Từ những chuyến xe chở gió...

TP - Từng phải làm đủ nghề để kiếm sống, từ chăn vịt, bán kem, đến bán thuốc lá dạo, lái xe đưa cơm sống lang bạt kỳ hồ nơi đất khách quê người, nhưng với ý chí, quyết tâm làm giàu, Nguyễn Đàm Văn trở thành ông chủ của hãng xe Văn Minh.
Giám đốc Nguyễn Đàm Văn cùng vợ con

Chuỗi ngày cơ cực

Gia đình có 10 anh chị em, Văn là con áp út. “Để đủ gạo nuôi 10 đứa con, bố mẹ tôi đã rất cơ cực!”, Nguyễn Đàm Văn mở đầu câu chuyện từ làng quê Sơn Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An), nơi anh bước vào đời với tư cách là một... cậu bé chăn vịt. Mười tuổi, theo cha ra đồng. Ngày hè đỏ lửa cũng như mùa mưa lũ, đôi chân tí hon của cậu đã rảo khắp đồng làng. Bầy vịt 5, 6 trăm con của gia đình ông Nguyễn Bính Thân thiếu thức ăn, hai cha con đánh đường lùa vịt xuống cầu Cấm (Nghi Lộc), cách Sơn Thành hơn 30 cây số. Lẽo đẽo theo cha, cậu bé băng qua ao chuôm và đồng bãi sình lầy, lang thang hết xã này đến xã khác.

Những năm đói kém, nuôi được một lúc 10 đứa con như gia đình ông Nguyễn Bính Thân quả là một kỳ tích. Ngoài chăn nuôi, vợ chồng ông Thân, bà Nguyễn Thị Hoa phải cấy thêm mẫu ruộng. Lúa chiêm còi cọc gặp hạn hán, đồng bãi nứt nẻ, mất mùa triền miên. “Có tháng, cả nhà ăn toàn khoai sắn cầm cự, đói vêu mồm, đàn vịt cũng tan tác!”, Văn kể. Thiếu thức ăn và bị dịch bệnh tấn công, bầy vịt trăm con của nhà ông Thân tan đàn xẻ nghé. Dưới gió Lào khô khốc, cha con ngồi nhìn nhau, ngao ngán thở dài.

Nguyễn Đàm Văn nhờ cha vay mượn tiền “tậu” một chiếc xe đạp cà tàng, đóng cái thùng xốp, đạp xe lên đường đi bán kem. Buổi sáng, anh thức dậy lúc 4h đạp xe đến xưởng sản xuất kem mua đầy thùng, nhịn đói đưa kem lên thị trấn Yên Thành, xuống Nghi Lộc, Diễn Châu cách Sơn Thành hàng chục cây số để bán. 

Mùa gặt, anh mang thùng kem ra đồng đổi kem lấy lúa, mang lúa về xay rồi chở gạo xuống chợ bán. “Có người thấy tôi gầy yếu, lặc lè đánh vật với thùng kem giữa trời chang chang nắng nên thương hại, cho tiền, tôi không lấy. Bán được que kem, lời lãi ít nhiều nhưng dù sao vẫn vui, khi đồng tiền đó không phải là mồ hôi nước mắt của mình kiếm ra thì tôi không bao giờ lấy!”, Nguyễn Đàm Văn nhớ lại.

Tuổi thơ. Nắng rạc người. Cơn đói kinh niên. Ký ức nhạt nhòa trong nụ cười thơ dại hồn nhiên và nước mắt. Đàn con đông đúc trở thành gánh nặng của gia đình ông Thân. Không “trụ” nổi ở vùng đất bạc màu, Văn theo chị gái Nguyễn Thị Lam khăn gói ly hương, rời Yên Thành ra tỉnh miền núi Lai Châu xây dựng vùng kinh tế mới. Tại đây, cậu bé chăn vịt, bán kem phải theo chị đi bán thịt lợn kiếm sống. 

“Hằng ngày, chị gái vào bản mua lợn đưa về nhà, khoảng 5h sáng tôi dậy giúp chị làm thịt lợn để chị mang ra chợ bán, xong đâu đó mới được cắp sách đi học. Buổi chiều tan trường, tôi chạy vội về nhà giúp chị mang thịt ra chợ; gặp trời mưa thịt ế hai chị em lại phải đưa vào bản. Dân bản nghèo không có tiền, họ nợ đến mùa gặt trả bằng lúa”. 

Mùa mưa năm 1996, một trận lũ kinh hoàng tràn qua, cả gia đình Nguyễn Đàm Văn lại một phen tan tác. “Nửa đêm đang ngủ bỗng nghe thác lũ ầm ầm, tỉnh dậy thì xung quanh đã hóa thành biển nước. Vùng chạy được một đoạn, tôi hoảng hốt nhớ mẹ và cháu đang mắc kẹt trong nhà nên quay lại. Bất thình lình đống đất đá trên núi ào xuống, vùi lấp cả 3 người. Tôi vùng thoát ra khỏi đống bùn, bới tìm, cứu sống được mẹ và cháu gái”, Văn kể.

Chuỗi ngày cơ cực chưa chấm dứt ở đó. Tốt nghiệp cấp 3, Nguyễn Đàm Văn không có điều kiện học tiếp, anh lại một lần nữa ly hương, đi lao động ở CHLB Đức. Nơi xa xứ, Văn và em trai Nguyễn Đàm Minh lăn lộn kiếm sống bằng nghề bán thuốc lá dạo, rồi lái xe đưa cơm cho người Việt bán hàng ở các khau, dành dụm từng đồng thù lao ít ỏi. Năm 2003, anh tay trắng hồi hương. “Lúc rời Berlin, bạn bè gửi cho gia đình họ 2.800 euro, tôi về đến nước chỉ còn lại 2.500 euro, “âm” mất 300 euro”, Văn kể.

Những chuyến xe chở gió

Trở về Nghệ An, Nguyễn Đàm Văn rơi vào cảnh thất nghiệp. Bản tính vốn cần cù siêng năng, anh không thể ngồi yên. Từ Cửa Lò, anh về Nghi Lộc, Yên Thành, ra Diễn Châu gõ cửa các trường học đặt vấn đề hợp tác du lịch, tổ chức tour đi các tỉnh phía Bắc, miền Trung. “Tôi có máu...phượt, thích trải nghiệm ở những vùng đất lạ, có lẽ nghề làm du lịch là phù hợp với tôi nhất”, Văn nói. 

Tất bật quanh năm, trừ tiền thuê nhân công, xăng xe, cuối vụ chỉ lãi vài trăm triệu đồng. Chưa bao giờ được cầm số tiền lớn, nhưng Nguyễn Đàm Văn từ lâu nuôi giấc mơ trở thành “ông chủ”, cứ túc tắc với nghề tổ chức tour đi du lịch thì chẳng biết bao giờ mới giàu lên. Làm được vài năm, Văn bỏ nghề. Lại thất nghiệp. Lại lang thang thành Vinh. Quán cà phê @, đường Trần Phú, mấy cô nhân viên quen mặt chàng thanh niên nhỏ thó thường ngồi im lặng một mình.

Tình cờ, trong một lần ra Bắc, Nguyễn Đàm Văn gặp lại một người bạn từng quen biết ở Đông Âu. “Tớ thường xuyên đi về tuyến Nghệ An- Hà Nội nhưng chưa thấy có chiếc xe vận tải hành khách nào phục vụ cho ngon lành. Đường thì chật, lái xe phóng như điên, bắt khách và tình trạng bán khách dọc đường xảy ra như cơm bữa.

Tớ nghĩ nếu xây dựng được thương hiệu xe khách đúng nghĩa, phục vụ chu đáo, lái xe an toàn, chắc chắn sẽ có nhiều người ủng hộ”, nghe anh bạn nói vậy, trong đầu Nguyễn Đàm Văn chợt lóe lên ý nghĩ “xây dựng thương hiệu xe khách văn minh”. Một doanh nghiệp vận tải hành khách lộ trình Cửa Lò- Vinh- Hà Nội với cung cách phục vụ khác kiểu làm ăn chụp giật, văn minh lịch sự, Nguyễn Đàm Văn nôn nóng muốn làm ngay.

“Từ đó, tôi muốn xây dựng một thương hiệu xe khách Văn Minh với những tiêu chí an toàn: Xe xuất phát đúng giờ; chạy đúng tuyến; không bắt khách dọc đường; lái xe đúng tốc độ qui định; trên xe có phục vụ khăn lạnh, bánh ngọt, nước uống; thái độ của nhân viên và lái xe phải lịch sự, niềm nở, chu đáo. Chứ thời buổi văn minh mà mỗi lần lên xe đường dài là mỗi lần... dựng tóc gáy, tai nạn liên miên. Lái xe an toàn sẽ giảm được TNGT, bảo vệ được tính mạng của hành khách và người đi đường”, Văn nói. 

Trở về Cửa Lò, anh vay mượn gần 5 tỷ đồng, vào miền Trung đóng 2 xe giường nằm cao cấp. Anh ngồi tính toán lộ trình Vinh- Hà Nội, mở phòng vé, tuyển nhân viên, khởi động hành trình những chuyến xe đường dài. “Văn Minh là tên ghép của tôi và em trai Nguyễn Đàm Minh, nhưng Văn Minh là tiêu chí cao nhất của hãng xe, Văn Minh cũng chính là thương hiệu”, anh nói.

Sự thành công nào cũng đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt. Ngày khai trương, lèo tèo dăm bảy vị khách mua vé; sau đó liên tiếp những tuần lễ vắng teo. Cái tên Văn Minh lạ lẫm, chẳng ai màng đến, nhân viên phòng vé ngáp ngắn ngáp dài nhìn nhau. Hành khách ùn ùn kéo nhau đi “xe chợ”, “xe dù”, trong khi hai chiếc xe mới tinh còn thơm mùi sơn của Văn Minh chẳng ai ngó ngàng đến.

 Có hôm, xe Văn Minh khởi hành rời bến với chỉ...một hành khách trên xe; bữa nhộn nhịp nhất cũng chỉ...dăm bảy người mua vé. Thành ra, những chuyến xe trống hơ trống hoác cứ chạy đi, chạy về, ngốn cơ man nào là xăng dầu. Những chuyến xe chở gió buồn hiu.

Những chuyến xe Văn Minh

“Sắm tiền mua xe hết mấy tỷ đồng, tiền trả lương nhân viên, tiền thuê phòng bán vé...tất tật đều là tiền vay mượn. Đến cuối tháng, doanh thu ít, không đủ trả tiền lương, nợ thúc sau lưng, tôi... choáng”, Nguyễn Đàm Văn nhớ lại. Có người bảo, nếu cứ để xe chở gió vậy, trước sau gì doanh nghiệp cũng tự chết, tốt hơn hết là cứ ra đường vòng vo đón khách như “xe chợ” “xe dù”, may ra còn vớt vát được đồng vốn.

 
Văn nghe vậy, thoáng một chút nao núng, nhưng anh lắc đầu cương quyết: “Có chết, tôi cũng không cho xe bắt khách dọc đường. Cứ làm ăn cho nghiêm túc, mai mốt chắc chắn hành khách sẽ tìm đến với mình”. Và, những chuyến xe gió cứ âm thầm lộ trình Cửa Lò- Vinh- Hà Nội; Hà Nội- Vinh- Cửa Lò, ngày đều đặn hai chuyến đi về dù trên xe chỉ chở một vị khách thì xe vẫn cứ chạy đúng lịch trình.

Khải hoàn

Mùa mưa 2007 đi qua. Những cơn mưa trĩu nặng lo âu ngày cận tết. Thấp thỏm nhìn những chuyến “xe dù” nhếch nhác nhét khách cứng như nêm, lại ngó vào xe nhà mình trống trải, khách lưa thưa, Văn cuộn lên lo lắng và tự hỏi: “Chẳng lẽ, mình làm tốt lại phải trả giá đắt, sẽ phá sản?”. 

Chiều 30, anh chạy đôn chạy đáo đi vay mượn khắp nơi được mấy chục triệu về trả tiền công cho nhân viên phòng vé và anh em tài xế. Phần lương của mình, anh thưởng hết cho nhân viên, trở về Cửa Lò khi trong túi chẳng còn đồng nào. Giao thừa đi qua, ảm đảm, buồn hiu. Khó khăn vậy mà anh vẫn lạc quan: “Năm sau, tình hình sẽ khác”.

Đầu năm 2008, người dân Nghệ An bắt đầu chú ý đến hãng xe Văn Minh. “Kỳ lạ là có những chuyến xe như thế, năm khách cũng chạy, ba khách cũng chạy, lên xe ngủ một giấc đến sáng không phải lăn tăn”, tin đồn loang nhanh. Nguyễn Đàm Văn mời một số “chiến hữu” thân cận ngồi lại, hỏi kế sách gỡ bí. 

Tiếp nhận sáng kiến của mọi người, anh cho in hàng vạn tờ rơi, một chiến dịch truyền thông rầm rộ được triển khai, hàng vạn tờ rơi được phát tận tay người đi đường thành Vinh, giới thiệu về xe Văn Minh. Mùa hè đỏ lửa năm đó, tiếng tăm của Văn Minh bắt đầu nổi, hành khách ùn ùn kéo đến mua vé.

Chớp thời cơ, Nguyễn Đàm Văn huy động vốn mua thêm 3 xe, rồi 10 xe, 20 xe. Số lượng xe giường nằm phát triển theo nhu cầu. Mạng lưới đại lý bán vé không chỉ phủ khắp TP Vinh, mà hàng chục văn phòng lẻ được mở tại các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu. Năm 2009, Nguyễn Đàm Văn “cất quân” tiến sang bên kia sông Lam. Người dân Hà Tĩnh có thêm một lựa chọn phương tiện vận tải bằng đường bộ, đi lại thuận tiện hơn và chấm dứt cảnh hành khách bị nhà xe “chặt chém”.

Từ chỗ lèo tèo băm bảy nhân viên ban đầu, năm 2015, Cty Văn Minh đã có 360 cán bộ-CNV, sở hữu 22 xe giường nằm cao cấp, 10 xe chở hàng và xe trung chuyển hành khách, hơn 20 văn phòng bán vé tại Nghệ An- Hà Tĩnh- Hà Nội. Những năm qua, anh đã chi hàng tỷ đồng làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo tại hai tỉnh Nghệ An- Hà Tĩnh.