Trả dự thảo pháp lệnh để bảo đảm tính hợp hiến

TP - Ngày 14/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quyết định trả dự án Pháp lệnh xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án để cơ quan soạn thảo là Tòa án Nhân dân Tối cao chuẩn bị lại, do chất lượng không đạt yêu cầu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tại phiên họp. Ảnh: Phương Hoa

Cơ quan thẩm tra pháp lệnh là Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng “Dự thảo có nhiều điều khoản trùng lặp”; chưa phù hợp với các quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành. 

“Dự thảo Pháp lệnh trình Thường vụ lần này không có nội dung nào mới so với bản dự thảo cũ đã được thẩm tra tại phiên họp toàn thể của Ủy ban 6 tháng trước. TAND tối cao cũng không có báo cáo giải trình lý do giữ nguyên dự thảo Pháp lệnh đã trình lần đầu” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết.

Đề nghị xem xét trách nhiệm

“Dự thảo từ 6 tháng trước trình lại y nguyên mà không có giải trình gì. Phải xem xét cả người phụ trách việc này đã để tình trạng đến vậy”

Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn

Cũng theo Ủy ban Tư pháp, một số nội dung trong Dự thảo chưa phù hợp với quy định trong Hiến pháp 2013 cũng như chưa đảm bảo tính thống nhất với nhiều bộ luật khác. Hiến pháp 2013 quy định quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật, nhưng một số quy định cụ thể của Dự thảo Pháp lệnh đã hạn chế quyền cơ bản của công dân (như quy định về hành vi bị xử lý, người bị xử lý… mở rộng hơn so với quy định của các đạo luật tố tụng, hạn chế quyền khởi kiện vụ án hành chính của người bị xử phạt…).

Vì vậy, cần được xem xét lại để bảo đảm tính hợp hiến. “Bên cạnh đó, nhiều quy định của dự thảo Pháp lệnh không phù hợp, trái các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật tố tụng hành chính, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Phá sản, Luật Thi hành án dân sự, Luật Báo chí, Luật Khiếu nại” – ông Hiện cho hay.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng đã nhiều lần được đốc thúc nhưng cơ quan soạn thảo là TAND tối cao vẫn quá chậm trễ, cần rút kinh nghiệm.

Các Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Tòng Thị Phóng, Uông Chu Lưu tỏ ra không hài lòng với cơ quan soạn thảo trình pháp lệnh lần thứ hai vẫn sao y bản cũ đã được yêu cầu chỉnh sửa và cho rằng cần xem xét trách nhiệm việc này. “Dự thảo từ 6 tháng trước trình lại y nguyên mà không có giải trình gì. Phải xem xét cả người phụ trách việc này đã để tình trạng đến vậy” - Ông Sơn nói.

Làm thay đổi bản chất

Tại báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết “Nghị quyết số 23/2012/QH13 ngày 12/6/2012 của Quốc hội giao UBTVQH ban hành Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân. Với tên gọi như vậy, Quốc hội đã xác định rõ mục đích, yêu cầu của việc ban hành Pháp lệnh này là xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân. 

Cơ quan chủ trì soạn thảo sửa lại tên Pháp lệnh là “Pháp lệnh xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án”. Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc sửa lại tên Pháp lệnh đã làm thay đổi bản chất hành vi bị xử lý...”.

Do hạn chế cơ bản nêu trên, UBTVQH quyết định trả lại dự thảo để cơ quan soạn thảo chuẩn bị lại.