> Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tình hình Vinashin
> Thủ tướng và 5 bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn
Chưa nên có Luật Biểu tình
Người đầu tiên đề cập dự án Luật Biểu tình là ĐB Hoàng Hữu Phước (TPHCM). “Tôi kính đề nghị Quốc hội loại bỏ Luật Lập hội và Luật Biểu tình khỏi danh sách dự án luật suốt nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII”- ĐB Phước mở đầu bài phát biểu.
Lý do ĐB này đưa ra là, Luật Lập hội là để tạo nên các đối thủ bên ngoài hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vô hiệu hóa, tiến đến xóa sổ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Còn với Luật Biểu tình, trong tiếng Anh biểu tình, tức là Demonstration luôn để chống Chính phủ nước mình hay một chủ trương của Chính phủ.
“Việt Nam có cần các cuộc biểu tình chống Chính phủ Việt Nam hay không, chống các chủ trương, chính sách, đạo luật của Chính phủ Việt Nam hay không? Nếu không cần tại sao lại đưa dự án Luật Biểu tình”- ĐB Phước lập luận và cho rằng cần tham vấn ý kiến, nguyện vọng của cử tri, công dân là người cao tuổi, cựu kháng chiến, cựu chiến binh, anh hùng các lực lượng vũ trang, anh hùng lao động; hay xây dựng chỉ vì một nhóm nhỏ vài chục, vài trăm sinh viên, học sinh… Đại biểu Phước cho rằng: Đa số người dân sẽ không ủng hộ Luật Biểu tình.
“Cái Việt Nam cần có thể là những quy định về đức tin, về tuần hành đông người. Nhưng liệu Quốc hội có nên dành ra 2 năm và bao tiền của của nhân dân để soạn ra dự án Luật Đức tin hay Luật Tuần hành hay không”- ông Phước nói.
Cùng quan điểm trên, ĐB Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận), Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên - Huế), Nguyễn Thanh Tùng (Bình Định) cho rằng, trong thời điểm hiện nay chưa nên ra Luật Biểu tình.
“Tự do dân chủ không phải là biểu tình, không phải cứ cho biểu tình là mới có tự do dân chủ. Cái chính là làm sao chúng ta chăm lo phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân, cái đó mới là cái cơ bản, cái đó mới là cái đảm bảo tự do dân chủ, quyền dân chủ của nhân dân. Hơn nữa, chúng ta đang tiến hành sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 cho nên không gì phải vội, tôi thấy luật này cũng chưa cấp thiết lắm”- ông Tùng nói.
Có luật Biểu tình càng sớm càng tốt
Nhà sử học Dương Trung Quốc (ĐB Đồng Nai) lại đánh giá rất cao việc đưa dự án Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng Luật của QH khóa XIII. Theo ông, biểu tình cần phải nhìn ở cả hai khía cạnh: Đó là một quyền cơ bản của người dân và đồng thời đó là một công cụ hành pháp, công cụ lập pháp để mà thực thi quyền hành pháp. “Nếu chúng ta chỉ nhìn một mặt thì chúng ta chỉ nhìn thấy mặt hỗn loạn của nó thôi”- ông Quốc nói.
Dẫn chứng Hiến pháp năm 1959 chữ “biểu tình” đã được đưa vào trong chính văn khi bàn về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, nhà sử học nhấn mạnh: “Như thế nó không phải xa lạ, chúng ta thấy tất cả trong thực tiễn lịch sử những cuộc biểu tình ấy có thể phát huy cả hai mặt. Đứng từ lợi ích chính trị của một thể chế, chúng ta thấy cuộc biểu tình chống chính quyền Sài Gòn, đặc biệt ở đô thị đã tác động tích cực vào quá trình của sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Thời kỳ đổi mới khi những hiện tượng diễn ra ở tỉnh Thái Bình nơi từng có truyền thống của tiếng trống Tiền Hải. Nếu quan niệm đơn giản như ĐB Phước ở TPHCM chỉ có cách dẹp bỏ, nhưng chính lúc đó các nhà lãnh đạo sáng suốt của Đảng đã trực tiếp đi vào tận tâm bão tìm hiểu thì thấy hai mặt của vấn đề: Có những yếu tố kích động nhưng cũng có những yếu tố thực tế, có vấn đề trong bộ máy lãnh đạo cầm quyền, vì vậy dẫn đến điều chỉnh một cách thích hợp”- ĐB Quốc phân tích.
Và ông cho rằng: “Bây giờ chúng ta đang chứng kiến những sự kiện trong quá trình hội nhập thế giới, việc biểu tỏ thái độ của người dân là cần thiết, nó có nhiều diễn đạt khác nhau, tụ tập đông người mà thực chất là biểu tình. Chính bởi vì không có luật nên mới dẫn đến tình trạng hỗn loạn”.
Nhà sử học nhấn mạnh, việc thóa mạ những người biểu tình là đi ngược lại những tuyên bố chính thức của nhà nước. “Không phải tự nhiên mà Thủ tướng Chính phủ cũng chủ động đề nghị đưa vào chương trình luật pháp về Luật Biểu tình. Có Luật Biểu tình càng sớm càng tốt”- ông Quốc chốt lại.
Một nửa số dự án Luật là sửa đổi
Nhiều ĐB phàn nàn, chất lượng làm luật của chúng ta không cao, nguyên nhân do cách làm luật còn nghiệp dư.
“Chất lượng luật của ta không cao. Qua chương trình ta thấy hơn một nửa luật trong chương trình là sửa đổi luật, có khi mới vừa làm. Cử tri nói với tôi rằng QH làm luật giống như hiện nay đất nước làm đường, xe chạy chưa được bao lâu là sửa rồi, lãng phí lắm, thế thì chúng ta nên tìm nguyên nhân nó ở đâu” – ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) ví von.
Phân tích sâu hơn, ĐB Lịch cho biết hai cơ quan “gác chương trình” là Bộ tư pháp, Ủy ban pháp luật của QH nhưng vẫn có tình trạng đua nhau để ngành mình, lĩnh vực mình, cơ quan mình được làm luật. Nhà này có luật thì nhà kia cũng có luật.
“Tình trạng này khiến cái gọi là thiêng của luật không còn nữa. Hết thiêng rồi thì tác hại rất lớn, càng nhiều luật, càng rối loạn và càng làm cho kỷ cương pháp luật kém đi” – ĐB Lịch nhấn mạnh.
Bên hành lang Quốc hội:
Nhu cầu biểu tình là rất ít
"Không phải không nên xây dựng Luật Biểu tình, mà ở thời điểm này chưa nên có. Bởi biểu tình sẽ gây tắc đường, ảnh hưởng kinh doanh mua bán, đi lại của người dân. Nên thời điểm này chưa thích hợp để công nhận các hình thức biểu tình.
Qua các cuộc tuần hành vừa qua, chỉ có vài chục, vài trăm người tụ tập để nói về đường lưỡi bò. Điều này cho thấy, nhu cầu biểu tình rất là ít. Con số này, nếu so với 70% dân số Việt Nam sống ở nông thôn, thì chỉ cần số người này biểu quyết thì thấy nhu cầu biểu tình chưa có. Do đó, tôi cho rằng, trước mắt chỉ cần quy định tạm thời về tụ tập biểu tình."- ĐB Hoàng Hữu Phước (TPHCM)
Không có luật nên mới ảnh hưởng trật tự xã hội
"Trong Hiến pháp năm 1946, quyền biểu tình được cụ thể hóa bằng quyền tự do hội họp, nó có nội hàm của biểu tình. Đến năm 1959 cũng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo nêu rõ “quyền được biểu tình”. Chúng ta đang nói đến việc học tập Bác Hồ mà lại không học đến nơi đến chốn thì chỉ hiểu biểu tình một cách phiến diện. Thứ hai, biểu tình có hai mặt nó là quyền người dân được bày tỏ và công cụ để quản lý của nhà nước. Vì chúng ta không có luật nên mới tùy tiện, ảnh hưởng đến trật tự xã hội." - ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai)
Nên có Luật Từ chức
Về sáng kiến luật, ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) đề nghị bổ sung Luật Từ chức để đáp ứng nhu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch vững mạnh. Hiện tới 1/3 công chức “chân trong, chân ngoài” làm việc không hiệu quả, cần phải giảm bớt đi. Những người đứng đầu, nếu không đủ tài trí thì nên từ chức.
Đây cũng là phù hợp với xu hướng chung của nhiều nước, mà cũng là phù hợp với truyền thống dân tộc ta là “dắt vong, treo ấn, từ quan”. “Nếu không đủ tài đức nữa thì có nên ngồi mãi không? Mà người đứng đầu tác động của họ đối với sự vận động xã hội là quan trọng lắm và gắn liền với chống tham nhũng”- ĐB Đương lý giải.
Có Luật Biểu tình để nghe được tiếng nói thật của dân
Trao đổi với PV Tiền Phong bên lề QH sáng 17- 11, ông Trần Ngọc Vinh, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng nói: Hiến pháp đã ghi rõ, công dân có quyền biểu tình. Chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền, quản lý xã hội bằng pháp luật. Chúng ta đã hội nhập quốc tế, phát huy quyền làm chủ của công dân, thì không có lý gì mà không ban hành Luật Biểu tình. Tôi nghĩ luật này phải ban hành lâu rồi, chứ không nên để xảy ra tình trạng như vừa qua.
Ở các nước, họ có luật và phát huy quyền của công dân, không có ảnh hưởng gì, thì tại sao chúng ta lại sợ sệt và cấm đoán việc này. Có luật thì nhà nước quản lý được và nghe được tiếng nói thật của dân. Từ đó, có biện pháp phòng ngừa và rút kinh nghiệm trong công tác điều hành, chỉ đạo. Như vậy, xã hội chỉ có tốt lên.
Ngọc Tiến (thực hiện)