Tuyển sinh 2012: thận trọng với những điểm mới
> Gần 14.000 chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến vào ĐH Đà Nẵng
> Đề thi tuyển sinh sẽ bám sát chương trình THPT
Những điểm mới trong kỳ thi tuyển sinh năm 2012 được đánh giá là có lợi cho thí sinh, nhưng nếu không cẩn trọng thí sinh có thể đánh mất cơ hội bởi chính những thay đổi này.
Cân nhắc khối A1
Khối A1 (toán, lý và ngoại ngữ) sẽ được chính thức đưa vào thi trong kỳ tuyển sinh năm nay. Nhiều trường ĐH lớn khu vực phía Nam như ĐHQG TP.HCM, Kinh tế TP.HCM, Ngân hàng, Công nghiệp... chính thức bổ sung khối này. Trong khi đó có khá ít trường khu vực phía Bắc công bố tuyển khối thi này.
Do đó khi lựa chọn trường thi và khối thi, thí sinh cần hết sức cân nhắc để có thể dùng kết quả này xét tuyển vào trường, ngành khác nếu chẳng may không trúng tuyển vào trường đăng ký.
Không chỉ “trường có trường không” mà ngay trong số trường có tuyển khối A1 cũng có nhiều cách tuyển khác nhau. Thí sinh cần theo dõi thông tin về cách thức tuyển sinh của các trường để tránh bị mất cơ hội.
Chẳng hạn tại TP.HCM, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm quyết định bổ sung khối A1 nhưng chỉ xét tuyển khối này khi xét tuyển đợt hai (tương đương nguyện vọng - NV2 trước đây). Đối với NV1, trường chỉ tổ chức thi tuyển sinh khối A. Một cán bộ tuyển sinh của trường cho biết do mỗi khối thi phải bố trí hội đồng riêng để tránh lệch về thời gian, gây xáo trộn việc làm bài của thí sinh nên trường chỉ thi tuyển khối A. Trong trường hợp có xét tuyển đợt 2, trường sẽ bổ sung khối A1.
Trong khi đó một số trường ĐH khu vực phía Bắc lại tính phương án “ký gửi” thí sinh khối A1. Thí sinh có thể chọn thi nhờ khối A1 tại trường ĐH nào có thi tuyển khối này, sau đó chuyển kết quả về trường để xét tuyển.
Thí sinh cũng cần cân nhắc khả năng trúng tuyển của khối thi A1. Do không phải trường nào tuyển sinh khối A đều bổ sung khối A1 nên cơ hội xét tuyển các đợt tiếp theo (có thể gọi là NV2, 3...) vào những trường khác sẽ hạn chế hơn. Chẳng hạn, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM năm nay sẽ thi tuyển cả hai khối A và A1.
Tuy nhiên nhiều năm gần đây, trường thường tuyển đủ chỉ tiêu bằng NV1 và không xét tuyển NV2. Trong khi đó một số trường ĐH thường xét tuyển NV2 thì năm nay không tuyển sinh khối A1. Thí sinh khối A1 không trúng tuyển sẽ vất vả hơn khi tìm trường để xét tuyển đợt hai, trong khi thí sinh khối A sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn hơn.
ThS Hứa Minh Tuấn, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tài chính - marketing, lưu ý: nếu thấy khả năng của mình khó trúng tuyển khối A1 thì nên cân nhắc chọn thi khối A, cơ hội xét tuyển các NV tiếp theo sẽ rộng mở hơn bởi không phải trường nào thi khối A1 cũng xét tuyển NV2 và trường xét NV2 đôi khi lại không tuyển khối A1. Thí sinh khối A1 nên tìm hiểu ngành mình thi có trường nào khác tuyển khối A1 không để dự phòng.
Lưu ý thời gian xét tuyển
Theo chủ trương của Bộ GD-ĐT, năm nay bộ sẽ không quy định thời gian của các đợt xét tuyển. Các trường tự chủ quy định thời gian và số lần xét tuyển, thí sinh được nộp hồ sơ xét tuyển nhiều lần. Quy định này tạo thuận lợi cho các trường trong xét tuyển cũng như thí sinh có nhiều thời gian và cơ hội để lựa chọn hơn. Tuy nhiên, cán bộ quản lý nhiều trường ĐH cũng khuyên thí sinh phải hết sức lưu ý về quy định mới này.
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, lưu ý thí sinh: về lý thuyết, các trường có thể xét tuyển đến ngày 31-12 hằng năm (bộ trưởng Bộ GD-ĐT đang xem xét việc rút ngắn thời gian này bởi quá dài - PV). Tuy vậy, không phải trường nào cũng kéo dài thời gian xét tuyển đến thời điểm trên. Hơn nữa, các trường tự quy định thời gian của mỗi đợt xét tuyển khác nhau.
Thời gian các đợt xét tuyển sẽ không cố định như những năm trước nên thí sinh muốn xét tuyển vào trường nào cần phải theo dõi kỹ điều kiện và thời gian xét tuyển của trường đó để nộp hồ sơ. Thí sinh không được chủ quan đợi đến hạn cuối 31-12 mới nộp hồ sơ. Khi đó, nhiều trường có thể đã kết thúc xét tuyển từ lâu và như thế thí sinh tự đánh mất cơ hội của mình.
Đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT mới có chủ trương về việc xét tuyển. Trong khi đó, các kỹ thuật cụ thể về việc xét tuyển lại chưa có. Bộ GD-ĐT mới chủ trương giao quyền tự chủ xét tuyển cho các trường nhưng xét tuyển như thế nào, rút hồ sơ ra sao, các trường cấp bao nhiêu giấy chứng nhận kết quả tuyển sinh... vẫn chưa được quy định cụ thể.
Những kỹ thuật này nhằm đảm bảo việc xét tuyển của các trường đúng quy định, vừa đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Trước đây, Bộ GD-ĐT từng dự kiến cho thí sinh sử dụng bản sao để xét tuyển.
Về vấn đề này, TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, cho rằng không nên áp dụng điều này bởi thí sinh điểm cao sẽ chiếm số lượng ảo rất lớn, chiếm chỗ của những thí sinh có điểm thấp. Điều này sẽ thiệt thòi rất lớn cho thí sinh điểm thấp. Hơn nữa việc này cũng gây khó khăn rất lớn cho các trường vì tỉ lệ ảo không thể kiểm soát.
Cần quy định thời gian công bố kết quả
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, quy định mới về xét tuyển năm nay đồng nghĩa với việc không còn NV2, 3. Như vậy các trường có phải cấp hai giấy chứng nhận kết quả tuyển sinh như trước đây hay chỉ một?
Theo ông, chỉ cần một giấy. Tuy nhiên, do các trường tự chủ xét tuyển nên Bộ GD-ĐT cần quy định thời gian các trường trả lời cho thí sinh có trúng tuyển hay không. Có trường kết thúc sớm và công bố kết quả sớm nhưng có thể mỗi đợt xét tuyển của một trường sẽ kéo dài hơn cả tháng, như thế thí sinh sẽ làm thế nào để nộp hồ sơ nhiều lần. B
ộ cũng cần quy định việc rút và trách nhiệm trả hồ sơ của các trường để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Theo Minh Giảng
Tuổi Trẻ