Tránh bị sốc khi học tín chỉ

Hầu hết các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) đều áp dụng học chế tín chỉ trong đào tạo. Với học chế này, sinh viên (SV) sẽ phát huy tính chủ động, tích cực trong học tập. Nhưng nếu không nắm vững phương pháp, người học rất dễ bị sốc và khó đạt kết quả.
SV trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM trong giờ thực hành - Ảnh: Hà Ánh

 > Giảng dạy đại học vẫn 'xôi' chấm 'xôi' là chính

SV trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM trong giờ thực hành - Ảnh: Hà Ánh.

Điểm chữ và điểm số

Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang - Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết: “Điều SV cần lưu ý đầu tiên khi bước vào quá trình học tín chỉ là cách tính điểm. Khác với đào tạo theo niên chế, điểm học phần cho theo thang điểm 10 sau đó chuyển thành điểm chữ gồm: A, B, C, D, F. Nhưng khi tính điểm trung bình chung học kỳ và điểm trung bình chung tích lũy, điểm chữ ở mỗi học phần được quy đổi qua điểm số ở thang điểm 4”.

Tuy nhiên, ở mỗi trường có cách vận dụng tính điểm không giống nhau. Hệ thống các trường, khoa thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM vẫn sử dụng thang điểm chính thức là 10, việc quy đổi sang điểm chữ và điểm số thang điểm 4 chỉ có tính tham khảo hoặc để ghi vào bảng điểm quốc tế. Mức điểm đạt tối thiểu của học phần là 5 chứ không phải 4 như quy chế 43 của Bộ.

Do vậy, tiến sĩ Quang khuyên: “SV cần nắm rõ quy chế và cách thức triển khai cụ thể của trường mình theo học để áp dụng được chính xác”.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Hoa - Phó trưởng khoa sư phạm kỹ thuật trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng thông tin: “Khi học tín chỉ, cột điểm của SV luôn có 2 phần: điểm quá trình và điểm thi kết thúc môn. Trong đó, tùy theo môn học mà 2 phần điểm này được chia ở mức khác nhau, từ 20 - 50% điểm quá trình và 50 - 80% điểm thi kết thúc môn. Điểm quá trình gồm điểm chuyên cần, làm bài tập trên lớp, làm việc nhóm, làm bài luận…

Đặc biệt, thạc sĩ Hoa nhấn mạnh: “Theo quy định cũ điểm học phần từ 4,6 đã được làm tròn thành 5,0 điểm, nhưng theo quy định mới thì 4,9 vẫn là 4,9 điểm. Do vậy, nhiều SV không chú ý điểm này nên rớt môn rất thê thảm dù điểm còn thiếu là rất ít”. Vì thế thạc sĩ Hoa cho rằng: “Điểm quá trình rất quan trọng, sẽ ảnh hưởng và quyết định tới các loại điểm khác. Do vậy, cần cố gắng hết sức để đạt được điểm tốt ngay từ điểm quá trình”.

Xây dựng kế hoạch học tập tốt

Theo thạc sĩ Hoa: “Rất nhiều tân SV khi theo học tín chỉ giai đoạn đầu bị sốc rất nặng do không hiểu rõ và không làm đúng quy trình trong đăng ký môn học”.

Lợi thế của học chế tín chỉ là cho phép SV toàn quyền quyết định kế hoạch học tập của mình phù hợp với khả năng và hoàn cảnh thực tế bản thân. Nhưng có không ít SV đã sai lầm trong việc lên kế hoạch học tập như đăng ký quá nhiều môn ở học kỳ này nhưng quá ít ở học kỳ khác…

Do vậy, việc xây dựng một kế hoạch học tập tốt rất quan trọng. “Để có kế hoạch học tập tốt, cần đăng ký môn học phù hợp. SV cần nghiên cứu kỹ chương trình đào tạo của nhà trường, cụ thể là tìm hiểu kỹ thông tin trong cuốn Sổ tay SV mà trường phát vào đầu khóa học”, thạc sĩ Hoa nói thêm.

Tại các trường ĐH, mỗi năm không ít SV bị buộc thôi học do điểm kém. Cụ thể, trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) có khoảng vài trăm SV/năm, trường ĐH Nông Lâm TP.HCM trung bình trên dưới 300 SV/năm… Chủ yếu SV bị buộc thôi học đều ở năm thứ nhất do hụt hẫng khi thay đổi môi trường học.

Về điểm này, tiến sĩ Nguyễn Bá Hải - giảng viên khoa cơ khí chế tạo máy trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đưa ra lời khuyên: “Tân SV khi nhập học nếu thiếu thông tin nên hỏi kinh nghiệm từ các anh chị đi trước, hoặc tham vấn ý kiến từ các cố vấn học tập của mình. Đặc biệt, SV nên tận dụng triệt để sự cho phép trong việc hoãn thi, rút bớt học phần, đăng ký học cải thiện, học vượt, học kéo dài… để có kết quả tốt nhất khi ra trường”.

Theo Hà Ánh
Thanh Niên

Theo Tổng hợp