Tội phạm phức tạp, giải pháp 'sơ sài'?

TP - Thảo luận về báo cáo của Chính phủ, của các cơ quan tư pháp (ngày 13/11), nhiều đại biểu băn khoăn trước thực trạng “hệ thống cơ quan hành pháp, tư pháp hùng hậu nhưng dân vẫn bất an trước tội phạm”. Có đại biểu nêu, trong khi dân bỏ một bao cát trong hẻm, đổi 100 USD ở tiệm vàng cơ quan chức năng cũng phát hiện ra nhưng không hiểu sao biệt phủ, biệt thự xây trái phép vẫn nhan nhản mọc lên...
Biệt phủ xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ở tỉnh Kon Tum. Ảnh: PV

Bất an trước tội phạm(?)

ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng tội phạm vẫn diễn biến phức tạp. Trong khi hệ thống các cơ quan hành pháp, tư pháp “rất hùng hậu”, từ Trung ương đến địa phương, cả một hệ thống gần 200 luật và bộ luật nhưng “người dân vẫn cảm thấy bất an trước tội phạm”.

“Việc một cô giáo ở Sài Gòn phải viết đơn gửi “các anh xã hội đen” xin tha cho gia đình để chị được yên ổn dạy học là một câu chuyện buồn”, là mảng tối trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Có cử tri hỏi tôi đây có phải minh chứng cho sự bất lực của bộ máy nhà nước trong cuộc chiến này và họ nói sứt mẻ niềm tin vào năng lực và quyết tâm của bộ máy công quyền trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm”, bà Hoa nói.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cũng bày tỏ sự “đáng tiếc”, khi trong lực lượng công an vẫn còn có những người “không xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân”. Thậm chí có những kẻ dám dùng trang phục, bộ quân hàm, nghiệp vụ chuyên môn nhà nước trang bị, để “lội ngược dòng đạo lý”.

Ông Nhưỡng nói, nhiều vụ việc vi phạm pháp luật dù ông đã gửi đơn đến cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được xem xét, xử lý. Điền hình như vụ công dân tố cáo nhóm CSGT Bình Triệu (TPHCM) sử dụng một nhóm côn đồ trấn lột tiền của người tham gia giao thông rõ từng ngày, từng số xe, miêu tả từng tên côn đồ đến nay chưa thấy cơ quan chức năng trả lời. 

Báo cáo của Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, hoạt động “bảo kê vi phạm” diễn ra khá công khai tại các bến xe, chợ đầu mối nhưng không được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý kịp thời, có vụ chỉ được xử lý khi dư luận và báo chí phản ánh. Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em mặc dù đã được các cơ quan điều tra, xử lý nhưng vẫn tiếp tục xảy ra một số vụ án nghiêm trọng. Đặc biệt, theo Ủy ban Tư pháp, dư luận và cử tri cho rằng vẫn còn một số trường hợp có biểu hiện “hành chính hóa” quan hệ hình sự, tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm. Mặc dù Ủy ban Tư pháp đã kiến nghị nhiều năm nhưng đến nay tình trạng này chưa được khắc phục.

“Đừng làm láo nháo, báo cáo hay”

Thực trạng như thế, nhưng theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, trong báo cáo của Chính phủ dài 21 trang, chỉ có 1 trang đề cập hạn chế, nguyên nhân và giải pháp. “Như thế là sơ sài, chưa thỏa đáng. Báo cáo phải làm rõ vì sao nhờn luật, coi thường luật. Trong công tác phòng chống tội phạm phải phân tích làm rõ đâu là vùng trũng, đâu là khâu bế tắc”, bà Hoa nói và cho rằng, trên hết cần có sự cam kết về việc giữ kỷ cương và tinh thần thượng tôn pháp luật ngay chính trong cơ quan đại diện pháp luật. 

Cũng đề cập vấn đề này, ĐB Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) nói, ngay tại kỳ họp này có đại biểu Quốc hội cho rằng, một bao cát bỏ trong hẻm, đổi 100 USD ở tiệm vàng cũng nhìn thấy mà nhà cao tầng, biệt phủ, biệt thự xây trái phép nhan nhản không ai thấy. Vậy cái đó là cái gì? Theo ông Sơn, các cơ quan chức năng hãy lắng nghe lời ca thán của cử tri qua các buổi tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội để từ đó chấn chỉnh và có những giải pháp quyết liệt hơn.

Nhận định nhiều vụ việc gần đây cho thấy cơ quan điều tra chưa quan tâm đến công tác tiếp nhận tin báo tội phạm của người dân, ĐB Lưu Bình Nhưỡng mong muốn có một cuộc cách mạng thực sự, để lực lượng điều tra - những người giữ cửa công tác tố tụng nước nhà trong sạch hơn, lấy lại lòng tin của Đảng, cử tri và nhân dân. Đừng làm điều tổn thương cho người dân, đặc biệt “đừng làm láo nháo, báo cáo hay, dối trên gạt dưới, lấy thành tích mà làm những việc trái đạo đức, trái lương tâm, vi phạm pháp luật”, ông Nhưỡng nói. Bên cạnh việc quyết liệt, nghiêm khắc hơn trong việc xử lý các vụ việc tiêu cực, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng cần phải phát huy tính gương mẫu, tự giác của cán bộ đảng viên thực hiện theo quy định của Hội nghị Trung ương 8 vừa qua. Nếu có lỗi không còn uy tín, không đủ điều kiện, năng lực thì nên chủ động từ chức. “Sắp hết năm 2018 rồi nhân dân chờ đợi sự chủ động của những người không đủ đức tài. Dù còn hơn một năm nữa phải chuẩn bị cho được đội ngũ cán bộ chiến lược cho Đại Đảng 13, nhưng nhân dân mong người không đủ uy tín hãy từ chức, đừng như con lươn, con chạch mà leo cao. Bên cạnh đó, đề nghị QH xây dựng luật từ chức để luật hóa quy định của Đảng”, ông Trí kiến nghị.