Ông Nguyễn Đức Hà nói: Sau thời gian dài thực hiện công cuộc đổi mới, bên cạnh những thành tựu to lớn, thì mặt trái của cơ chế thị trường, mặt trái của mở cửa, hội nhập cũng tác động không nhỏ đến tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên - đó là tình trạng suy thoái về đạo đức, tư tưởng và tệ nạn tham nhũng, lãng phí.
Tình trạng đó diễn ra ngày càng nghiêm trọng, được xác định là “giặc nội xâm”, làm giảm niềm tin của dân đối với Đảng và có nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của chế độ.
Là người đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, Tổng Bí thư luôn trăn trở, suy nghĩ để làm sao Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết và có lòng tin bền vững trong lòng nhân dân. Muốn thế, thì phải giải quyết những vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.
Vậy nên, sau khi được bầu làm Tổng Bí thư (tháng 1/2011), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm đến vấn đề này - và đó cũng là lý do dẫn đến việc ra đời Nghị quyết số 12-NQ/TW - Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI): Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.
Trong quá trình soạn thảo dự thảo Nghị quyết Trung ương 4, Trợ lý của Tổng Bí thư có gọi điện nói với tôi rằng, Tổng Bí thư muốn một số người làm công tác xây dựng Đảng viết về vấn đề này. Quan điểm được Trợ lý Tổng Bí thư truyền lại là, Tổng Bí thư muốn mọi người viết thật, nói thật về suy nghĩ của mình đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay, cái gì là bức xúc nhất, đâu là vấn đề cần làm nhất; nguyên nhân từ đâu, giải quyết thế nào? Sau nhiều ngày thực hiện, tôi đã có báo cáo 12 trang gửi cho Tổng Bí thư nêu thật suy nghĩ của mình.
Có thể nói, ở thời điểm đó có rất nhiều vấn đề cấp bách đặt ra trong công tác xây dựng Đảng. Tuy nhiên, nếu Nghị quyết Trung ương mà đưa quá nhiều vấn đề để cùng làm một lúc thì khó đạt được kết quả. Cho nên, khi phát biểu khai mạc tại Hội nghị Trung ương 4, Tổng Bí thư nhấn mạnh, tập trung vào 3 vấn đề “đang thực sự cấp bách, cần làm ngay”. Trong 3 vấn đề đó, Tổng Bí thư cũng đặt vấn đề phải ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất?
Với sự đồng thuận cao, tháng 1/2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW - Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI): Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, trong đó nhấn mạnh đến tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của lãnh đạo cấp trên.
Vậy làm sao mà tự phê bình và phê bình lại được coi là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách cần làm ngay ở thời điểm đó? Trước hết phải nói rằng, tự phê bình và phê bình, chúng ta vẫn thực hiện nhưng còn hình thức, qua loa. Do đó, lần này quyết tâm phải “hâm nóng” trở lại. Điều này tưởng đơn giản nhưng thực ra rất sâu sắc về lý luận và thực tiễn. Bởi qua kiểm điểm, tự phê bình và phê bình một cách thực chất sẽ giúp mỗi cán bộ, đảng viên tự soi lại bản thân mình. Nói đúng hơn, đây là giai đoạn “cầm cờ”, giai đoạn “nhóm lò”, khởi động cho một quá trình xây dựng chỉnh đốn Đảng quyết liệt, nghiêm minh về sau.
+ Vậy quá trình kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 thời đó được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Thời điểm đó, tôi được phân công là thành viên tổ giúp việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Trước khi Nghị quyết Trung ương 4 ban hành, cũng có ý kiến băn khoăn lo lắng là liệu nghị quyết lần này có tổ chức thực hiện hiệu quả hay không hay lại rơi vào tình trạng không đạt yêu cầu như nhiều lần trước?
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đau đáu suy nghĩ về công tác xây dựng Đảng. Đồng chí là Giáo sư, Tiến sĩ chính trị học chuyên ngành xây dựng Đảng, từng viết bài về xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ những năm 1970 – 1980 ở Tạp chí Cộng sản. Cả cuộc đời của đồng chí Nguyễn Phú Trọng là làm công tác xây dựng Đảng, lo cho Đảng. Đến lúc trút hơi thở cuối cùng cũng vẫn đau đáu, trăn trở về công tác xây dựng Đảng”.
Ông Nguyễn Đức Hà
Để khắc phục tình trạng đó, lần này việc kiểm điểm, phê bình được Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quán triệt là phải thực hiện nghiêm minh, không có chuyện chớt chát, “tắm từ vai trở xuống”, mà “tắm từ đầu trở xuống”. Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiểm điểm trước. Từng đồng chí tự làm bản tự kiểm điểm của mình rồi lấy ý kiến của các cấp ủy, các tổ chức đảng, các cán bộ lão thành góp ý.
Quá trình chuẩn bị báo cáo kiểm điểm thực chất cũng giúp mỗi người tự kiểm điểm, tự soi lại, tự điều chỉnh. Đến khi kiểm điểm lại là cơ hội để nhìn lại mình rõ hơn, thực chất hơn, từ đó điều chỉnh những việc làm của mình cho phù hợp hơn.
Tiếp tục xây nền móng vững chắc cho Đảng
+ Để Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của nhân dân, ngoài giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt thì những vấn đề căn cơ, có tính gốc rễ được Tổng Bí thư chỉ đạo, đề ra như thế nào, thưa ông?
- Trong công tác xây dựng Đảng, ngoài những vấn đề mang tính cấp bách, cần thực hiện ngay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm đến những vấn đề gốc rễ trong công tác xây dựng Đảng - tức là ban hành các quy định của Đảng về nội dung này.
Vậy nên, trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, ngoài những vấn đề như kiểm điểm, tự phê bình và phê bình thì cũng đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ có tính chất căn bản, lâu dài, như: Lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Xét xử nghiêm những vụ án tham nhũng, trước hết là những vụ nghiêm trọng, phức tạp, được nhân dân quan tâm...
Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 4 cũng yêu cầu bổ sung, sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng; Kiện toàn và tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan phòng, chống tham nhũng.
Từ nghị quyết trên, Trung ương đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (nay là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực) trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm trưởng ban.
Như vậy, có thể nói đây chính là lý luận và thực tiễn, giúp công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng hiệu quả, nghiêm minh hơn, thực sự không còn vùng cấm, không có ngoại lệ như hiện nay.
Rồi từ Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, chúng ta có Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, rồi hàng loạt các nghị quyết, quy định, quy chế, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư bao trùm nhiều lĩnh vực, trong đó trọng tâm là công tác xây dựng Đảng.
Ví dụ, như trước đây, nhân dân rất bức xúc trước tình trạng chạy chức, chạy quyền, nhưng sau khi Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống “chạy chức, chạy quyền”, rõ ràng tình trạng này đã giảm hẳn. Hay như vấn đề nêu gương, vấn đề từ chức, hàng chục năm trước đã đề cập nhưng có mấy ai thực hiện. Nhưng khi Bộ Chính trị ban hành Quy định số 41-QĐ/TW thì việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ đã trở nên nhẹ nhàng hơn, nhiều trường hợp được thực hiện.
Đặc biệt, Tổng Bí thư nhiều lần nói: “Tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng”; “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. Đây không chỉ là thông điệp, mệnh lệnh trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà còn là cơ chế làm việc của hệ thống chính trị trong đường lối phát triển của đất nước. Có nghĩa, khi Đảng đề ra đường lối, chủ trương thì Quốc hội phải thể chế ra bằng pháp luật, Chính phủ thể chế ra bằng chương trình hành động; các cơ quan thể chế theo chức năng nhiệm vụ của mình, tất cả cùng vào cuộc!
Ví dụ, như công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trước đây chỉ Đảng làm, Trung ương làm nên mọi người thường nói “trên nóng, dưới lạnh”. Tuy nhiên, những năm gần đây, cả hệ thống làm, “trên nóng, dưới cũng nóng theo”, cuối cùng trở thành một xu thế mà không ai có thể đảo ngược được.
Như vậy, có thể nói, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lý luận và cũng rất thực tiễn, luôn hành động quyết liệt vì lợi ích của người dân.
Cảm ơn ông!