Trung Quốc khẳng định ảnh hưởng truyền thống đối với Triều Tiên

TPO - Việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đích thân tiếp kiến Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và đánh giá cao cống hiến tích cực của Trung Quốc đối với sự ổn định hòa bình Bán đảo Triều Tiên cho thấy Trung Quốc thực sự đã, đang và tất yếu tiếp tục duy trì ảnh hưởng truyền thống tại Triều Tiên.

Triều Tiên đánh giá cao vai trò của Trung Quốc

Trong buổi hội kiến với Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngay tại trụ sở Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên hôm 3/5, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nhấn mạnh rằng, củng cố và phát triển hợp tác hữu hảo Triều-Trung là phương châm chiến lược không thay đổi của phía Triều Tiên.

Trong đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nhờ ông Vương Nghị chuyển lời hỏi thăm thân thiết của mình tới Chủ tịch Tập Cận Bình. Đặc biệt, ông Kim đã nhấn mạnh rằng tình hữu nghị Triều-Trung là tài sản quý báu được "các vị lãnh đạo tiền bối của hai nước để lại".

Đặc biệt, ông Kim Jong-un đánh giá cao độ cống hiến tích cực của Trung Quốc trong việc ổn định hòa bình Bán đảo Triều Tiên.

Đồng thời bày tỏ, phía Triều Tiên nguyện cùng với phía Trung Quốc thúc đẩy quan hệ hữu hảo Triều-Trung tiến lên giai đoạn mới cao hơn. Triều Tiên nguyện cùng Trung Quốc tăng cường trao đổi chiến lược.

Trung Quốc tiếp tục khẳng định ảnh hưởng truyền thống đối với Triều Tiên

Một loạt các động thái trong quan hệ Trung-Triều, các chuyến thăm cấp cao của quan chức hai nước, đặc biệt là chuyến thăm Trung Quốc của nhà lãnh đạo Kim Jong-un hồi cuối tháng 3/2018, cũng như sự kiện ông Kim Jong-un đích thân tới Đại sứ quán Trung Quốc tại Triều Tiên thăm hỏi nạn nhân trong vụ tai nạn xe khách, đích thân tới tận sân ga Bình Nhưỡng đưa tiến thi thể các nạn nhân Trung Quốc về nước, là thông điệp cho thấy, quan hệ Trung-Triều đã được củng cố vững chắc, và niềm tin chính trị giữa hai nước đã được khẳng định.

Xét ở một ý nghĩa nào đó, chuyến thăm Bình Nhưỡng của ông Vương Nghị ngay sau khi Hàn-Triều ký kết "Tuyên bố Bàn Môn Điếm" đã nhận được sự kỳ vọng lớn từ giới quan sát quốc tế.

Trong "Tuyên bố Bàn Môn Điếm", lãnh đạo tối cao Hàn-Triều đã thống nhất đề cập tới 2 phương án lựa chọn về cơ chế đàm phán hòa bình Bán đảo Triều Tiên gồm cơ chế 3 bên "Mỹ-Hàn-Triều" và cơ chế 4 bên "Trung-Mỹ-Hàn-Triều".

Chính từ vấn đề này đã khiến ông Vương Nghị trong phát biểu hôm 2/5 tại Bình Nhưỡng nhấn mạnh rằng, Trung Quốc nguyện cùng Triều Tiên tăng cường trao đổi, đồng thời tiếp tục phát huy vai trò tích cực cần có trong tiến trình giải quyết chính trị vấn đề Bán đảo Triều Tiên.

Hàm ý của ông Vương Nghị là có mục đích rất rõ ràng. Mục đích của ông Vương Nghị là cho các bên liên quan thấy được rằng, Trung Quốc vẫn đang ở đây và không đi đâu cả. Trung Quốc đã, đang và tất yếu sẽ tiếp tục thể hiện vai trò ảnh hưởng vốn có của mình tại Triều Tiên

Trong cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Kim Jong-un hôm 3/5, Ngoại trưởng Trung Quốc đã nhấn mạnh, "chuyến thăm của tôi chính là muốn làm tốt, làm thực chất những sự việc mà 2 nhà lãnh đạo tối cao của hai nước đã đặt ra".

Chính lời nói này của ông Vương Nghị đã một lần nữa minh chứng rằng Trung Quốc đích thực đã có nhiều động thái tại Bình Nhưỡng. Đặc biệt, điều này đã được chứng minh cụ thể hơn thông qua lời "phúc đáp" của nhà lãnh đạo Triều Tiên hôm 3/5 khi hội kiến với Vương Nghị.

Như vậy, một số ý kiến của giới phân tích phương Tây cho rằng, Trung Quốc đang dần đánh mất vai trò ảnh hưởng của mình tại Triều Tiên là thiếu cơ sở khoa học.

Những đánh giá cao độ của Triều Tiên đối với vai trò của Trung Quốc trên Bán đảo Triều Tiên cho thấy, theo cách nhìn nhận của Triều Tiên, Trung Quốc thực sự là quốc gia có vai trò không thể thiếu được trong tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.