'Trên dưới đồng lòng' xây dựng, chỉnh đốn Đảng

TP - Trong một năm “khó khăn nhiều hơn là cơ hội”, nhưng với tinh thần “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”, Đảng đã lãnh đạo đất nước vượt qua nhiều thử thách, kinh tế tăng trưởng cao, xã hội duy trì sự ổn định. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tiếp tục duy trì được xu thế “không ngừng”, “không nghỉ”, vừa cảnh báo, vừa răn đe, giúp cán bộ, đảng viên ý thức được tinh thần, trách nhiệm của mình, tránh khỏi những sa ngã.

“Tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”

Với phương châm "không ngừng", "không nghỉ", trong năm qua công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh, kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”. Đảng đã ban hành hàng hoạt các Nghị quyết, quy định vừa siết chặt kỷ luật, kỷ cương, vừa phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ các cán bộ mặt trận cấp xã tiêu biểu. Ảnh: Nhật Minh

Nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm được điều tra, làm rõ, như: Vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao); các vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Công ty AIC; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát...

“Càng đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng của chúng ta càng mạnh lên, càng củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, làm cho bộ máy trong sạch, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đồng thời bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là "đấu đá nội bộ", "phe cánh", làm "nhụt chí" những người khác”, trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngày 18/11/2022.

Có thể nói, hiếm có cuộc đấu tranh nào trong thời bình lại có tinh thần “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng” như cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”. Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, không chỉ giúp Đảng ngày càng vững mạnh mà còn củng cố, tăng cường niềm tin, sự đoàn kết trong toàn hệ thống.

Tinh thần “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt” làm cho các quy định của Đảng trên “mặt trận” cam go này nhanh đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả trên thực tế. Như việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngay sau khi Hội nghị Trung ương 5 (tháng 5/2022) thống nhất về chủ trương, các tỉnh, thành phố đã lập tức triển khai thực hiện ngay.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, mặc dù mới được hình thành và đi vào hoạt động, nhưng đến nay, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã đưa gần 400 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào theo dõi, chỉ đạo để tập trung xử lý.

Nhiều địa phương đã khởi tố cả Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở, như: Lào Cai, Phú Yên, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Khánh Hoà, Quảng Ninh. Điều này cho thấy tinh thần “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng” đã trở thành một xu thế, “không ai có thể cưỡng lại được”.

Tuy nhiên, xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, trong đó có đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng là công việc khó khăn, phức tạp. Ngoài việc kiên trì, “không dừng”, “không nghỉ” thì việc xây dựng cơ chế để kiểm soát quyền lực là đặc biệt quan trọng.

Tại Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết 27 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Một trong những trọng tâm của Nghị quyết là hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; nghiên cứu thành lập các thiết chế mới về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, hướng đến mục tiêu: “không thể tham nhũng”, “không dám tham nhũng”, “không cần tham nhũng và “không muốn tham nhũng”.

Mở đường hình thành tiền lệ từ chức

Một điểm đặc biệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được nhân dân đánh giá cao trong năm qua, là việc thay thế những cán bộ năng lực, hạn chế, uy tín thấp bằng những người xứng đáng hơn. Đây là một chủ trương được Đảng đề cập từ cách đây hàng chục năm. Tuy nhiên, khi thực hiện lại gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến cán bộ chỉ “lên mà không xuống”, “vào mà không ra”.

Trong gần 10 năm qua, kể từ khi Trung ương quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (nay là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực), đã có hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý bị kỷ luật nhưng “hiếm” có cán bộ nào chủ động xin từ chức, dù uy tín giảm sút...

Một điểm đặc biệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được nhân dân đánh giá cao trong năm qua, là việc thay thế những cán bộ năng lực, hạn chế, uy tín thấp bằng những người xứng đáng hơn. Đây là một chủ trương được Đảng đề cập từ cách đây hàng chục năm. Tuy nhiên, khi thực hiện lại gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến cán bộ chỉ “lên mà không xuống”, “vào mà không ra”.

Xác định “có vào thì có ra, có lên thì có xuống”, “danh dự mới là điều thiêng liêng nhất”, Đảng đã ban hành hàng loạt các quy định để thúc đẩy việc từ chức trở thành tiền lệ bình thường. Để rồi, lần đầu tiên tại Hội nghị lần thứ sáu (tháng 10/2022), Trung ương xem xét, quyết định để 3 Ủy viên thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Quy định số 41 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Thông báo số 20 về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật.

Từ tiền lệ ở Trung ương, việc thay thế, cho từ chức đối với các cán bộ bị kỷ luật, uy tín giảm sút đã nhanh chóng lan tỏa sang các cấp chính quyền và các địa phương. Đến nay, sau 2 tháng thực hiện Thông báo số 20 của Bộ Chính trị đã có thêm 2 thứ trưởng thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, nghỉ hưu trước tuổi; 2 phó bí thư, chủ tịch UBND tỉnh thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác hoặc bố trí công tác khác…

Điều đặc biệt và cũng được coi là “lần đầu tiên” là có Ủy viên Trung ương Đảng không bị kỷ luật, nhưng mong muốn chuyển qua công việc khác sức ép phù hợp hơn, như trường hợp của ông Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT. Sau khi xem xét, cấp có thẩm quyền đã quyết định điều chuyển ông Thể sang làm Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương và ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ GTVT.

Như vậy, có thể thấy, các quy định được Trung ương, Bộ Chính trị ban hành đã và đang phát huy hiệu quả trong việc cảnh tỉnh, đánh thức lòng tự trọng trong mỗi cán bộ, đảng viên để sẵn sàng rời ghế, nhường ghế cho người xứng đáng hơn.