Nhỏ nhưng “có võ”
Serama là giống gà nhỏ, trọng lượng chỉ dưới 500 g, được nhập khẩu từ Malaysia và được nhân giống ở Việt Nam. Minh Thông (trường CĐ Ladec, thành viên hội thú cưng) cho biết: “Mình nuôi serama vì nó nhỏ, dễ chăm sóc, không cầu kỳ như mấy “em” thú cưng khác. Cộng thêm nữa là mấy “em” gà này có dáng vóc nhìn rất oai và phù hợp để nuôi trong những không gian nhỏ hẹp”.
Mua serama về, công đoạn đầu tiên của người nuôi là tạo dáng để chúng có được các kiểu dáng bắt mắt. Serama đang thịnh hành các loại như dạng thon cao với ức nhỏ. Serama dạng tròn có bề ngoài rất tròn trĩnh, chân ngắn. Cánh chúng không thẳng đứng mà nghiêng một góc 45 độ hay hơn kém một chút, tùy vào độ dài của cánh và chân. Ức gà nở như ức chim câu.
Các thành viên serama offline chia sẻ kinh nghiệm
Trung Nghĩa (trường CĐ nghề Phú Lâm, thành viên hội nuôi serama ở TP. HCM) chia sẻ: “Khi mới nuôi, bạn chỉ nên bắt đầu từ những con dưới một tháng tuổi để dễ “nắn” chúng theo ý mình vì lúc đó xương gà còn mềm.
Để tập dáng cho serama, Nghĩa đưa chúng vào một cái hộp kín hình chữ nhật. Phía trên nắp thùng để ánh sáng lọt vào kích thích gà ngước lên trên. Từ thói quen đó sẽ hình thành dáng cho chúng. Mỗi ngày tập khoảng 7 tiếng là được”.
Thảo My (trường ĐH Văn Hiến) khoe: “Mình đã “kết” mấy em serama này ngay từ lần đầu thấy chúng ở trên mạng. Lần mò tìm hiểu, thấy cách nuôi rất dễ. Serama ăn các loại ngũ cốc.
Nếu muốn tăng độ chắc cho chúng, bạn chỉ cần thêm các loại ruốc khô xay nhuyễn (khoảng 1 tuần/lần). Bạn cũng có thể trộn thêm vitamin, thuốc kháng khuẩn. Nuôi serama còn cần chú ý tới bộ lông của chúng nữa. Từ khi nuôi serama, mình rèn thêm được tính kiên nhẫn và tỉ mỉ”.
Cho serama tập dáng trong hộp kín
Đi thi nhan sắc
Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, các câu lạc bộ chơi gà serama ra đời rất nhiều, đồng thời, rộ lên các cuộc thi gà đẹp, tạo cơ hội giao lưu cho các bạn yêu thích loại gà tí hon này.
Anh Sang (trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, thành viên hội yêu gà serama) cho biết: “Nuôi serama còn có thú vui là đem gà đi thi sắc đẹp. Với các cuộc thi vui này, cũng có đủ các tiêu chuẩn về hình dáng, màu lông, phong thái của gà. Mỗi câu lạc bộ thường sẽ có các kỳ thi gà đẹp, trong các khoảng thời gian khác nhau. Do vậy, bạn phải cập nhật ngày thi trên mạng. Theo quy định, mỗi “em” serama chỉ được thi 3 cuộc thi trong một năm thôi nhé”.
Một thú vui khác của các bạn trẻ khi nuôi gà serama là việc ghép đôi chúng. Khi ghép hai loại gà serama khác nhau sẽ cho ra gà con khác nhau về màu lông, dáng vóc và cả tính cách.
Khi mua gà, bạn sẽ được cho biết về chủng dòng máu của loại serama đó, thí dụ như dòng máu Submerin có đặc điểm ngực lớn, lông màu vàng và hình dáng cơ thể tương đối cao; dòng máu Breed Lang thì có bộ lông màu điều, chân và mỏ màu vàng, ngực to, bộ lông bóng; dòng máu Sami G màu vàng với mí mắt trắng, đuôi gọn gàng, ngực lớn, chân màu xanh, mào nhỏ gọn, hình dáng cơ thể cao trung bình; dòng máu Tok Uban thì có đuôi được sắp xếp gọn gàng, có đốm trắng nhỏ ở ngực nhưng sẽ mất khi trưởng thành, hình dáng cơ thể khá cao…
Một “em” serama chuẩn bị đi thi nhan sắc
Hoàng Việt (trường ĐH Công nghệ TP.HCM) chia sẻ kinh nghiệm: “Việc phối giống loại gà nào rất cần nghiên cứu trước để có thể lai tạo ra gà con đẹp, có sức khỏe tốt. Chưa kể, nếu gà con đẹp thì bạn có thể kinh doanh, vừa có thu nhập vừa thỏa thú vui”.
Bạn có thể mua gà serama tại các website của hội yêu gà serama hoặc nếu ở TP. HCM thì đến các đường Lê Hồng Phong (Q. 10), đường Lê Quang Sung (Q. 6)… Giá từ 350.000 – 1 triệu đồng/con, tùy loại.
Serama là giống gà tre nhỏ nhất thế giới hiện nay. Cái tên serama bắt nguồn từ tên của Raja Sri Rama, một nhân vật huyền thoại từ kịch rối bóng (shadow puppet) của Malaysia là nhân vật nổi tiếng với vẻ đẹp, sự sang trọng và vương giả.
Tiêu chuẩn của một serama đẹp được xét qua các phong cách như: Ưỡn ngực cơ bản (gaya tarik). Đây là phong cách để trở thành một con gà serama tuyệt vời. Các đốt xương cổ sẽ theo dạng đường cong và kéo đầu trở lại phía sau.
Phong cách Tàu ngầm (gaya selam) thì độc đáo, tuyệt đẹp và chỉ có một vài con gà serama đạt được đến mức này khi cổ và đầu được kéo căng hết mức về phía sau, không có khoảng trống giữa đầu và đuôi.
Để đạt được phong cách Vươn cao ngực (gaya lonjak) thì thân serama cần phải đứng và người nuôi cần nâng ngực của chúng tăng lên.