Tôi sẽ không ngồi nhầm vai

TP - Ngay sau khi bế mạc kỳ họp thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các Phó Chủ tịch Quốc hội đã chủ trì buổi họp báo và trả lời câu hỏi của phóng viên.
Chủ tịch Quốc hội: “Tôi có nhiều thuận lợi...”

> Bế mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII

Chủ tịch Quốc hội: “Tôi có nhiều thuận lợi...”.
 

Phát biểu tại buổi họp báo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, tại kỳ họp này, việc giới thiệu, thảo luận và bầu nhân sự cấp cao rất dân chủ, thận trọng, xem xét nhiều mặt. Quốc hội đã thảo luận dân chủ, giải trình thấu đáo, bỏ phiếu đúng luật. Số phiếu của các đại biểu Quốc hội đối với những đồng chí trúng cử đều rất tập trung.

Đặc biệt, 100% các đại biểu có mặt đã tán thành nghị quyết về việc phê chuẩn nhân sự các Phó Thủ tướng, các bộ trưởng và thành viên Chính phủ khác. Quốc hội tin tưởng giao nhiệm vụ và đòi hỏi các đồng chí đó rất cao. “Bỏ phiếu cao để động viên các đồng chí phấn khởi mà cố gắng trong nhiệm vụ sắp tới, chứ không phải đã trọn vẹn thế”- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.

Vừa chuyển từ vị trí Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ sang Chủ tịch QH, xin hỏi những thuận lợi, khó khăn trên cương vị mới của Chủ tịch là gì?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước ta là theo yêu cầu và theo phân công của tổ chức. Căn cứ năng lực, phẩm chất, tiêu chuẩn để tiến hành phân công và bầu cử. Tôi đã được phân công và được bầu làm Chủ tịch Quốc hội.

Tất nhiên, đang làm Chính phủ mà sang Quốc hội thì cũng có thuận lợi. Đại biểu Dương Trung Quốc cũng đã phân tích khía cạnh thuận lợi (phát biểu khi thảo luận tình hình kinh tế-xã hội- PV). Vì một đại biểu đã gắn với cuộc sống khi sang làm bên Quốc hội sẽ thuận lợi hơn.

Chỉ có một cái khó là khi làm thủ trưởng thì khác, mình nói rồi quyết. Nhưng sang hoạt động bên Quốc hội thì không như thế. Tôi cũng đã nói trước với các đồng chí trong Thường vụ Quốc hội là mong các đồng chí thông cảm, có thể trong tác phong của tôi cũng sẽ có lúc như thế. Nhưng tôi sẽ tập dần và sẽ không ngồi nhầm vai. Nếu sang đây mà mình quyết như chế độ thủ trưởng thì mới ngồi nhầm vai.

Trước đây tôi từng làm Bộ trưởng Tài chính, tức là làm thủ trưởng. Rồi sang làm Phó Thủ tướng, là người giúp việc. Hai vị trí công việc này cũng khác nhau lắm. Và tôi vẫn ngồi đúng vai.

Còn bây giờ, chuyển từ Chính phủ sang Quốc hội tức là chuyển từ chế độ thủ trưởng sang chế độ hội nghị. Chế độ hội nghị là thảo luận dân chủ, tập trung và quyết theo đa số. Tôi sẽ cố gắng để làm tốt hơn.

Điều hành Quốc hội suốt 14 ngày vừa qua tôi thấy đã làm tốt việc này. Mỗi việc Chủ tịch Quốc hội đưa ra đều được Quốc hội bỏ phiếu cao, tôi nghĩ mình đã làm tốt vai trò.

Chủ tịch nhận định như thế nào về cơ hội cũng như thách thức trong việc đổi mới của Quốc hội?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Cuộc sống đặt ra yêu cầu phải đổi mới. Thuận lợi là sự kế thừa, khoá XII tổng kết không phải chỉ một khóa mà là nhìn lại 12 khóa. Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII tiến hành nhiều chuyên đề gần như có sản phẩm. Quốc hội lần này có trình độ học vấn cao, có 1/3 đại biểu chuyên trách. Nếu chúng ta nắm bắt được thuận lợi thì sẽ trở thành cơ hội.

Mỗi nhiệm kỳ có nhiệm vụ riêng, nhưng tựu trung là sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước phải tiếp tục được đẩy mạnh.

Đổi mới hoạt động của Quốc hội không phải đổi mới chức năng, nhiệm vụ mà là đổi mới cách làm để hoạt động hiệu quả hơn, chất lượng hơn. Khi đó, Quốc hội sẽ phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp đổi mới. Muốn làm phải có bài bản, chứ không phải nói mà làm được ngay.

Tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp quyết định chủ trương để đổi mới. Từ ý tưởng phải lập ban công tác, sau đó Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết. Nếu cuối năm nay có được nghị quyết thì rất hay, dù đổi mới được ít hay nhiều thì sẽ để lại kinh nghiệm cho khóa sau.

Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội tình hình biển Đông. Vậy Quốc hội có yêu cầu gì với Chính phủ về bảo vệ chủ quyền quốc gia trong bối cảnh hiện nay?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Về vấn đề biển Đông, quan điểm của chúng ta là mong muốn hòa bình, hợp tác, hữu nghị, độc lập, dân chủ, gìn giữ hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Chúng ta nhất quán quan điểm về chủ quyền và quyền chủ quyền phù hợp với thực tế lịch sử và pháp luật quốc tế, những cam kết quốc tế. Đó là Công ước Luật Biển 1982. Chúng ta đấu tranh để bảo vệ chủ quyền, và làm hết sức vì hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới.

Đường lối đối ngoại nhất quán của Đảng ta là đoàn kết với các quốc gia, muốn làm bạn với toàn thế giới. Chúng ta đã xây dựng đối tác chiến lược với nhiều nước và mong muốn hòa bình, hữu nghị, hợp tác. Còn nếu ai gây chiến tranh thì chúng ta cũng biết chiến tranh, bởi Việt Nam từng trải qua chiến tranh. Nhưng nhất quyết chúng ta không mong muốn điều này.

Chúng ta với Trung Quốc là quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đoàn kết. Chúng ta đã giải quyết tốt đẹp biên giới đất liền. Ở biển Đông cần tiếp tục thảo luận theo nguyên tắc chung của khu vực và thế giới.

Lần đầu tiên một nhà hành pháp trở thành nhà lập pháp

Tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIII này, chúng ta được chứng kiến một hiện tượng hy hữu trong lịch sử Quốc hội, một vị Phó Thủ tướng thường trực trình bày bản báo cáo của Chính phủ ở đầu kỳ họp lại trở thành Chủ tịch Quốc hội chủ trì giám sát ngay chính bản báo cáo của mình.

Lần đầu tiên có một nhà hành pháp lại trở thành nhà lập pháp và hơn thế nữa chúng ta cũng chứng kiến nhiều thành viên của Chính phủ hóa thân vào Quốc hội. Tôi muốn nhìn nhận mặt tích cực của hiện tượng này. Chủ tịch Quốc hội biết được tất cả những chỗ mạnh, chỗ yếu của Chính phủ. Tôi và của nhiều cử tri hy vọng Chủ tịch Quốc hội sẽ thực thi trách nhiệm cùng Quốc hội giám sát Chính phủ chặt chẽ hơn.

Ngọc Tiến (ghi)

Theo Báo giấy