Ông nhà văn này, trong cuốn này, rất hay đùa. Thì cứ cho đấy là một câu đùa. Nhưng tôi cũng muốn tin là ông đang nói nghiêm túc.
Đúng là đừng có ngại nhắc lại chính mình. Sinh thời, Đức Phật giảng giải cho đồ đệ, ngôn ngữ của Người bao giờ cũng được nhắc đi nhắc lại, nhấn đi nhấn lại. Tôi từng viết về đặc điểm này trong tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi (2006): “Giáo chủ trong những lần giảng bài thường đệm những từ đồng nghĩa. Cách ấy không làm tăng ý nghĩa câu nói, nhưng có tác dụng thêm thời gian cho người nghe tiếp nhận. Nhấn mạnh thêm. Thuở thanh niên, hoàng tử thường ham thích dự những cuộc thiết triều, những phiên tòa trong hoàng cung. Khả năng tư duy luận lý và năng lực hùng biện thuyết phục được mài giũa từ ngày ấy”.
Không chỉ là ngôn từ, ngay cả tư tưởng cũng được nhắc đi nhắc lại, nhấn đi nhấn lại. Gặp một cảnh huống mới, có thể nhắc lại một điều không mới nhưng thích hợp, thì cái điều thích hợp ấy có thể mang một ý nghĩa mới.
Chữ nghĩa cũng vậy. Không có gì là cấm kỵ hoặc bị hạn chế sử dụng. Ngay cả những ví dụ chữ nghĩa nêu ra để rút kinh nghiệm hoặc gây cười, chẳng qua đó là vì chúng đã trót ở trong tay thợ chưa lành nghề. Biết mài giũa thì những ngôn từ ấy có thể đem đến ấn tượng mới mẻ. Biết đâu đấy.
Tôi muốn nhắc lại: người viết văn nên biết tránh những từ mà đâu đâu cũng dùng như một thói quen, như một cái mốt thời thượng. Tránh, vì nó đã cùn mòn. Tránh, vì nó quá đại trà. Tránh, vì nó thiếu cái sang mà văn chương vẫn cần. Tránh, vì một khi đã cùn mòn thì nó thiếu sức biểu cảm.
Tránh, tôi cũng chỉ tự nhắc mình có thể lược bớt những giới từ liên từ rườm rà để tạo ra một hệ thống ngôn ngữ khác lạ, hoặc tạo ra cấu trúc câu văn mới mẻ. Tôi không khuyên người đang tập làm văn trong trường sở phá vỡ văn phạm và nổi loạn theo kiểu này. Dù sao đi nữa, văn chương nhà trường bao giờ cũng phải bài bản, theo đúng quy phạm, phải qua cơ bản rồi hẵng nghĩ đến chuyện phá cách, đổi mới. Vừa mới biết đi mà đã chạy thì chắc chắn sẽ ngã oành oạch.
Tránh, đừng vội lo như vậy thì sẽ bị hạn chế, sẽ bị thiệt thòi. Không biết ăn cái gì thiệt cái ấy. Không hẳn như ẩm thực. Không hẳn như giao thông, rất nhiều khi chỉ có con đường duy nhất, chỉ có độc đạo. Ngôn ngữ là nơi tránh con đường này thì luôn có thể mở ra một con đường mới, mở ra khả năng mới. Ngôn ngữ của ta sẽ đa dạng hơn, nhiều sắc thái hơn, linh hoạt hơn, đẹp hơn, giàu có hơn.
Đến đây xin tạm khép lại mục Lang thang chữ. Sau một chuyến du lịch, người ta có thể quý nhau hơn mà cũng có thể ngược lại. Đấy là vì một chuyến du ngoạn khiến người ta hiểu nhau rõ hơn. Hy vọng là chuyến lang thang trong chữ này đã mang lại cho chúng ta đôi ba điều có ý nghĩa.
(Lời chia tay của mục Lang thang chữ)