Bạn đọc Trịnh Thúy Minh (Mỹ Đình - Từ Liêm - Hà Nội): Hiện nay đang có tình trạng phôi chứng nhận quyền sử dụng đất là thật nhưng số liệu là giả. Tình trạng này gây hoang mang trong việc mua bán bất động sản của người dân, Bộ trưởng nghĩ thế nào khi số phôi thất thoát này là nguyên nhân gây ra tình trạng tôi vừa nêu. Cảm ơn Bộ trưởng và chúc ông sức khỏe.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Chúng tôi xin nhận khuyết điểm trong vấn đề phôi này. Nhiều người tại đây hôm qua có thể được xem một clip về vấn đề sử dụng phôi sổ đỏ giả.
Có hai trường hợp có thể xảy ra: hoặc phôi có serie mà lọt ra ngoài là liên quan tới việc quản lý của các Sở, hoặc các phôi đó là giả.
Hà Nội vừa qua có nơi làm mất phôi sổ đỏ, có nơi làm mất 483 chiếc có seri. Dư luận lo ngại người ta sẽ sử dụng cái này để làm thế chấp hoặc lừa đảo, có trường hợp nhà 5 tầng có 5 giấy khác nhau.
Phải nói rằng quy định hiện về vấn đề này khá chặt chẽ, nhưng thực tế vẫn diễn ra các trường hợp như đã nói. Chúng tôi đã có công văn nhắc nhở, đồng thời thông báo về số phôi bị mất để người dân cảnh giác. Đề nghị bà con nếu mua nhà đất, có thể kiểm tra tại cơ quan đăng ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ngoài ra, theo tôi, các văn phòng công chứng có thể xác nhận thật giả của các sổ đỏ nếu liên lạc với các cơ quan đăng ký sổ đỏ.
Về việc xử lý những người có trách nhiệm, pháp luật đã có quy định và chúng ta phải tiến hành theo luật.
Giao đất cho ông Đoàn Văn Vươn
Trả lời câu hỏi của nhiều người dân ở Hải Phòng về việc xử lý diện tích đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, Bộ trưởng Quang cho biết, có thể sẽ tiếp tục cho thuê theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Quang cho rằng, về vụ việc ở Tiên Lãng, thông tin vừa qua mới chủ yếu nói đến vai trò của người thực thi công vụ, nhưng việc sử dụng đất của người dân cũng không phải không có vấn đề.
“Nếu lấn chiếm thì phải thu hồi, nhưng huyện lại hợp thức hóa… Rồi vấn đề phá rừng phòng hộ như thế nào, hoặc chậm nộp thuế sử dụng đất, cho người khác thuê lại…; việc xây dựng nhà kiên cố dù huyện đã cho phép sử dụng nhà một tầng… Qua đó, phải thấy rằng, bên cạnh cái sai của chính quyền, thì người sử dụng đất cũng phải tuân thủ pháp luật” – Bộ trưởng Quang nói.
Bộ trưởng Quang cũng thông tin, sau vụ Tiên Lãng, Bộ đã có công văn yêu cầu các tỉnh kiểm tra các bãi bồi, đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra… Tinh thần là tất cả đều phải tuân thủ pháp luật, không suy diễn.
“Tôi vừa đi Thái Bình về, họ thực hiện cho thuê trên cơ sở đấu thầu, theo quy định của pháp luật và chưa có vấn đề gì” – Ông Quang dẫn chứng.
“Với gia đình ông Vươn, tôi đã nghe ý kiến của huyện, của Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng. Đề xuất của huyện là đất hết thời hạn từ năm 2007, diện tích 19,3ha đến năm 2011 là hết thời hạn, thì làm thế nào?
Theo quy định, chúng ta chuyển sang cho thuê, tôi đã giao Tổng cục Đất đai, Thanh tra Bộ tham mưu. Bộ sẽ có ý kiến chính thức là cho thuê theo quy định của pháp luật. Thời hạn bao nhiêu, tiền thuê như thế nào thực hiện theo quy định của pháp luật…” – Bộ trưởng Quang kết luận.
Về việc đất bãi bồi ven sông, ven biển, đến năm 2013 sẽ hết hạn giao đất, ông Quang cho biết, sau khi hết thời hạn, nếu hộ gia đình có nhu cầu sử dụng tiếp, họ cần tiến hành các thủ tục để gia hạn sử dụng.
“Về thủ tục gia hạn, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên môi trường nghiên cứu, xây dựng. Chúng tôi đang chuẩn bị thông tư hướng dẫn” – Ông Quang nói.
Cũng về vấn đề đất nông nghiệp sắp hết hạn, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, Bộ đã bàn, báo cáo Chính phủ và sẽ trình Quốc hội các giải pháp.
“Về thời hạn sử dụng đất, về thẩm quyền quyết định, theo luật, thuộc về Quốc hội. Do đó, việc quy định thời hạn sử dụng đất tiếp theo cũng thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Trong khi chưa sửa Luật năm 2003 thì chúng ta vẫn áp dụng luật hiện hành. Theo Luật đất đai 2003, Nghị định hướng dẫn 181, đối với hộ gia đình được giao đất lấy mốc thời điểm là năm 1993, thì tới đây vẫn được tiếp tục sử dụng đất đó.
Thẩm quyền là thuộc Quốc hội, nhưng chúng tôi sẽ tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội theo hướng như vậy. Việc sử dụng đất vẫn giữ ổn định, không xáo trộn” – Bộ trưởng Quang cho biết.
Về câu hỏi, hiện nay tại nông thôn có trường hợp chết tám năm mà vẫn còn ruộng, trong khi đó, có trường hợp sinh ra tám năm nay vẫn không có đất để sản xuất, Bộ trưởng Quang khẳng định “Quan điểm chúng tôi là đất nông nghiệp giao ổn định, lâu dài, tuy nhiên, có điều chỉnh nhất định trong trường hợp cần thiết.
“Hiện nay, chúng ta tiến hành dồn điền đổi thừa thì có sắp xếp lại đất đai, liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó có xây dựng nông thôn mới. Có thể có điều chỉnh nhất định đối với một số trường hợp nhất định như gia đình có người mất, không làm nông nghiệp nữa, chuyển đi nơi khác.
Theo tôi, với trường hợp này, cần bàn bạc trong cộng đồng với sự tham gia của người sở hữu quyền sử dụng đất để đạt sự đồng thuận. Nếu người sử dụng đất không có nhu cầu sử dụng nữa thì Nhà nước sẽ thu hồi” – Bộ trưởng Quang phân tích.
Địa phương tự xây dựng giá đền bù giải phóng mặt bằng
Về vấn đề bạn đọc cho rằng, hiện nay một số công trình của nhà nước đang trong tình trạng khó khăn về giải phóng mặt bằng, chủ yếu do giá tiền đền bù quá thấp, ông Quang cho biết, vừa qua, Bộ đã nghiên cứu và tham mưu cho Chính phủ quy định về nguyên tắc, tiêu chí, hướng dẫn kiểm tra thực hiện việc xây dựng giá, còn bảng giá có thể sẽ không còn. Khi đó, chủ yếu là bảng giá của địa phương.
"Địa phương xây dựng bảng giá sẽ sát hơn” – Bộ trưởng Quang nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quang cũng lo lắng, nếu bỏ bảng giá của Trung ương, thì những vùng giáp ranh, như trường hợp Hà Nội và Vĩnh Phúc trong khi làm đường cao tốc đi Lào Cai.
“Vấn đề này xử lý như thế nào, sau này chúng ta sẽ bàn cụ thể” - “Quan trọng, sau này sẽ có cơ quan chuyên trách về giá. Hiện chúng ta làm theo kiểu hội đồng gồm các cơ quan như tài nguyên môi trường, tài chính…, nhưng tới đây sẽ có cơ quan chuyên nghiệp. Khi giải quyết được vấn đề về giá thì theo tôi, các khiếu kiện sẽ giảm” - Bộ trưởng cho biết.
Ô nhiễm - trách nhiệm?
Nhiều câu hỏi của bạn đọc nêu lên tình trạng nhiều khu công nghiệp, khai thác mỏ ... gây ô nhiễm môi trường. Độc giả Trần Vĩ Thu (Trần Phú, Nha Trang, Khánh Hòa) thẳng thắn:"Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ đối với việc nhiều khu công nghiệp gây ô nhiễm không khí, đất, nước mà vẫn được hoạt động, trong khi đó Bộ lại chịu trách nhiệm về đánh giá tác động môi trường cho những khu công nghiệp này".
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đã chuyển câu hỏi cho Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến, kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường trả lời.
Theo thứ trưởng Tuyến, vấn đề các Khu công nghiệp gây ô nhiễm môi trường có văn bản pháp luật đầy đủ để xử lý. Việc thực hiện nghiêm túc sẽ đảm bảo môi trường ở các khu này. Bộ chỉ thẩm định và phê duyệt những đánh giá tác động môi trường của các Khu công nghiệp rộng hơn 200ha, hoặc có diện tích đất lúa hai vụ lớn hơn 20ha, hoặc có hệ thống xử lý nước thải lớn hơn 5.000m3/ngày đêm, còn lại do Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, UBND hoặc Ban quản lý các Khu công nghiệp cấp tỉnh phê duyệt...
"Chuyện thanh tra kiểm tra là thường xuyên, gần đây nhất đã tổ chức thanh tra 46 trong 56 tỉnh có Khu công nghiệp, kết quả thanh tra đã công bố. Nhưng Khoản 4 Điều 48 Nghị định 117 quy định, để bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp hoặc khu công nghiệp, việc vi phạm phải đạt mức nào đó thì chúng tôi mới được công bố ra báo chí, còn lại chỉ thông báo tới UBND địa phương và cơ quan công an để họ có thể điều tra, phát hiện tiếp các vấn đề..." - Thứ trờng Tuyến nói.
Về việc rò rỉ hóa chất tại Tổ hợp Bauxite – Nhôm Lâm Đồng vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, sự cố xảy ra do thao tác sai sót của công nhân, làm không cẩn thận để xút rơi ra ngoài hoặc có thể do bao bì còn tồn đọng xút không được xử lý theo đúng quy định…
"Việc xử lý nguy cơ hồ bùn đỏ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, trong đó có của Tổng cục Môi trường… Chúng ta phải tính tới chuyện an toàn về vấn đề môi trường trong quá trình thực hiện chủ trương này" - Bộ trưởng nói.