Tranh luận nảy lửa việc buộc Facebook, Google đặt máy chủ tại Việt Nam

TP - Ngày 23/11, Quốc hội thảo luận về Luật An ninh mạng với sự đối đáp, tranh luận nảy lửa về quy định các nhà cung cấp dịch vụ mạng, đặc biệt với Google, Facebook phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ tại Việt Nam.

Một cửa nhưng ba khóa?

Là người cho ý kiến đầu tiên, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đặt câu hỏi: Quy định trong dự thảo luật có ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin của nhân dân không? Liệu có tạo ra rào cản thương mại, cản trở hoạt động kinh doanh, cũng như cản trở người dùng hay không? Theo ông Nguyễn Hữu Cầu, các doanh nghiệp nước ngoài thu lợi nhuận ở Việt Nam thì phải bình đẳng như các doanh nghiệp khác. Hiện nay, 14 nước trên thế giới như Mỹ, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc… đã yêu cầu các nhà mạng thực hiện nhiệm vụ này.

“Chúng ta chỉ yêu cầu đặt máy chủ, quản lý người dùng Việt Nam chứ không phải đặt toàn bộ máy chủ chứa dữ liệu, vì máy chủ dữ liệu cung cấp cho nhiều quốc gia, chứ không chỉ cho một nước cụ thể. Vì sao các nước làm được mà chúng ta thì không?”, ông Cầu đặt câu hỏi.

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) lại cho rằng, việc ban hành quy định nhà cung cấp dịch vụ mạng phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Việt Nam là “trái cam kết” của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam.

Nữ đại biểu đoàn Đà Nẵng cho rằng, mạng internet là không gian có khả năng diễn ra hành vi xâm phạm an ninh quốc gia. Tuy nhiên, nếu có riêng một luật về an ninh mạng thì an ninh trong nhiều lĩnh vực khác an ninh hàng không, an ninh lương thực, an ninh môi trường… cũng phải được điều chỉnh bằng luật riêng.

Bà Thúy nhìn nhận, Luật An toàn thông tin mạng và Luật An ninh quốc gia như “hai cái khóa” bảo vệ an ninh quốc gia. Nay thêm Luật An ninh mạng, không khác gì cái khóa thứ ba. “Hai khóa đã đủ chắc chắn chưa? Nếu thêm một khóa chỉ để khóa cùng một cửa, nhưng lại giao cho một người khác giữ chìa thì chắc hơn, hay cồng kềnh hơn trong thời buổi mở cửa này”, bà Thúy đặt câu hỏi, và đề nghị ban soạn thảo tiếp thu, hoặc giải trình cho thỏa đáng.

Tranh luận lại các quan điểm này, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) ủng hộ quan điểm của đại biểu Thủy, phản đối cách nhìn nhận của ông Cầu. Bởi nếu bắt người ta đặt máy đấy nhưng người ta không sử dụng, hay sử dụng những công nghệ đám mây thì chúng ta làm gì được?

Theo ông, nếu quản lý cứng nhắc, hiệu quả không được bao nhiêu, nhưng hình ảnh hội nhập sáng tạo của Việt Nam trên thế giới chắc chắn bị ảnh hưởng. Để ngăn chặn các tin tức giả, nên xem xét các biện pháp khác như tăng cường mức phạt. Chẳng hạn như ở Đức, mức phạt cao nhất lên đến 50 triệu Euro đối với hành vi đưa tin tức giả.

“Đừng thấy những con số hàng trăm triệu USD quảng cáo không thu được thuế là chúng ta đã bị mất hoàn toàn. Vì những quảng cáo ấy, những thông tin bổ ích mà hàng ngày mạng xã hội mang lại là một bộ phận rất quan trọng trong sự phát triển của kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống xã hội, dân trí của người dân Việt Nam, góp phần xây dựng một Chính phủ sáng tạo, hành động và liêm chính”, ông Hiếu cho hay.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu

 Lo ngại tấn công, khủng bố trên mạng

Tranh luận lại quan điểm của đại biểu Thúy, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu phản biện rằng, một nguyên thủ quốc gia của một nước lớn đã khuyến cáo chúng ta rằng, trong tương lai ai làm chủ, nắm được internet thì người đó sẽ thắng. Ai lúng túng sẽ thất bại. Thực tế hiện nay Việt Nam đang còn lúng túng trong vấn đề quản lý internet.

“Chúng ta có thể phạt nặng đến 5 nghìn, hoặc thậm chí 50 nghìn USD cho những thông tin sai sự thật. Trong thực tế, chúng tôi là những người làm án, khi các đối tượng phạm tội dùng địa chỉ IP ở nước ngoài tấn công, lừa đảo thì chúng ta không biết họ là ai, yêu cầu nhà mạng cung cấp, họ không cung cấp, như vậy chúng ta tịt toàn bộ vụ án”, ông Cầu cho hay.

Tiếp thu các ý kiến và giải trình tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, tình hình an ninh trên không gian mạng trên thế giới, trong khu vực diễn biến rất phức tạp, nhất là các hoạt động tấn công mạng, gián điệp, khủng bố trên mạng. Các thế lực trong và ngoài nước đã triệt để sử dụng không gian mạng, chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của nhân dân ta, uy hiếp tới sự an toàn của chế độ và nhà nước ta cũng như cuộc sống bình yên của mọi người dân.

Theo Thượng tướng Tô Lâm, luật ban hành sẽ bảo đảm cơ sở pháp lý vững chắc cho lực lượng công an nhân dân, quân đội nhân dân, các cơ quan, tổ chức và nhân dân có thể chủ động tiến hành có hiệu quả các hoạt động, các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, đấu tranh và loại trừ các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia. Đồng thời, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, khắc phục được những hạn chế, bất cập trong các quy định của pháp luật hiện hành, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.

“Chúng ta chỉ yêu cầu đặt máy chủ, quản lý người dùng Việt Nam chứ không phải đặt toàn bộ máy chủ chứa dữ liệu. Vì sao các nước làm được mà chúng ta thì không?”.

                Đại tá Nguyễn Hữu Cầu

 

Đừng thấy những con số hàng trăm triệu USD quảng cáo không thu được thuế là chúng ta đã bị mất hoàn toàn. Vì những quảng cáo ấy, những thông tin bổ ích mà hàng ngày mạng xã hội mang lại là một bộ phận rất quan trọng trong sự phát triển của kinh tế - xã hội”.

            Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu

 

Việt Nam xếp hạng 101/165 về an toàn thông tin

Tại phiên khai mạc “Ngày An toàn thông tin Việt Nam” lần thứ 10 diễn ra tại TPHCM sáng 23/11, ông Ngô Vi Đồng, Phó chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cho biết, Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) mới đây đã công bố báo cáo về Chỉ số An toàn thông tin mạng toàn cầu (Global Cybersecurity IndexGCI) 2017. Trong báo cáo này, Việt Nam được xếp hạng 101 trong tổng số 165 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát, đánh giá. Điều này cho thấy việc triển khai công tác đảm bảo an toàn thông tin, phòng chống tội phạm công nghệ cao của Việt Nam so với thế giới vẫn còn nhiều thách thức.

Theo thống kê của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2017, trung tâm ghi nhận 6.303 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin của Việt Nam, bao gồm 1.522 cuộc tấn công lừa đảo, 3.792 cuộc tấn công cài đặt  phần mềm độc hại và 989 cuộc tấn công thay đổi giao diện. Đặc biệt, có 25 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin sử dụng tên  miền “.gov.vn”.