Ngày 2/7, Sở Y tế TPHCM có văn bản khẩn gửi đến các đơn vị điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trực thuộc về việc tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19.
Theo Sở Y tế TPHCM, thực tế đã có trường hợp người bệnh COVID-19 tiến triển rất nhanh dẫn đến suy hô hấp và tử vong. Do đó, khi chuyển tuyến, các bệnh viện cần theo dõi sát tình trạng hô hấp của người bệnh dựa vào triệu chứng lâm sàng và SpO2 để kịp thời sơ cứu trên đường chuyển.
Đồng thời, cần cho người bệnh COVID-19 thở oxy qua cannula mũi trên đường chuyển tuyến nếu người bệnh có triệu chứng hoặc không có triệu chứng nhưng có tổn thương phổi (trên phim X-quang).
Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện được phân công chuyên tiếp nhận điều trị COVID-19 (trực thuộc Sở Y tế) chủ động liên hệ với các chuyên gia hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để hội chẩn các trường hợp COVID-19 nặng đang được điều trị tại các đơn vị; chủ động liên hệ các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của thành phố để hội chần các trường hợp có bệnh lý kèm theo và cần can thiệp chuyên khoa (khi cận); chủ động tham gia và trình bệnh án với nhóm chuyên gia điều trị COVID-19 các trường hợp diễn biến nặng.
Đồng thời, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới kết nối các bệnh viện được phân công tiếp nhận điều trị COVID-19 tham gia vào nhóm chuyên gia điều trị COVID-19 của thành phố để trao đổi chuyên môn và thống nhất hướng xử trí đối với các trường hợp nặng, kịp thời báo cáo Sở Y tế những bệnh viện không nghiêm túc tham gia.
Sở Y tế TPHCM yêu cầu các bệnh viện trực thuộc thực hiện nghiêm hướng dẫn về điều trị và dự phòng rối loạn đông máu của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do chủng vi rút Corona mới (SARS-CoV-2), cần tiến hành xét nghiệm D-Dimer, Fibrinogen... và dựa vào lâm sàng để phân tầng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch và điều trị theo hướng dẫn.
Đối với các trường hợp bệnh viện không có khả năng làm xét nghiệm về đông máu, trường hợp người bệnh COVID-19 có tổn thương phổi (trên phim X-quang) cần được chỉ định Enoxaparin liều dự phòng: Lovenox 40mg/0.4ml 1 ống tiêm dưới da mỗi 24 giờ. Đối với người bệnh lớn tuổi (>70 tuổi) có thể cân nhắc giảm liều còn 3/4 ống (30mg) mỗi ngày. Trường hợp người bệnh thừa cân (>60kg) có thể cân nhắc tăng liều đến 1,5 ống (60mg) mỗi ngày.