Trung Quốc đề nghị Philippines không nêu tranh chấp ở APEC

TP - Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc hôm qua đề nghị Philippines không nêu vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa hai nước trong hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Manila vào tuần tới. Trong khi đó, hiệp ước quốc phòng mới giữa Mỹ và Philippines có thể được thông qua để chào đón chuyến thăm Manila của Tổng thống Mỹ.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị (phải) tại Manila. Ảnh: ABC News

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đưa ra đề nghị trên trong cuộc gặp Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tại Manila, rằng Bắc Kinh phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm đưa những tranh chấp kéo dài ra diễn đàn quốc tế, nơi mà những đối thủ của Bắc Kinh như Washington có thể sử dụng để chỉ trích Bắc Kinh, CNN đưa tin ngày 10/11. Theo các nhà phân tích, tránh đề cập vấn đề gai góc sẽ giúp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi dự hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra từ ngày 18 đến 19/11 không bị mất mặt trước những chỉ trích.

“Họ (Trung Quốc) nói rằng, họ hy vọng các vấn đề tranh cãi sẽ không được nêu ra tại APEC”, AP dẫn lời Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose nói trong họp báo hôm qua. Ông Vương Nghị nói rằng, chuyến đi Manila lần này là để bảo đảm chuyến thăm của ông Tập sẽ “suôn sẻ, an toàn và thành công”, Phát ngôn viên nói.

Ngoại trưởng Trung Quốc cũng gặp Tổng thống Benigno Aquino III trong chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao Trung Quốc đến Manila trong 3 năm qua, từ khi quan hệ hai nước trở nên căng thẳng vì các tranh chấp chủ quyền ở biển Đông. Lần cuối cùng một ngoại trưởng Trung Quốc thăm Philippines là vào năm 2009. 

Phát ngôn viên Jose nói rằng, chuyến thăm của ông Vương Nghị lần này “là dấu hiệu cho thấy hai bên có thể đưa quan hệ song phương tiến về phía trước”. Tổng thống Aquino nói rằng, ông hoan nghênh quyết định của ông Tập rằng sẽ tham dự APEC và hứa sẽ tiếp đón nồng hậu, báo Philstar dẫn lời phát ngôn viên tổng thống Herminio Coloma.

Ông Jose cho biết, Philippines đồng ý rằng, hội nghị APEC lần này không phải diễn đàn phù hợp để thảo luận vấn đề xung đột. “Chúng tôi đều đồng ý rằng, APEC là diễn đàn kinh tế và không phải nơi phù hợp để thảo luận các vấn đề chính trị và an ninh”, ông Jose nói. Trả lời câu hỏi liệu các lãnh đạo khác có nêu vấn đề gai góc tại diễn đàn không, ông Jose nói rằng có thể. 

Tại Bắc Kinh, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm 9/11 nói rằng, “quan hệ song phương bị ảnh hưởng bởi những khó khăn mà mọi người đều biết”, nhưng Trung Quốc “chú trọng quan hệ với Philippines và vẫn giữ cam kết giải quyết các vấn đề liên quan thông qua thương lượng và đàm phán”. 

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines nói rằng, hai bên đã đồng ý khôi phục tham vấn song phương ở cấp thứ trưởng ngoại giao để “tìm ra những lĩnh vực hai bên có thể thúc đẩy quan hệ song phương”.

Bước tiến trong hiệp ước quốc phòng với Mỹ

Trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Manila dự hội nghị thượng đỉnh APEC vào tuần tới, báo chí Philippines đưa tin, Tòa án Tối cao nước này có thể sẽ ra phán quyết rằng, hiệp ước quốc phòng Mỹ - Philippines được ký hơn một năm trước là hợp hiến. 

Hiệp ước Hợp tác Quốc phòng nâng cao (EDCA) được ký vào tháng 4/2014, dài 82 trang, với nội dung cho phép quân đội Mỹ tiếp cận nhiều hơn các căn cứ quân sự của Mỹ ở Philippines theo thời gian luân phiên, nhưng văn bản này gặp trở ngại hiến pháp nên chưa được thực hiện. Dù giới chức Philippines vẫn khẳng định rằng, việc thông qua EDCA chỉ là vấn đề thời gian, nhưng Washington hy vọng quyết định sẽ được đưa ra trước khi ông Obama dự hội nghị APEC sắp tới.

Báo Manila Times dẫn một nguồn tin nói rằng, dự kiến, Chánh án Maria Lourdes Sereno tuyên bố EDCA không vi hiến, vào thời điểm trước hoặc khi hội nghị APEC khai mạc. Nếu đúng như vậy, đây được coi là bước phát triển đáng kể của liên minh Mỹ - Philippines. 

Giải quyết trở ngại hiến pháp đối với EDCA sẽ cho phép quan chức quốc phòng Mỹ và Philippines thực sự triển khai nhiều thỏa thuận, như xây dựng cơ sở đặt thiết bị quốc phòng, mà hai bên thỏa thuận từ lâu. 

Những bước đi này được coi là rất quan trọng trong bối cảnh Philippines có quân đội thuộc hàng yếu nhất ở châu Á mà các nhà hoạch định quốc phòng gọi là “năng lực răn đe tối thiểu”, trong bối cảnh nước này đang đối mặt nhiều mối đe dọa, trong đó có sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở biển Đông, tạp chí Nhật Bản The Diplomat đưa tin.