Tuyển sinh 2015: Trúng tuyển rồi có được tạm hoãn nhập ngũ?

Dự án luật Nghĩa vụ quân sự mới sẽ được Quốc hội thông qua vào năm 2015, trong khi đó, mùa tuyển quân năm 2015 đã sắp bắt đầu. Vậy, tuyển sinh 2015 thực hiện theo Dự thảo Nghĩa vụ quân sự mới hay vẫn thực hiện theo quy định cũ.
Thanh niên hăng hái lên đường nhập ngũ.

Tờ trình về dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) trước Quốc hội kỳ họp vừa qua có một điểm mới của dự án luật nghĩa vụ quân sự sửa đổi lần này là thay đổi độ tuổi gọi công dân nhập ngũ. 

Luật nghĩa vụ quân sự hiện hành quy định độ tuổi gọi công dân nhập ngũ trong thời bình từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi nên hằng năm tỷ lệ công dân có trình độ đại học trở lên được gọi nhập ngũ vào quân đội thấp.

Mặt khác, số công dân được ưu tiên tạm hoãn gọi nhập ngũ để học đại học, sau khi tốt nghiệp phần lớn đã hết độ tuổi gọi nhập ngũ. Vì vậy, dự án Luật bổ sung quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình đến hết 27 tuổi đối với công dân học chương trình đào tạo đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ.

Luật nghĩa vụ quân sự hiện hành quy định đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình quá rộng khiến tỷ lệ công dân tốt nghiệp cao đẳng, đại học vào phục vụ tại ngũ không nhiều. Một số công dân còn lợi dụng chính sách tạm hoãn gọi nhập ngũ để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự…

Vì vậy, dự án Luật đã quy định chỉ tạm hoãn đối với đối tượng là học sinh phổ thông, sinh viên đào tạo đại học chính quy và bãi bỏ quy định về việc tạm hoãn đối với công dân “Đi xây dựng vùng kinh tế mới trong ba năm đầu”.

Để bảo đảm chính sách đối với người nhiễm chất độc da cam, dự án Luật bổ sung quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình đối với một con của người nhiễm chất độc da cam bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Dự luật Nghĩa vụ quân sự mới sẽ được Quốc hội thông qua vào năm 2015, theo Thiếu tướng Nguyễn Thiện Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng – Bộ GD-ĐT, nhiều khả năng trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015, luật này vẫn chưa có hiệu lực thi hành. Việc gọi công dân nhập ngũ vẫn áp dụng luật và các nghị định, thông tư hiện hành.

Như vậy, theo quy định cũ, Thông tư liên tịch số 13/2013/TTLT nêu rõ khi công dân mới nhận được Giấy báo nhập học, chưa làm xong thủ tục nhập học thì chưa phải là đang học, do đó công dân phải chấp hành Lệnh gọi nhập ngũ và không thuộc đối tượng được xét tạm hoãn gọi nhập ngũ. Khi công dân đã nhập ngũ vào quân đội, nếu có Giấy báo nhập học vào các trường thì sẽ được bảo lưu kết quả thi tuyển theo quy định.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhất trí với Bộ Quốc phòng xét tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với các đối tượng thi đỗ vào các trường thuộc lực lượng Công an nhân dân (trừ các đối tượng theo học hệ dân sự).

Những trường hợp nằm trong diện gọi nhập ngũ, sức khỏe hoàn toàn đáp ứng khi trốn tránh trách nhiệm, không chấp hành Lệnh gọi nhập ngũ thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 7 và Điều 9 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu.

Tăng cường nhập ngũ đối với người có trình độ đại học, cao đẳng

Năm 2014, TP.Hà Nội đã có bước đột phá về chất lượng tuyển quân với 40% công dân nhập ngũ tốt nghiệp đại học, cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp (THCN) (trong đó 29 xã, phường, thị trấn ở 17 quận, huyện, thị xã có 100% công dân tốt nghiệp đại học, cao đẳng và THCN nhập ngũ), trở thành đơn vị dẫn đầu cả nước về chất lượng công dân nhập ngũ.

Năm 2015, Hội đồng NVQS TP.Hà Nội phấn đấu chất lượng quận, huyện, thị xã có 40% công dân tốt nghiệp đại học, cao đẳng, THCN; khối quận có 50% công dân dân tốt nghiệp đại học, cao đẳng, THCN.

TP. Hà Nội tiếp tục tổ chức tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ làm 2 đợt như mọi năm, thời gian dự kiến đợt 1 từ ngày 6 đến 10-3-2015; đợt 2 từ ngày 6 đến 15-9-2015.

Đặc biệt, Hà Nội chú trọng tuyển chọn công chức, viên chức tham gia nhập ngũ để góp phần thực hiện công bằng xã hội và nâng cao chất lượng quân đội; xử lý nghiêm những đối tượng cố tình vi phạm Luật NVQS.

Còn tại TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu chủ tịch UBND quận, huyện tiếp tục tập nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, trong đó trình độ học vấn phấn đấu tốt nghiệp ĐH, CĐ, TC đạt từ 25% trở lên, các huyện ngoại thành đạt từ 20% trở lên.

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM yêu cầu Sở GD-ĐT TP.HCM chủ trì, phối hợp với Văn phòng Bộ GD-ĐT tại TP.HCM chỉ đạo các trường ĐH, CĐ, TCCN, cao đẳng nghề, trung học nghề trên địa bàn thành phố cung cấp danh sách nam HSSV trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ đang học ở các trường, đã tốt nghiệp ra trường hoặc thôi học về Ban Chỉ huy quân sự quận, huyện, để quản lý chặt chẽ nguồn công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ…

Theo Hồng Hạnh

Theo Dân Trí