Trồng cây mỡ trong đô thị là “viển vông”

TP - Nhiều nhà khoa học khẳng định, cây vừa trồng thay thế trên đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội là cây mỡ, gỗ chỉ để làm giấy và khả năng bị chết là rất cao vì không phù hợp thổ nhưỡng ở đô thị.
Cây trồng mới được các nhà khoa học dự đoán sẽ khó sống sót.

Chiều 23/3, các nhà khoa học có buổi tọa đàm, trao đổi ý kiến về vấn đề quy hoạch cây xanh Hà Nội, do Trung tâm con người và Thiên nhiên phối hợp Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng tổ chức.

TS Phó Đức Tùng, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Lâm nghiệp đô thị (Đại học Lâm nghiệp) nói: “Hà Nội từ lâu đã trồng cây sai quy cách. Trồng cây đô thị khác hẳn với các loại cây ở nông thôn, đồi núi, không phải mang cây từ Yên Bái, Phú Thọ rồi mang về thành phố trồng được.

Nếu Hà Nội vẫn duy trì cách trồng đào hố đất cắm thẳng cây xuống không theo một quy cách, kỹ thuật nào như hiện nay thì cây mới 30 - 40 năm nữa chưa chắc phát triển bằng cây cũ đã đốn đi được”. Chuyên gia này nhận định, trồng vàng tâm tại thổ nhưỡng đô thị là rất khó, nếu không muốn nói là “viển vông”.

Mang theo mẫu cây vàng tâm và cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh đến tọa đàm, TS Nguyễn Tiến Hiệp, Trung tâm Bảo tồn Thực vật Việt Nam, khẳng định: “Giống cây mà Hà Nội trồng vừa qua là cây gỗ mỡ, một họ của vàng tâm. Tuy nhiên, đây không phải là loài nằm trong sách đỏ Việt Nam bởi vàng tâm có tới 15 loài khác nhau. T

S Hiệp khẳng định, loại cây được trồng trên phố Nguyễn Chí Thanh là loại cây mỡ bình thường, gỗ không tốt, được trồng nhiều ở vùng núi Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Phong Nha - Kẻ Bàng. Thông thường, đường kính thân cây khoảng 20cm là có thể đốn hạ để làm giấy.

Theo ông Hiệp, loài cây này ưa đất mùn, thích hợp phát triển ở độ cao 300-1.000m, phát triển rất chậm, cần nhiều đất và khó có thể sống trong điều kiện khắc nghiệt của đô thị.

Ông nói: “Những cây mỡ đã được trồng trên phố Nguyễn Chí Thanh khả năng chết rất cao vì điều kiện thổ nhưỡng và thời tiết không phù hợp hoặc nếu có sống sót cũng khó phù hợp để trồng trong đô thị vì loài cây này khi hoa rụng xuống sẽ có mùi xú uế rất khó chịu”.

Phải trồng thử nghiệm 5-7 năm trước khi trồng trên phố

GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội Các ngành sinh học Việt Nam nêu vấn đề, cần phải có Thanh tra Chính phủ vào cuộc làm việc để truy ra số cây đã bị chặt hạ thực tế là bao nhiêu.

TS Nguyễn Tiến Hiệp nói rằng, chúng ta nên học cách làm trước đây, Việt Nam từng có vườn ươm trong công viên Bách Thảo, các cây trước khi đưa ra trồng trên phố phải được trồng thử nghiệm trong vườn ươm ít nhất 5-7 năm.

Ông Phạm Thành Giang, kỹ sư cao cấp về lâm nghiệp đô thị, nói rằng, cần có sự cải tạo lại cây xanh cho thủ đô, tuy nhiên, việc cải tạo phải được tiến hành từ từ và có thử nghiệm.