TPHCM sẽ có phố ...nhạy cảm
> Khó xử phạt uống rượu bia tại quán karaoke
> Uống rượu tại phòng karaoke, phạt 3 triệu đồng
> Đề xuất thí điểm lập ‘khu đèn đỏ’ ở Việt Nam
Ông Vũ Trọng Nam, Phó giám đốc Sở VH-TT&DL TP.HCM, cho biết như vậy về định hướng quy hoạch loại hình kinh doanh được xem là nhạy cảm này tại TPHCM.
Ông Vũ Trọng Nam nói: “Ngày 25-4-2012, UBND TP ra chỉ thị số 13 về tăng cường quản lý đối với các cơ sở kinh doanh phát sinh tệ nạn xã hội của TP. Trong đó, Sở VH-TT&DL được giao quy hoạch karaoke và vũ trường đến năm 2020, tầm nhìn 2025".
"Với loại hình kinh doanh karaoke, từ trước đến nay chỉ mới quy hoạch trên số lượng, nằm rải rác phân bổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, theo điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp và các quy định về địa điểm kinh doanh karaoke của Nhà nước".
"Lộ trình từ năm 2015-2020, dự kiến từng quận huyện sẽ có những khu vực riêng để kinh doanh karaoke. Đối với vũ trường, dự kiến sẽ đưa vào các khách sạn, trung tâm văn hóa để hoạt động”.
Giấy phép kinh doanh karaoke có thời hạn 2 năm
Việc quy định khu vực như vậy có gì bất tiện cho người dân khi sử dụng dịch vụ này?
Chúng tôi luôn xác định nhu cầu của người dân về karaoke, vũ trường là có, và việc quy hoạch kinh doanh karaoke trước tiên phải dựa trên nhu cầu người dân của từng quận huyện.
Mỗi quận huyện sẽ có số lượng, vị trí khác nhau để kinh doanh karaoke, dựa trên nhu cầu của cư dân từng khu vực chứ không phải nơi nào cũng giống nhau.
Căn cứ trên nhu cầu đó sẽ quy hoạch sao cho mang tính khoa học và phục vụ xã hội, đồng thời chấn chỉnh, không gây ra các tệ nạn xã hội xoay quanh hoạt động này.
Khi đưa ra ý tưởng này thì đa số các quận huyện đều ủng hộ. Ví dụ đường Sư Vạn Hạnh nối dài hiện nay karaoke rất nhiều, do các cơ sở kinh doanh tự thấy “buôn có bạn, bán có phường” quần tụ lại.
Và thực tiễn chứng minh “phố karaoke” Sư Vạn Hạnh hoạt động rất sôi động, chính quyền quận 10 cũng quản lý phố karaoke này rất dễ dàng. Đây là một mô hình mà chúng tôi đang hướng tới, dễ quản lý, chống được tệ nạn xã hội.
Sau nhiều năm ngừng cấp phép kinh doanh karaoke, vũ trường, UBND TP đã có chủ trương cấp phép mới hai loại hình kinh doanh này. Việc cấp phép sẽ tiến hành ra sao thưa ông?
Hiện nay, các quận huyện đã nhận hồ sơ đăng ký cấp mới, giấy phép kinh doanh karaoke có thời hạn trong vòng hai năm.
Trong quý 1-2013, Sở VH-TT&DL sẽ rà soát, đề xuất lên UBND TP số lượng cấp phép mới kinh doanh karaoke và vũ trường của từng quận huyện. Việc cấp mới này có khống chế số lượng, theo nhu cầu thực tế và quy hoạch của từng quận huyện.
Sau khi UBND TP quyết định số lượng, vị trí các tuyến đường, khu vực được kinh doanh karaoke cho từng quận huyện, Sở VH-TT&DL sẽ dựa trên quyết định đó để cấp phép kinh doanh karaoke, vũ trường cho từng cơ sở xin cấp phép.
Nhà Bè, Bình Quới được nhắm làm khu quy hoạch ngành nghề nhạy cảm
Trao đổi về chuyện TP.HCM đề xuất quy hoạch vùng hoạt động kinh doanh ngành nghề nhạy cảm, ông Lê Văn Quý - chi cục phó thường trực Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM - khẳng định đó mới chỉ là suy nghĩ của cơ quan tham mưu. Khi được trung ương cho phép, TP mới thành lập đề án cụ thể.
Thưa ông, dựa trên cơ sở nào mà TP.HCM đề xuất quy hoạch vùng ngành nghề nhạy cảm?
Hiện nay, Luật xử lý vi phạm hành chính và nghị quyết 24 của Quốc hội đã có những hướng mở: người hoạt động mại dâm không bị đưa vào cơ sở chữa bệnh, không áp dụng quản lý giáo dục tại phường xã, thị trấn. Nếu không quản lý giáo dục mà để họ hoạt động tràn lan ngoài cộng đồng thì sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ như lan truyền HIV/AIDS, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.
Đó là chưa kể hiện nay nhiều người hoạt động mại dâm bị xử lý rồi, phạt hành chính nhưng họ nói không có tiền đóng phạt thì cũng không có cách nào xử lý. Điều này khiến hoạt động mại dâm có chiều hướng công khai và ngày một gia tăng.
Đề xuất này dựa trên việc tham khảo mô hình ở một số nước như Thái Lan, Singapore. Tuy nhiên đối với VN, chúng ta vẫn còn coi trọng đạo đức, thuần phong mỹ tục nên không thể lập “khu đèn đỏ” như các nước. Nếu nói khu quy hoạch này là “khu đèn đỏ” thì vô hình trung đã thừa nhận mại dâm là một ngành nghề hợp pháp. Hiện tại, VN vẫn không công nhận mại dâm là nghề hợp pháp, thậm chí không thể coi đó là một nghề. Tôi khẳng định TP.HCM không đề xuất thành lập “khu đèn đỏ”.
Nếu đề xuất được chấp thuận, TP dự định sẽ quy hoạch khu vực kinh doanh ngành nghề nhạy cảm ở đâu?
Theo quan điểm của cơ quan tham mưu thì có thể chọn khu vực huyện Nhà Bè hoặc khu Bình Quới - Thanh Đa ở Bình Thạnh vì đó là những nơi tương đối tách biệt. Nếu TP giao cho các ngành chức năng lập đề án thì sẽ xây dựng theo hướng đó.
Theo ông, đề án này có khả thi hay không nếu gom tất cả ngành nghề nhạy cảm về một chỗ?
Hiện nay, dưới góc độ cơ quan tham mưu, chúng tôi chỉ tham mưu TP xin chủ trương của trung ương để làm thí điểm. Trên cơ sở kết quả thí điểm mới tính đến chuyện có tiếp tục làm hay không. Khi xã hội phát triển thì nhu cầu hưởng thụ văn hóa, giải trí là chuyện bình thường. Giờ phút này chưa thể nói là khả thi hay không và khả thi đến mức độ nào thì chưa kết luận được. Tuy nhiên, khi mình tập trung vùng quy hoạch thì sẽ thuận lợi cho việc quản lý hơn.
Như vậy những cơ sở kinh doanh ngành nghề nhạy cảm đang tồn tại sẽ phải di dời vào vùng quy hoạch hoặc đóng cửa?
Đúng là chuyện này phải có chủ trương, sau đó phải bàn tính thật cụ thể. Bản thân tôi thấy cũng khó chứ không phải dễ. Chẳng hạn như người ta đang kinh doanh karaoke, matxa, khách sạn từ hồi nào tới giờ, bây giờ nói chuyển thì chuyển đi đâu, chuyển làm sao?
Tôi cho rằng quy hoạch vùng là mang tính chất định hướng để những doanh nghiệp muốn kinh doanh các dịch vụ đó thì có hướng đầu tư vào khu vực đã được chỉ định. Còn những nơi nào đã hoạt động thì vẫn cứ hoạt động kinh doanh bình thường theo đúng quy định pháp luật, đúng chức năng đã ghi trong giấy phép kinh doanh.
Ngoài ra, tiếp viên làm trong vùng quy hoạch phải có hợp đồng lao động, mức lương cụ thể, tham gia bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội, khám sức khỏe định kỳ. Trong vùng quy hoạch, nếu phát hiện hoạt động mại dâm thì vẫn xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Tuổi Trẻ