Trách nhiệm minh bạch của EVN

TP - Việc Thủ tướng có Quyết định số 24 ngày 15-4 cho phép điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường từ 1-6 được ngành điện đánh giá là bước mở lớn giúp gỡ nút thắt về giá điện, do những năm qua việc điều chỉnh chưa tương ứng với biến động của các yếu tố hình thành giá.

> Lỗ của EVN chia đều cho các đợt tăng giá
> Kích thích tiết kiệm điện
> Độc quyền & thị trường
> Giá điện cần tăng, giảm theo mùa
> Từ 1-6, giá điện theo cơ chế thị trường

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận theo khía cạnh khác, đây chưa phải là cơ chế thị trường hoàn chỉnh. Ở đây, EVN luôn nói giá điện bán ra bị lỗ, chưa đủ giá thành nhưng giá thành là bao nhiêu, có bao gồm các khoản lỗ trong số tiền hàng nghìn tỷ đồng mà EVN đầu tư ra ngoài ngành hay không thì không được làm rõ. Chi phí quản lý, tỷ lệ thất thoát trong truyền tải điện của EVN thế nào cũng là những vấn đề chưa được làm rõ.

Giá điện tăng giảm cũng là điều bình thường trong cơ chế thị trường, nhưng cần công khai minh bạch các chi phí và cần tiến hành một khảo sát độc lập về giá thành của EVN. Nếu cứ để như hiện nay thì đồng nghĩa với việc áp đặt đơn phương giá thành của ngành điện mà trong đó chắc chắn có nhiều yếu tố không hợp lý. EVN phải giảm những khoản chi phí không hợp lý đó trước khi tính tới việc xin tăng giá bán điện để bù lỗ.

Những khoản lỗ lên tới hàng nghìn tỷ đồng của EVN cũng như khoản tiền tới 5.000 tỷ đồng ngành điện nợ mua điện của Petro Vietnam và 1.600 tỷ đồng nợ của Vinacomin là những khoản nợ có thật. Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường, đây là điều không chấp nhận được.

Câu chuyện lỗ nặng của ngành điện ai cũng biết và có thể thông cảm nhưng việc ứng xử của ngành điện cũng cần xem lại. Còn nhớ năm 2008, EVN đã gây choáng cho không chỉ các nhà quản lý mà cả toàn bộ người tiêu dùng điện sửng sốt khi xin trích thưởng tới 1.002 tỷ đồng.

Lý lẽ của EVN đưa ra khi đó là căn cứ vào tổng lợi nhuận năm 2007 của EVN và các đơn vị thành viên do EVN giữ 100% vốn sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 28%, trích quỹ dự phòng tài chính... làm ăn có lãi nên đơn vị xin trích 3 tháng lương bình quân thực hiện để làm quỹ khen thưởng phúc lợi.

Nếu bắt người tiêu dùng gánh chịu tất cả những khoản chi phí không hợp lý của EVN là quá phi lý. Phải có sự công khai minh bạch, giám sát độc lập trong hoạt động của EVN. Điều này là vì lợi ích của nền kinh tế và của chính EVN.

Nếu cứ cho EVN đầu tư ra ngoài ngành tại các lĩnh vực không có thế mạnh như ngân hàng, bất động sản, viễn thông… thì tình trạng mù mờ về giá thành và mọi chi phí bất hợp lý của ngành điện người tiêu dùng vẫn sẽ phải gánh chịu.

TS Lê Đăng Doanh
Thục Quyên ghi

Theo Báo giấy