hình dịch bệnh vẫn ở mức nguy cơ cao bởi tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện ổ dịch tại nhiều địa điểm, số ca mắc mới trong ngày vẫn ở mức cao, nhiều ca mắc chưa rõ yếu tố dịch tễ. Đặc biệt, những ngày gần đây đã ghi nhận các trường hợp mắc tại Bình Dương, Hưng Yên, Thái Bình là lái xe đường dài về từ Thành phố Hồ Chí Minh. Hà Nội hiện có nhiều bãi xe, điểm tập kết xe khách, xe chở hàng về từ địa phương này, đây cũng là yếu tố nguy cơ cần kiểm soát.

Theo đó, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện rà soát, lấy mẫu xét nghiệm cho các lái xe đường dài về từ Thành phố Hồ Chí Minh.“ Các quận huyện có bến xe cần rà soát xét nghiệm đầy đủ các lái xe đường dài”, ông Hạnh nói.

Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết UBND thành phố đã có văn bản đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép các doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia vào việc mua, cung ứng vắc xin và cho phép các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức được ký hợp đồng với đơn vị có chức năng tiêm chủng để triển khai tiêm cho cán bộ nhân viên.

Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, từ ngày 16/6 đến nay các đơn vị y tế đã xét nghiệm ngẫu nhiên cho các hành khách tại tất cả các chuyến bay từ Tân Sơn Nhất về Nội Bài, tổng 949 mẫu, kết quả đều âm tính.

Thành phố cũng tăng cường kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm quy định phòng dịch; Công an thành phố đã xử lý gần 6.000 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng với tổng số tiền phạt gần 9 tỷ đồng.

Nghiên cứu việc cách ly F1 tại nhà

Theo ông Hạnh, có 8 nhiệm vụ trọng tâm cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc tại những khu vực, cơ sở có nguy cơ; xét nghiệm cho người về từ các tỉnh, thành phố có dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là về từ Thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng thời thành phố sẽ giám sát chặt chẽ người lao động tại các vùng giáp ranh với các tỉnh còn ghi nhận ca bệnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, những khu vực có nhiều chuyên gia nước ngoài ở, các khu chung cư, khách sạn trên địa bàn.

“Bộ Y tế có hướng dẫn các địa phương nghiên cứu các phương án cách ly F1 tại nhà. Hà Nội sẽ nghiên cứu và đề xuất phương án phù hợp với thực tế thành phố”, ông Hạnh nói.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, sau khi thành phố có nới lỏng một số loại hình kinh doanh không thiết yếu, qua phản ánh của các cơ quan báo chí, về cơ bản các cửa hàng ăn uống trên địa bàn thực hiện khá tốt các yêu cầu phòng dịch. Tuy nhiên vẫn còn có nơi, có chỗ chưa thực hiện tốt, cần kiểm tra rà soát, xử phạt nghiêm.

Ông Dũng cho rằng, Hà Nội vẫn phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh. Thành phố đã nới lỏng một số hoạt động, đi kèm với đó phải siết chặt kiểm tra, xử phạt để giữ thành quả, công sức của cả hệ thống chính trị và toàn dân.

Để tăng cường thực hiện “mục tiêu kép”, đảm bảo an sinh xã hội, thành phố quyết tâm không để dịch bệnh lây lan, đảm bảo dịch bệnh ảnh hưởng thấp nhất tới đời sống người dân; đảm bảo an ninh trật tự; không lơ là, không hoang mang, bất bình tĩnh.

Ông Dũng cũng yêu cầu cần tiếp tục phát huy hiệu quả trong tuyên truyền thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19; tuyên truyền để người dân, tổ chức, cá nhân chung tay ủng hộ quỹ vắc xin và lưu ý: “Tuyệt đối không được áp đặt mức ủng hộ cho người dân”.

Các cấp ngành đơn vị phải ứng trực 24/24/7 để sẵn sàng kích hoạt trước mọi tình huống; khẩn trương, thần tốc khi có ca bệnh. Các phần việc phải thực hiện nhanh nhất.

Ông Dũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục đảm bảo tuyệt đối an toàn các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh; siết chặt quản lý các khu cách ly tập trung; tiếp tục xét nghiệm sàng lọc ở các cơ sở có nguy cơ, người về từ vùng dịch, các phân xưởng ở nhà máy có ca dương tính; tập huấn, có thông tin đầy đủ với người dân, xây dựng phương án để tiếp tục tiêm vắc xin; quyết liệt phòng chống dịch ở các khu, cụm công nghiệp…

Các đơn vị chủ động triển khai, sẵn sàng cho việc phòng chống dịch COVID-19 cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

“Sắp tới có một số trường đại học sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng nên Ban chỉ đạo phòng dịch ở các địa phương phải nắm bắt cụ thể lịch thi, yêu cầu các trường đó phải có phương án đảm bảo an toàn phòng chống dịch và phối hợp hoàn thiện phương án, báo cáo thành phố. Thành phố ủng hộ việc tuyển sinh của các trường nhưng kỳ thi sẽ tập trung đông người, nên phải làm thật tốt công tác phòng dịch, không để có sự cố, lây nhiễm dịch bệnh”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, thành phố vừa tiếp tục có văn bản cho phép một số hoạt động thể dục thể thao ngoài trời (không quá 20 người…). "Văn bản đã chỉ đạo cụ thể tất cả các phần việc, các đơn vị phải thực hiện nghiêm. Công an thành phố và các quận huyện thị xã cần tiếp tục kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm”, ông Dũng yêu cầu.