Bài tôi viết, anh Tiến đọc, rồi cuối năm 2019 anh bay từ Vũng Tàu ra, hẹn gặp ở Hà Nội. Cuộc gặp hôm ấy có gã đầu bạc Phạm Xuân Nguyên và một cô phóng viên báo Hà Nội mới. Chỉ một mình Nguyên mặc áo pull đỏ, ba người còn lại áo đen tuyền, hợp thành ban nhạc đỏ - đen, không phải trắng - đen như nhạc của anh dạo nào. Sau ba mươi hai năm tôi mới gặp lại anh. Phút đầu, tôi phải tự xưng tên. Anh ngẩn ra một lúc rồi hỏi lại: Em đây à? Ngẩn ra vì không nhận ra. Ba mươi hai năm đủ biến một chàng thanh niên thành một người ở tuổi về hưu.
Anh chỉ tôi, nói với lão Nguyên: Anh phải ra Hà Nội gặp nó, nó chửi mình mà mình lại thích.
Đến lượt tôi lại hơi ngớ ra. Mình chê trách gì trong bài ấy nhỉ? Bóc tách ra thì không chỉ thứ nhạc đa phong cách đã dẫn dụ người nghe, mà chỉ riêng lời ca của Trần Tiến thì “những nhà thơ hàng đầu cũng có khi phải lấy làm ghen tị”. Và nghĩ đến việc Trần Tiến cứ hay nói những câu mào đầu trước mỗi bài hát, tôi đã viết thêm: “Nhạc ấy, lời ca ấy đã đủ nói lên tất cả rồi, chẳng cần đâu những lời phi lộ như có lúc tác giả cứ đội thêm cho nó cái mũ sặc sỡ lúc trời không mưa không nắng”.
Nói thế là đúng chứ nhỉ. Chỉ là cái kiểu vừa nói vừa tủm tỉm cười của đàn em trước một ông anh. Cười. Vui. Và thể tất.
Nhưng có lẽ anh bảo tôi “chửi” tức là hàm ý chỗ khác. Ta cùng đọc lại lời thơ của bài Mưa bay tháp cổ này đi:
“Mưa bay tháp cổ/ Mưa bay trên đá/ Trăm năm bước phù du
Hoang sơ tháp cổ/ Hoang sơ vũ điệu xưa/ Cong cong năm ngón ngũ hành/ Trăm năm bước mộng du
Nam mô nam mô nam mô nam mô Bút đa/ Một vòng thôi miên Apsara/ Nhật nguyệt trên cao sáng tỏ/ Em múa nghiêng ngả
Hoang sơ tháp cổ/ Hoang sơ vũ điệu xưa/ Nhật nguyệt trên cao nhân gian dưới thấp cách xa/ Nam mô nam mô A di đà
Hoang sơ tháp cổ/ Cong cong năm ngón ngũ hành/ Nhật nguyệt trên cao nhân gian dưới thấp cách xa
Nam mô nam mô A di đà/ Nam mô nam mô nam mô nam mô But đa/ Trăm năm em múa ngả nghiêng, ngả nghiêng, ngả nghiêng
Mưa bay tháp cổ/ Mưa bay trên đá/ Trăm năm bước mộng du/ Trăm năm bước phù du.
Người nghe có thể mê man đi một lúc. Nhưng rồi giật mình tỉnh lại thì nghĩ: “Apsara là những vũ nữ trên thiên đường, theo thần thoại của đạo Bà La Môn (Brahminism). Bà La Môn là tiền thân của đạo Hindu sau này. Có phải những giáo sĩ Ấn Độ đầu tiên mang Bà La Môn giáo đến xứ Chăm đã mang theo nhóm tam thần Brahma, Shiva, Vishnu cùng các vũ nữ Apsara. Hay là trước tiên họ đã mang đến đạo Hồi, rồi cao hứng pha trộn thêm một chút thần thoại Bà La Môn có từ hàng nghìn năm trước.
…Trong Mưa bay tháp cổ, lại còn thêm sự giao hòa “cong cong năm ngón ngũ hành” của phương Bắc, lại còn thêm “Bút đa” và “A di đà” Phật giáo. Đấy có phải là Trần Tiến cảm nhận ngộ nhận mà đặt thêm vào. Tháp Chàm cổ của đạo Hồi và đạo Bà La Môn có tượng Phật không nhỉ. Và cả cái ngũ hành kia nữa. Rồi cả cái không gian của nhật nguyệt của mưa của đá, đấy dường như là không khí của tín ngưỡng Bái Vật giáo cổ xưa nhất của nhân loại…”.
Rạch ròi lý tính ra như thế, thì thấy bài thơ là cả một nồi lẩu thập cẩm, một món trộn dành cho tai nghe. Nghĩ đến thế thì tỉnh thức, nhưng thức rồi mà vẫn thích. Lại phải tự dặn mình: cũng như ẩm thực mà thôi, món ngon thì cứ biết thưởng thức cho ngon, đâu cần phải rạch ròi phân tích xem thành phần của nó gồm những nguyên liệu gì, gia vị gì”.
Đấy, kể lại như thế để hiểu cái câu mắng yêu của Trần Tiến rằng tôi đã “chửi” anh như thế nào.
Hôm ấy Trần Tiến xuống máy bay rồi đi thẳng đến nơi hẹn, mang theo hành lý và chiếc đàn ghi ta. Lão Nguyên nói Thái nó thích bài Mưa bay tháp cổ thì anh hát bài ấy đi. Anh Tiến bảo, bài ấy giọng anh không hát được, để anh hát bài Ra ngõ tụng kinh. Suốt buổi lúc ngừng lúc hát, kể lai lịch từng bài, kể cái gia phả huyền thoại người Sơn Tây gốc Chàm. Anh còn bảo nhà thơ Quang Dũng (mà tôi rất mê) hình như cũng là người Sơn Tây gốc Chàm.
Trở lại Vũng Tàu rồi, thỉnh thoảng anh nhắn tin hỏi thăm ân cần. Tự xưng là anh Tiến. Bạn bè văn nghệ sĩ thì nhiều, nhà văn nọ nhà thơ kia, nghệ sĩ nọ họa sĩ kia, chỉ rất ít người thân của tôi gắn với đại từ nhân xưng: bác Tô Hoài, Madam Khuê (nhà văn Lê Minh Khuê), cô Lê Dung (cô là gọi thay cho mấy đứa trẻ trong nhà). Giờ thì có thêm anh Tiến. Anh bảo chuyến ấy về Vũng Tàu anh cũng ốm lắm, thì ra cả hai anh em mình gặp nhau rồi rủ nhau mà ốm. Rồi lại nghe tin anh bị bệnh nan y. Hỏi thăm ngay thì anh cười khà khà. Anh qua rồi, lại khỏe rồi. Xong anh gửi qua email bài anh viết tiễn anh Phương (Phó Đức Phương). Nhạc sĩ có chữ có khác. Xong anh gửi bản thu bài hát Không gục ngã. Trong ấy có nhiều câu tự nhắc mình: Đứng dậy, hãy vượt lên số phận trái tim còn yêu...
Sau cuộc gặp ấy, tôi vào YouTube, lôi xuống tất cả những chương trình Trần Tiến có trên ấy, xem và nghe. Không phải cái gì hay cũng đều có thể nghe lại được. Nhưng ca khúc Trần Tiến thuộc loại có thể nghe lại nhiều, nghe lại mãi.
Cái khổ nhất của người nổi tiếng là có thể không còn nổi tiếng nữa.
Đừng chọn người tốt hơn. Hãy chọn người làm cho mình tốt hơn.
Những người mình gặp trên đời chắc cũng đã đủ rồi. Gặp thêm ư, có thể mất hứng.
Chúng ta có thể quên quá khứ. Nhưng rồi chúng ta sẽ là quá khứ. Quá khứ không hề quên chúng ta. Đừng nghĩ ta là loài chim bay không để lại dấu.
Những người yêu dấu đi cùng ta qua trái đất này. Sao nỡ bỏ ta đi trước. Cuối đường, còn mỗi mình ta. Hát một mình, nhấp rượu một mình và chết cũng... một mình.
(trích “Ngẫu hứng Trần Tiến”, NXB Hội Nhà văn và Trí Việt ấn hành 2016)