Khởi nghiệp Sáng tạo vượt khó

Trang trại gà đen và ước mơ của chàng trai vùng cao Mù Cang Chải

TP - Trong khi nhiều bạn trẻ ở thành phố bối rối chọn hướng đi trong đời thì chàng trai ở vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái) đã tự vạch tương lai cho mình từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Thú Y (Thái Nguyên), Vàng A Công trở về quê, khởi nghiệp bằng trang trại nuôi 1.000 con gà đen.
Kỹ sư chăn nuôi 9x người Mông Vàng A Công.

Nhạy bén với nhu cầu thực phẩm sạch

Vàng A Công sinh năm 1994, ở bản Mí Háng Tâu, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Bố mẹ anh quanh năm làm ruộng, không ai đủ thời gian và hiểu biết để định hướng nghề nghiệp cho anh. Học xong lớp 12, năm 2013, Vàng A Công thi vào Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật, chuyên ngành Thú y (Thái Nguyên). Chưa xa quê hương bao giờ, khăn gói đi học xa nhà là thách thức với một chàng trai dân tộc Mông ở Mù Cang Chải. Nhưng Công không chùn bước, cũng không sa vào những cám dỗ thị thành, chỉ chuyên tâm học tập.

Tháng 6 năm 2016, Vàng A Công lấy được tấm bằng tốt nghiệp, trở thành kỹ sư chăn nuôi, anh trở về quê hương, quyết tâm khởi nghiệp với trang trại gà đen. Công khá thực tế khi nhìn nhận: Vào làm việc ở một cơ quan nhà nước nào đó là điều cực kỳ khó khăn trong bối cảnh hiện tại, bởi chính sách tinh giảm biên chế đã có hiệu lực.

Tự thân lập nghiệp bằng kiến thức đã được học ở trường là lựa chọn hợp lí hơn cả. Lý do khiến anh khởi nghiệp bằng chăn nuôi thay vì trồng trọt, bởi ngoài chuyên môn sẵn có, quan sát ở quê mình, Công thấy lĩnh vực trồng trọt đã được nhiều người quan tâm nhưng chăn nuôi vẫn là mảnh đất đầy tiềm năng bị bỏ ngỏ.

 

Giống gà đen thường được nhiều người dân ở vùng cao chọn nuôi, không chỉ ở Mù Cang Chải (Yên Bái). Ngay tại những huyện vùng cao của Cao Bằng như Bảo Lạc, Bảo Lâm, giống gà này cũng phổ biến. Gà đen chính gốc ở Mù Cang Chải chỉ nặng trung bình trên một kg (khoảng 1,2- 1,5 kg). Giống gà nổi bật với sắc đen chủ đạo: Mào đen, chân đen, xương đen, thịt đen... Đặc biệt, chân gà đen chỉ có 4 ngón.

Thường người dân ở vùng cao  thương quí nhau, mới mang gà đen biếu nhau, bởi ngoài dùng làm thực phẩm, người dân tộc thiểu số truyền nhau, gà đen còn có giá trị dược liệu. Khi nguồn thực phẩm sạch lên ngôi thì những con gà đen có hình thức xấu xí cũng như một số thực phẩm khác ở vùng cao bỗng dưng “đắt khách”, được người dân thành thị cùng các nhà hàng kinh doanh ăn uống đua nhau săn tìm. Đánh vào tâm lí này, Vàng A Công tự tin lập trang trại gà đen.

Nhọc nhằn như nuôi con mọn

Trại chăn nuôi có diện tích 120 m2, có mái lợp, nền láng xi măng, xung quanh có rào lưới cao 1,8 m, lại gần suối, gần đường giao thông, để tiện cho đầu ra của gà, cũng như giảm bớt khó khăn trong quá trình nhập nguồn thức ăn để nuôi chúng. Công chấp nhận sống xa vùng dân cư. Anh cùng vợ và hai con sống biệt lập ở một nơi vắng vẻ, rộng rãi, có không gian thoáng mát để 1.000 con gà đen chạy bộ.

Quản lí trang trại gà đen là một công cuộc nhọc nhằn, không khác nuôi con mọn. Vàng A Công áp dụng những kiến thức đã học được từ chuyên ngành thú y vào chăn, nuôi gà. Anh lựa chọn chất lượng con giống cẩn thận. Những con gà đen về trang trại của Công phải có nguồn gốc rõ ràng, không dịch bệnh, điều này là một trong những yếu tố đảm bảo giúp chúng phát triển khỏe mạnh về sau, tránh những thiệt hại không đáng có cho người kinh doanh. 1.000 con gà đen thuần chủng 1 ngày tuổi được Công đích thân đến tận Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Từ Liêm- Hà Nội) mua về.

Công đặc biệt quan tâm đến vấn đề vệ sinh chuồng trại, cứ một tuần anh thực hiện phun tiêu độc khử trùng một lần, máng ăn cho gà cũng được thau rửa thường xuyên. Nệm chuồng nuôi gà bằng trấu cũng được thay 4 tháng/ lần. Những nệm cũ không dùng được nữa, Công  tận dụng đem ủ để biến thành phân bón hữu cơ, bón cho 2ha ngô của gia đình.

Đàn gà đen của Công có chất lượng thịt đảm bảo, được nhiều “thượng đế” ở tỉnh Yên Bái tín nhiệm bởi ưu điểm thịt gà chắc, thơm, không dai. Bí quyết của Công là cho gà ăn nhiều chất xơ. Ban đầu, Công cho gà ăn cám. Lớn hơn, gà được nuôi bằng ngô, thóc. Ngoài ra, Công dùng thân chuối băm nhỏ cho gà ăn hàng ngày, để bổ sung chất xơ. Không chỉ áp dụng kiến thức thu lượm từ trường học cùng kinh nghiệm được tích lũy, Vàng A Công còn chăm chỉ khai thác nguồn tri thức dồi dào từ internet. Anh đã học được cách nghiền cám ngô rồi ủ cùng men vi sinh để tăng lượng chất dinh dưỡng và tạo mùi thơm thức ăn, hấp dẫn đàn gà.

Vướng mắc vốn và đầu ra

Khó khăn lớn nhất khi khởi nghiệp bằng chăn nuôi đối với một chàng trai dân tộc thiểu số ở vùng cao như Vàng A Công là vấn đề vốn và đầu ra. Hiện nay, gà đen từ trang trại của Vàng A Công chủ yếu được bán cho người dân và dịch vụ ẩm thực trong huyện, trong tỉnh. Anh chưa tìm được “mối” để đẩy gà đen Mù Cang Chải bay xa hơn. Lợi nhuận thu được từ gà đen ban đầu còn khiêm tốn nhưng đầy hi vọng. Lứa đầu tiên, đàn gà xuất bán được 1,2 tấn thịt, giá trung bình 125 ngàn đồng/kg, Công thu về 150 triệu đồng.

Trừ mọi chi phí, còn lại khoảng 40 triệu đồng tiền lãi, gần bằng số tiền vay của ngân hàng để khởi nghiệp. Mới mở trang trại gà được gần 2 năm, tương lai phía trước còn dài. Sau khi trả hết nợ vốn khởi nghiệp và tìm được đầu ra tốt hơn, Công sẽ mở rộng cơ sở kinh doanh. Năm 2017, Vàng A Công là một trong những đại biểu ưu tú, đại diện cho thanh niên tỉnh Yên Bái, tham dự ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ XI.