Khắp nơi ngập
Dù mới bắt đầu vào mùa triều cường, nhưng thời gian qua, gia đình ông Nguyễn Văn Bá, sinh sống tại hẻm 67 đường Trần Xuân Soạn (phường Tân Thuận Tây, quận 7) thường xuyên phải sống chung với ngập. Chia sẻ với PV, ông Bá cho biết, nền đất khu vực đường Trần Xuân Soạn thấp, hằng năm cứ từ đầu tháng 8 đến tháng 10, tháng 11 âm lịch hầu như khu vực này đều bị ngập bởi các kỳ triều cường vào đầu và giữa tháng.
“Mỗi kỳ triều cường kéo dài khoảng vài ba ngày, vào sáng sớm và chiều tối. Khu vực này cách cống ngăn triều Tân Thuận không xa nhưng dự án làm cống ngăn triều chưa hoàn thành nên chưa thể đóng cống để ngăn triều cường. Nước ngập nên nhiều hộ dân trên đường phải lắp các tấm chắn để ngăn nước và rác tràn vào nhà. Chúng tôi đang rất mong công trình cống ngăn triều sớm hoàn thành để không còn cảnh lội nước triền miên như bây giờ”- ông Bá nói.
Khu vực quanh chợ khu phố 2, trên đường Hồ Học Lãm (phường An Lạc, quận Bình Tân) cũng thường xuyên bị ngập úng sau mưa lớn kết hợp với triều cường. Bà Nguyễn Thị Hường (tiểu thương chợ khu phố 2) cho biết, sau khi đường Hồ Ngọc Lãm được nâng nền chống ngập, mỗi khi mưa xuống nước từ tuyến đường này lại tràn vào chợ và nhiều con hẻm lân cận.
Bên cạnh đó, khu vực này là vùng trũng, thấp, khi có triều cường kết hợp với mưa, nước sẽ thoát rất chậm, đôi khi một trận mưa lớn có thể ngập kéo dài suốt vài ngày sau đó.
“Chỉ riêng trong tháng 9 và tháng 10, khu vực chợ đã có hàng chục ngày bị ngập úng. Mưa lớn kết hợp với triều cường có khi ngập sâu đến hơn đầu gối. Khách cũng ngại vào chợ mua sắm vì lo ngại xe bị chết máy, tình hình buôn bán cũng bị ảnh hưởng rất nhiều”- bà Hường than vãn.
Chiều 23/10, khu vực quận Bình Tân có mưa rất lớn kéo dài suốt nhiều giờ. Sau cơn mưa dông, trụ sở UBND quận trên đường Kinh Dương Vương (phường An Lạc), hầm chui Tân Tạo trên quốc lộ 1 (phường Tân Tạo) cùng nhiều tuyến đường khác bị ngập úng. Đường Sinco (phường Bình Trị Đông B) trở thành “rốn ngập” của quận Bình Tân và hai ngày sau mưa, nước vẫn chưa rút hết.
“Mỗi khi triều cường và mưa lớn, đoạn đường này trước đây vẫn thường xuyên bị. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, khu vực này cứ mưa lớn kết hợp triều cường là ngập rất lâu. Nước tràn vào nhà gây hư hỏng đồ đạc, vật dụng và ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt cũng như việc kinh doanh, buôn bán của người dân” - ông Trần Văn Tường (ngụ đường Sinco, phường Bình Trị Đông B) cho biết.
Chờ cống ngăn triều
Ông Nguyễn Minh Nhựt - Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết, chiều 23/10, mưa lớn kéo dài suốt 3 giờ kết hợp triều cường nên đã gây ngập nhiều khu vực thuộc vùng trũng, thấp của quận. Riêng tại trụ sở UBND quận do ở khu vực trũng thấp nên khi mưa lớn kết hợp triều cường cũng bị ngập.
Theo ông Nhựt, khu vực quận có cao độ thấp, không đồng đều, cao ở phía Bắc như khu vực phường Bình Hưng Hòa (cao độ 2,5-4m), còn khu vực phường Bình Trị Đông B, An Lạc, Tân Tạo, Tân Tạo A… lại có cao độ rất thấp (0,6m - 1,8m), trung bình cao độ ở quận Bình Tân khoảng 0,9m.
Trong khi đó, hiện nay mực nước triều cường cao nhất là khoảng 1,7m. Vì vậy, khi mưa lớn kết hợp triều cường sẽ gây ngập trên diện rộng.
Theo ông Nhựt, quận hiện có nhiều khu vực cao độ thấp nên không thể nâng nền lên toàn bộ để chống ngập. Giải pháp hiện nay là trạm bơm ở khu vực rạch Bà Tiếng khi có triều cường sẽ bơm nước ra.
Tuy nhiên, trong đợt mưa kết hợp triều cường chiều 23/10, việc thoát nước ở rạch Bà Tiếng lại không hiệu quả nhiều. Nguyên nhân là do công trình cải tạo tuyến rạch này đang thi công, dòng chảy chưa phát huy tối đa.
Ông Nhựt cho biết, quận đang đầu tư cải tạo kênh Hãng Giấy, kênh Liên khu 3-4 ở khu vực phường An Lạc và chuẩn bị thực hiện dự án cải tạo rạch Ông Búp cho khu vực phường Bình Trị Đông.
Bên cạnh đó, công trình cải tạo rạch Bà Tiếng cũng đang được thi công. Khi hoàn thành, các công trình này sẽ giúp giảm ngập cho khu vực. Tuy nhiên, quận Bình Tân có địa hình thấp. “Hiện các giải pháp chỉ ở mức giảm ngập, còn để giải quyết căn cơ, dứt điểm thì khi dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên hoàn thành và có cống ngăn triều thì tình trạng ngập mới được giải quyết”, ông Nhựt nói.
Bức xúc dự án chống ngập “đắp chiếu”
Tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 10/10, nhiều cử tri bức xúc về tình trạng mưa lớn, triều cường gây ngập úng nặng trên diện rộng, trong khi dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng “đắp chiếu” từ nhiều năm qua. Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, dự án này gặp nhiều vướng mắc, thành phố đã tập trung nhiều công sức để tháo gỡ.
Tuy nhiên, dự án phải dừng sau một thời gian khởi động trở lại, do nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính. Đến nay khối lượng chung của dự án đã hoàn thành trên 90%, chỉ còn lại khoảng 10% và cần khoảng 1.800 tỷ đồng để hoàn thành công việc còn lại. Giải pháp hiện nay là thành phố đề xuất Chính phủ cho phép có cơ chế thanh toán sớm hoặc có cơ chế về tài chính từ thành phố để nhà đầu tư hoàn thành dự án.
Ông Mãi cho biết, năm 2023, ngân sách Trung ương và TPHCM dành cho đầu tư công là 68.000 tỷ đồng và ngân sách thành phố đã dành 5.700 tỷ đồng để trả nợ cho dự án này nhưng chưa có điều kiện trả vì dự án chưa hoàn thành. Do đó, thành phố đang xin Thủ tướng Chính phủ cơ chế về việc này.
“Nếu được phép, chúng ta sử dụng một phần trong 5.700 tỷ đồng, gắn với khối lượng mà nhà đầu tư đã kiểm toán (khoảng trên 3.200 tỷ đồng) thì hoặc là cho vay, hoặc thanh toán sớm với một khoản tiền đủ cho nhà đầu tư hoàn thành dự án; sau đó kiểm toán, nghiệm thu, thanh toán theo hợp đồng” - ông Mãi nói.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, mực nước tại các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai đang lên kỳ triều cường Rằm tháng Chín âm lịch (cuối tháng 10) và ở mức cao. Dự báo đỉnh triều cường đợt này có khả năng xuất hiện vào ngày 29-31/10 (tức 15-17 tháng Chín âm lịch). Thời gian xuất hiện đỉnh triều từ 4-6h và 17-19h. Mức độ rủi ro thiên tai do triều cường khu vực hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai ở cấp độ 2. “Đây là đợt triều cường cao trong năm, cần đề phòng ngập úng ở những vùng trũng thấp và ven sông” - Đài Khí tượng Thủy văn Nam bộ cho biết.