Tôi đi làm công nhân- Bài 2: Quay cuồng trong xưởng nhựa

TP - Những người lính mới như chúng tôi nếm trải đủ sự cơ cực của một người công nhân, mỗi ngày quay cuồng với máy móc nhưng họ không được bảo vệ sức khỏe khi làm việc trong môi trường độc hại.
Trực cắt gọt ghế nhựa vừa mới ra lò còn nóng hổi. Ảnh: Việt Văn

Sau khi phỏng vấn qua loa, chúng tôi được nhận vào làm công nhân cho công ty nhựa T. L.T (phường An Lạc, quận Bình Tân). Tại đây, Trực (người cùng đi tìm việc, đã nêu kỳ trước) học việc chỗ anh Vũ (43 tuổi, quê Kiên Giang), còn tôi học việc từ Tâm (20 tuổi, quê Đồng Tháp). Cả hai người này đều có thâm niên làm việc tại xưởng này từ lâu nên dạy việc cho nhiều người mới vào như tôi. Tâm giải thích: “Muốn thạo nghề thì phải đi làm đủ các khâu, các bộ phận khác, mất cả tháng trời mới về đứng máy một mình. Ít ông nào chịu nổi nên nghỉ”.

Công nhân 3 không…

Ở công ty này, lính mới vào chưa được phát đồng phục để mặc. Họ cũng như những người làm lâu, chỉ có mỗi con dao để cắt gọt được công ty cấp. Làm hơn nửa năm cũng chưa được công ty kí kết hợp đồng, nhiều người nản việc bỏ đi dần. Có người vào làm được vài tuần bỏ đi vì không chịu nỗi, lương thấp, công việc áp lực. Công ty cứ thế tuyển liên tục vẫn không đủ người làm.

Thấy tôi không có đồng phục đứng chờ tới giờ vào ca. Hùng (23 tuổi, quê Vĩnh Long) hỏi “mới vào làm à” - tôi gật đầu. Thấy nhiều người cũng không có áo công ty, tôi thắc mắc. Hùng bảo mấy ông đó làm được vài tháng nay rồi nhưng công ty chưa phát quần áo.

Vào làm ở đây hơn nửa năm Hùng mới có áo đồng phục. Công ty nhận người vào làm thì dễ, nhưng rất lâu mới được kí hợp đồng, được hưởng đủ chế độ bảo hiểm. Hùng vẫn chưa được kí hợp đồng lao động. “Lính mới như ông thì lâu à nghen. Không biết có trụ lại công ty để làm đến khi được kí hợp đồng hay không nữa. Ở đây nhiều người vào làm rồi lại đi vì công việc cực nhọc, lương bèo bọt. Mỗi tháng chưa tới 3,5 triệu đồng”, Hùng nói.

Đến giờ vào việc, tôi và Trực được quản đốc công ty đưa vào xưởng số 1 thử việc. Tôi được bố trí ở máy số 1 sản xuất giỏ sọt rác. Còn Trực, được bố trí ở máy số 2 sản xuất ghế nhựa. Những người khác, được đưa sang những phân xưởng còn lại để làm. Công ty có 4 phân xưởng lớn sản xuất đủ các mặt hàng đồ nhựa, miễn có đơn đặt hàng. Mẫu nào cũng làm được. Một xưởng trộn keo, nhựa. Xưởng tôi làm chuyên sản xuất những mặt hàng nhựa loại lớn. Máy móc hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm, hết ca người này đến ca người khác.

Vừa vào xưởng, tiếng ồn cứ dội vào khiến tai tôi ù đi. Tôi không thể chịu nổi, cứ lùng bùng. Biết chưa quen, Tâm động viên: “Cố gắng lên! Ai vào đây lúc đầu cũng thế. Làm lâu riết cũng quen”. Sau câu động viên, Tâm cảnh báo: “Khi đổ nguyên liệu vào máy còn kinh khủng hơn nữa, bụi sẽ bay đầy trời. Lúc đó nếu không quen mùi nhựa là choáng ngay. Ông chuẩn bị tinh thần”.

Đang làm, Trực kéo tôi ra mượn cớ hút thuốc, tranh thủ thời gian trốn việc. Ở đây công ty không cấm hút thuốc nhưng đi phải xin phép. Mỗi người chỉ được hút một điếu, xong là phải vào làm ngay. Nếu quản đốc phát hiện có dấu hiệu lãn công thì hậu quả khó đoán định được.

Khu vực này khói thuốc mịt mù cùng bụi keo bay dính đầy quần áo. Trong không khí ngộp thở ấy, anh Hải (35 tuổi, quê Nam Định) vừa rít thuốc vừa thở dài: “Vào làm gần một năm rồi mà công ty vẫn chưa kí hợp đồng. Mình hỏi thì bảo là đợi đến đợt. Chắc qua tết năm sau mới kí. Không có bảo hiểm, lỡ bệnh tật thì tốn cả đống tiền. Việc nặng nhọc trong môi trường độc hại thế này nản lắm!”.

Không gian nhỏ hút thuốc là nơi anh em tứ xứ tạo cớ tụ bạ, chia sẻ nỗi niềm. Mỗi người mỗi cảnh. Điểm chung, tất cả đều khốn khó. Có ông muốn nghỉ nhưng sợ không tìm được việc làm ngay thì vợ con ở nhà sẽ đói.

Tôi nhìn quanh, hầu hết trong xưởng, không công nhân nào có đồ bảo hộ lao động. Trang bị tối thiểu găng tay và khẩu trang, cũng không. Tiếng ồn đến ù tai, tôi ho sặc sụa vì bụi hạt nhựa. Trực làm bên máy đối diện cũng như tôi, lâu lâu nó nhìn sang với vẻ mệt mỏi. Anh Vũ giục nó cầm dao cắt gọt những phần thừa từ cái ghế nhựa mới ép ra. Ghế vẫn còn nóng giãy. Trực vừa làm vừa than. Tâm bảo, cái máy ép nhựa thành ghế là nóng nhất. Ông nào mới vô làm cũng bị phỏng tay. Làm vài tuần là quen, lúc đó không còn cảm giác gì nữa.

Vắt kiệt

Một mình đứng máy làm cả ngày thực sự cực hình. Tâm thấy tôi là người mới vào nên cũng tận tình chỉ việc. Tâm vừa làm vừa hướng dẫn cách lấy sản phẩm ra thế nào. Ngày đầu, vừa đụng vào giỏ sọt rác mới ép xong, tay tôi bị phỏng ngay. Giỏ mới ép ra nóng như than hồng. Mỗi cạnh của nó bén sắc, cắt đứt tay nếu bất cẩn. Chưa làm được việc, tôi chỉ đứng xem. Lâu lâu phụ đưa hàng chất lên kệ. Làm cách nào để lấy ra nhanh nhất mà không bị vướng, bị phỏng và theo kịp tốc độ cái máy, người học việc phải mất hàng tháng trời.

Vừa phụ vừa học cách làm.

Tâm bảo mỗi máy có công suất cho ra 1.000 sọt rác loại lớn mỗi ca làm việc. Chỉ tay vào bảng ghi số giây cho ra sản phẩm, Tâm bảo: “Thợ máy chỉnh 39 giây là máy ép xong một sản phẩm sọt rác, thời gian để mình lấy ra khỏi máy là 2 giây. Nếu lấy chậm thì năng suất sẽ không đạt, coi như ngày đó mình mất chỉ tiêu. Mấy ông thợ máy đã tính sẵn hết rồi nên mình không có thời gian nghỉ ngơi. Chậm một nhịp là ùn hàng liền. Máy kẹt sẽ bị phạt tiền vài chục nghìn, xót lắm. Coi như mất toi nửa ngày làm”.

   

Thường thì những sản phẩm nhựa cỡ nhỏ thời gian ép ra nhanh hơn, khiến người đứng máy phải tập trung, thao tác liên tục.

Thời gian máy ép nhựa là lúc công nhân cắt gọt, dán tem, đóng quai. Để làm nhanh, theo kịp máy, tôi thấy không ai đeo găng tay. Hỏi, họ bảo: Đeo sẽ vướng, cộm, không thể dán tem lên hàng nhanh. Khi cắt gọt, đường dao cũng không ngọt.

Mỗi ngày công ty dành thời gian 1 tiếng đồng hồ để công nhân nghỉ ngơi, ăn uống. Tận dụng thời gian, công ty sắp xếp bộ phận trực tiếp sản xuất được nghỉ ăn trưa từ 10h30 đến 11h30. Trong thời gian này, những người làm ở bộ phận đóng gói sẽ thay vào vị trí chúng tôi  tiếp tục làm. 

Máy vẫn chạy ra hàng liên tục. Họ sẽ nghỉ trưa sau chúng tôi 1 tiếng. Cứ thế, người công nhân quay cuồng cùng máy sản xuất chạy cả ngày lẫn đêm. 39 giây, cùng 2 giây cho một sản phẩm, điệp khúc ấy liên tục 8 tiếng. Những người lành nghề, nhanh tay nhất trong xưởng của tôi cũng không có thời gian nghỉ uống một ngụm nước. 

Những ngày đầu, tôi chỉ đứng phụ những việc lặt vặt. Ảnh: Việt Văn

Tôi hỏi Tâm, có khi nào gấp quá bỏ sót công đoạn nào không? Tâm bảo không thể sót được. Nếu sót là bộ phận giám sát hàng phát hiện ngay và bị phạt liền. Giám sát hàng đi kiểm tra, lấy từng sản phẩm lên ngắm. Kiểm tra hàng chỗ tôi xong, người này qua máy của anh Vũ, nơi Trực đang phụ cắt gọt. Thật không may cho Trực, khi một sản phẩm đường cắt mép nhựa sần sùi. Giám sát ghi sổ, phạt 50 nghìn đồng.

Tâm thông tin rằng, còn mấy cái phân xưởng bên kia nữa, cũng sản xuất đồ nhựa đủ chủng loại cùng xưởng dành trộn keo với nguyên liệu. “Những người mới vào như ông thì chỉ đi học việc ở mấy cái máy này để làm quen dần. Khi nào thạo nghề rồi thì sẽ cho đứng máy một mình. Cũng hên xui, nếu khâu trộn nhựa thiếu người thì quản đốc sẽ bắt mấy ông xuống đó làm”, Tâm nói.

Ở Công ty này không có bếp ăn. Ngày đầu tôi không biết nên chẳng mang theo cơm nước gì. Trực cũng thế. May mắn được Tâm chia một phần cơm, uống ké nước mới đủ sức làm tiếp buổi chiều. Lúc chúng tôi nghỉ trưa máy vẫn chạy. Ăn xong quay vào làm. Chiều đến, khi chuông công ty reo hết giờ làm việc, tôi oặt người, dọn dẹp để bàn giao cho người đứng ca tiếp theo.

(Còn nữa)

Bước ra khỏi xưởng, người mệt lừ. Tôi biết Trực có ý định muốn bỏ cuộc, nghỉ đi tìm nơi khác để làm. Tối về, nó gọi cho tôi hỏi có cùng nghỉ không để tìm chỗ làm mới có môi trường đỡ hơn.