Trở lại chùa Bồ Đề một năm sau “bão”

TP - Non chiều một ngày tháng 7 đầy nắng, chùa Bồ Đề tĩnh lặng, nghe rõ cả tiếng lá rơi. Ngôi chùa đẹp nằm bên bờ sông Hồng vốn lúc nào cũng đông phật tử tới, bỗng gần một năm nay đột nhiên thưa vắng. 
Nhà sư Đàm Lan và những đứa bé mồ côi ở chùa Bồ Đề

Câu “vắng như chùa Bà Đanh”, giờ có thể thay bằng “vắng như chùa Bồ Đề”. Hầu như ai cũng hiểu sự vắng ấy có hệ lụy từ vụ án buôn bán trẻ con ở chùa Bồ Đề do hai nghi can Phạm Thị Nguyệt và Nguyễn Thị Thanh Trang thực hiện. Cơn bão truyền thông về vụ án gây chấn động dư luận bùng lên từ tháng 7 năm ngoái, khiến ngôi chùa phải hứng chịu đủ cả hỷ nộ ái ố của người đời… Một năm sau tôi trở lại Bồ Đề gặp sư trụ trì Đàm Lan…

“Sự việc như cơn bão”

Trong thanh vắng mới thấy  ngôi chùa càng rộng, tòa ngang dãy dọc mới được xây cất, diện tích mở ra cả khu đất bên cạnh. Nhưng  rộng  mà  vắng, không như trước đây chật mà đông. Mấy bà vãi ngồi bên những cuốn sách viết về tâm linh và những tờ đoán vận mạng qua con giáp, chắc đã có từ Tết.

Một lúc sau sư Đàm Lan về. Tấm áo nâu của bà đang mặc đẫm mồ hôi vì trời nắng nóng. Gương mặt bà đầy vẻ ưu tư và  trở nên khó tả khi biết tôi là nhà báo. Những thông tin truyền thông đã ám ảnh sư Đàm Lan gần một năm nay. Trong những ngày buôn bán trẻ em ở chùa Bồ Đề trở thành cơn bão truyền thông thì sư thầy Thích Đàm Lan luôn ở trong tâm bão. Từ một nhà  tu hành được biết tới với tấm lòng từ bi, chùa Bồ Đề thành chốn nương thân của nhiều mảnh đời bất hạnh, trong đó có nhiều người già và trẻ em bị bỏ rơi, bỗng nhiên, cơn bão ấy đã cuốn đi tất cả.

Nắng dịu hẳn khi tôi được mời vào gian tiếp khách của chùa nhưng sư thầy Đàm Lan vẫn chưa sẵn sàng cho một cuộc trò chuyện. Tôi nói với sư thầy cách đây hơn 10 năm, tôi đã đến chùa Bồ Đề viết về những mảnh đời bất hạnh được cưu mang ở đây. Và mới đây, khi hay tin có nghi án buôn bán trẻ con ở chùa này, tôi cũng nhập cuộc điều tra viết bài… Những nghi ngại ban đầu rồi cũng dần tan, sư thầy Đàm Lan trò chuyện với tôi, giọng đượm buồn: “Người ta bỏ rơi rất nhiều cháu bé ở cổng chùa Bồ Đề. Thương các cháu đau khổ bơ vơ, nhà chùa cưu mang, nuôi nấng.  Bao nhiêu công lao vất vả lo lắng cho các cháu. Chỉ cần một chút sai, tai họa đổ lên đầu. Nhưng cuộc đời là vậy. Tôi nghĩ, ừ, cuộc đời có nhân có quả, tôi làm vì cái tâm nên không phải vì thế mà mình sân hận, buồn chán. Tôi biết cái tốt mà chưa hiểu pháp luật, chưa cẩn trọng thì vẫn có đất cho cái ác. Những người mình cưu mang cho ở trong chùa, họ làm sai thì mình phải chịu thôi”.

“Chú bảo nhà có hai đứa con nuôi cũng đã mệt, đây là 35 cháu, 9 cụ già. Cứ đến tháng phải đóng tiền học cho các cháu là tôi lo lắm. Chùa chẳng làm gì ra tiền, người ta cho thì đóng quỹ cho các cháu. Bây giờ quỹ chẳng có, có đồng nào thầy tập trung cho các cháu hết”.   

Sư Đàm Lan

Một ông già từ nơi xa đến chào sư Đàm Lan và biếu nhà chùa mấy cây vối để trồng. Ông là vị khách hiếm hoi đến chùa Bồ Đề kể từ khi xảy ra vụ án. Những thay đổi diễn ra quá mau lẹ, khiến sư Đàm Lan phải thảng thốt: “Thông tin  về vụ án  buôn bán trẻ con ở chùa Bồ Đề  lan nhanh kinh khủng. Tết vừa rồi, lần đầu tiên không có người nào đến gọi là có tí quà cho các cháu mồ côi. Không có một ai. Không có gì. Một cái giò cho các em cũng không có ai cho. Tháng 7  năm ngoái xảy ra chuyện, nhưng cho đến bây giờ vẫn  rất ít người đến thăm các cháu, chỉ lác đác thôi. Nhiều người cứ nghĩ ở chùa Bồ Đề bây giờ không nuôi trẻ em nữa, nhưng hiện nay nhà chùa đang nuôi dưỡng 35 em nhỏ và cả các cụ già không nơi nương tựa. Sự việc xảy ra như một cơn gió đạp tan tành ngôi nhà đang đẹp, khiến các em ngơ ngơ ngác ngác. Nhưng trong vất vả mới trải hết nỗi đau. Phật dạy có đau khổ mới biết thương người”.

   

Tưởng như đã vô nhiễm với những hỷ nộ ái ố ở đời, nhưng nay sư Đàm Lan bỗng đối diện với những nỗi lo cơm áo gạo tiền.  Giọng chậm rãi, sư Đàm Lan liệt kê cho tôi những nỗi lo toan thường nhật: “Chùa mới xây xong, tiền bạc chả có, một ngày không có nổi trăm nghìn đồng.  Cái gì cũng hết, sữa hết, bỉm hết. Có những hôm trời rét, mười giờ đêm các cô bảo mẫu gọi điện bảo: “Thầy ơi, hết bỉm rồi”. Tôi vội vào mạng tra tìm chỗ bán bỉm. Tìm được rồi, năn nỉ mãi hai vợ chồng bán bỉm ở tận Mỹ Đình người ta mới chở sang cho 2,8 triệu tiền bỉm. Mừng quá, rét mướt mà không có bỉm đóng khổ thân các cháu. Ngay cả tiền học cho các cháu cũng khó khăn lắm, đủ các loại tiền. Rồi quần áo mặc cho các cháu cũng thiếu thốn lắm. Bây giờ ngay cả quần áo cũ cũng chẳng ai cho. Nhưng phải cố gắng, cuộc đời vô thường, tự nhiên đang có thành không, bị ngã vấp thì đứng dậy mà đi. Dù khó khăn vẫn phải làm tốt hơn”.

 Sư Đàm Lan kể: “Khi vụ án đang ồn ào có một số em bỏ chùa đi rồi lại quay lại khóc mếu: “Thầy ơi, cứu con”. Thực ra ở  chùa cũng tốt, chùa thì rộng, nhà chùa rau cháo cũng thoải mái, mà sao các cháu cứ phải lang thang? Tôi dẫn cháu sang học nghề ở trung tâm nhân đạo KoTo nhưng cháu không có gì hết ngoài tấm giấy khai sinh photo ghi quê ở Phú Thọ. Mỗi cháu một cảnh ngộ, nhưng tan tác. Cháu Trà Mị đẹp, nhưng thất học, đi bán hàng không ổn, tôi gửi đi mấy chùa đều không hợp. Cháu Nam Em cũng lang thang. Rồi thằng Khánh cũng bơ vơ vì bố không thấy đâu, mẹ buôn bán đầu đường xó chợ. Bé Thảo mẹ phải đi làm ôsin, tôi phải gửi bé cho thầy giáo tôi - thầy Trương Đình Nguyên, nhờ thầy chăm”.

35 đứa trẻ mồ côi và vòng quay cơm áo

Nhà sư Đàm Lan bật khóc: “Tại sao tôi làm nhiều việc thiện mà đời vẫn khổ?”
Nắng đầu chiều bỏng rát chiếu vào  khu nhà trẻ của 35 đứa bé. Khu này ở sát chùa, trước đây thuộc khuôn viên của một công ty khác nhưng nhà chùa đã đền bù để sử dụng làm nhà trẻ và nơi ở của cô giáo cùng các cụ già không nơi nương tựa. Cửa mở, những đứa trẻ ngơ ngác nhìn tôi và chạy ùa ra ôm lấy sư Đàm Lan, ngồi vào lòng. Nhiều đứa trẻ không cùng độ tuổi. Bộ quần áo đang mặc cũng khác nhau vì  đều  là quần áo người ta mang đến từ thiện. Nhưng tất cả các cháu có chung một đặc điểm: đều bị bỏ rơi ở cổng chùa và được cưu mang vào đây. Có những em khi vào chùa bị bệnh rất nặng, như em Ngân bị bệnh phổi vào Viện Nhi Trung ương điều trị chi phí lên tới 170 triệu đồng.

Những đứa trẻ bị bỏ rơi ấy cứ lớn dần lên kéo theo vòng quay cơm áo gạo tiền ngày càng nghiệt ngã với sư trụ trì chùa Bồ Đề. Tiền bỉm, sữa, tiền điện cho những chiếc máy điều hòa đang chạy trong nhà trẻ kia. 2 cô giáo lương mỗi tháng một người 4 triệu nuôi ăn cộng cả tiền bảo hiểm, 3 cô trông trẻ lương mỗi người 3 triệu, 3 ông bảo vệ lương mỗi ông 3 triệu. Tiền học của 3 em tiểu học mỗi tháng 1,5 triệu, hai người quét rác, lao công lương mỗi tháng 1,5 triệu… Sư Đàm Lan chép miệng: “Chú bảo nhà có hai đứa con nuôi cũng đã mệt, đây là 35 cháu, 9 cụ già. Cứ đến tháng phải đóng tiền học cho các cháu là tôi lo lắm. Chùa chẳng làm gì ra tiền, người ta cho thì đóng quỹ cho các cháu. 

Bây giờ quỹ chẳng có, có đồng nào thầy tập trung cho các cháu hết. Có lúc túng quá, tôi phải xin anh chị đi tu ở Hải Phòng. Các thầy cũng thương động viên, rồi khuyên hay là buông? Nhưng, tôi nghĩ cả cuộc đời tôi làm việc thiện rồi, gắn bó chăm các cháu quen rồi, không có các em nghĩ cuộc đời này vô nghĩa. Không thể đóng cửa ngồi yên mà tụng kinh được như nhiều người khuyên. Với tôi cái đó dễ làm lắm. Mình đóng cửa ngồi im giống như người yếm thế, đi tu không phải như thế. Giờ tôi 60 tuổi, cuộc đời tôi dù tan nát, đi ăn mày ăn xin trên đường phố tôi vẫn làm điều thiện, chứ không chán nản mà bỏ”. “Sư có lên trung tâm bảo trợ xã hội ở Ba Vì thăm các cháu được chuyển lên đó?”. 

Sư Đàm Lan bỗng giàn giụa nước mắt. Bà trả lời câu hỏi của tôi trong tiếng nấc nghẹn: “Tôi không dám lên gặp các cháu vì sẽ khóc không kìm được. Thôi thì các cháu được nhà nước nuôi, nhưng tôi nhớ lắm, các cháu như con mình. Tôi nhớ thằng bé Trung Anh, trước khi lên trung tâm cứ ôm lấy chân tôi khóc: “Bà ơi, đừng cho con đi”. Bé A.A, tôi nuôi từ bé, bị HIV, mặc áo nâu lên trung tâm. Nhìn hình ảnh đó tôi buồn quá. Cuộc đời tôi xuất gia đi tu, tôi cần cái gì? Người ta soi mói tôi không thiếu cái gì. 

Nhiều người nhắn tin: “Trước tôi coi bà như Phật sống, nhưng bây giờ  bà là con ác quỷ”, tôi không nói gì. Cuộc đời thật trớ trêu. Tại sao tôi làm việc thiện mà vẫn khổ?  Nhưng Nhà nước biết, nhiều người cũng biết.  Tôi có làm ác đâu. Tôi sẵn sàng chịu cái nghiệp của tôi”. Chưa bao giờ tôi thấy một nhà tu hành khóc nấc lên như vậy. Nhưng rồi sư Đàm Lan nín lặng. Vị trụ trì của chùa Bồ Đề  chẳng còn thời gian ưu tư nữa vì phải đứng dậy để lo những bỉm, sữa, tiền học… cho 35 đứa trẻ. Tôi ái ngại nhìn dáng đi có phần già nua của bà trong buổi chiều vắng như… chùa Bồ Đề. Số phận của 35 đứa trẻ và 9 cụ già rồi đây sẽ ra sao trong vòng quay cơm áo, khi mà chùa vẫn vắng?