Toàn cảnh Nepal ngày thứ ba sau thảm họa động đất

TPO - Theo số liệu mới nhất được công bố, đã có ít nhất 3.300 người thiệt mạng và hơn 6.500 người bị thương. Rất nhiều người dân Nepal lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, đổ ra đường dựng lều ở. Các bệnh viện quá tải, trong khi công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn.

Thương vong tiếp tục gia tăng
Trong suốt ngày 26/4, Nepal và đặc biệt là Thủ đô Katmandou liên tục hứng chịu các cơn dư chấn mạnh, trong khi số người thiệt mạng do trận động mạnh xảy ra trước đó 1 ngày không ngừng tăng lên. Theo số liệu mới nhất được công bố, đã có ít nhất 3.300 người thiệt mạng và hơn 6.500 người bị thương.

Các lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người sống sót dưới những đống đổ nát do trận động đất xảy ra hôm 25/4 vừa qua tại khu vực Thủ đô Katmandou. Đây được xem là trận động đất tồi tệ nhất xảy ra ra tại Nepal trong gần 1 thế kỷ qua.

Sáng 27/4, quốc gia châu Á này tiếp tục phải hứng chịu thêm một trận động đất nữa, với cường độ 6,7 độ richter và có thể cảm nhận được từ Thủ đô New Delhi của quốc gia láng giềng Ấn Độ, cách đó 800 km về phía Tây.

Cục Khảo sát địa chất Mỹ cho biết, đã ghi nhận được khoảng 30 cơn dư chấn cường độ thấp. Tại Katmandou, nhiều người dân đã phải ngủ ngoài trời, dù thời tiết giá lạnh do lo ngại các cơn dư chấn có thể xảy ra.

Công tác tìm kiếm, cứu hộ càng trở nên khó khăn bởi mưa lớn và chớp giật. Tình hình thời tiết xấu được dự báo còn tiếp diễn.

Cảm giác hoang mang, tuyệt vọng đang bao trùm thủ đô Kathmandu. Người dân hoàn toàn choáng ngợp trước sức tàn phá quá lớn của cơn địa chấn. Các tuyến đường tắc nghẽn do hàng chục nghìn người dựng trại, nằm ngay trên hè phố vì những ngôi nhà của họ đã bị phá hủy hoặc họ không dám quay trở về vì lo sợ dư chấn còn tiếp diễn.

Chính quyền Nepal dường như vẫn lúng túng trong công tác cứu nạn những người còn mắc kẹt trong đống đổ nát bởi trang thiết bị hạn chế. Nhiều nhân viên cứu hộ cho biết họ phải đào xới đất bằng tay và đã rất mệt mỏi, kiệt sức vì phải thức thâu đêm.

"Tại khu tôi sống, rõ ràng không nhìn thấy bóng dáng của lực lượng cảnh sát", New York Times dẫn lời Sridhar Khatri từ Trung tâm nghiên cứu Chính sách Nam Á tại Kathmandu, nói. "Thậm chí còn không có cuộc biểu dương lực lượng nhằm ngăn chặn hành vi phá hoại. Một số báo cho rằng hành vi này đang gia tăng".

Động đất cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các quốc gia khác trong khu vực. Ấn Độ đến nay ghi nhận 66 nạn nhân thiệt mạng, Trung Quốc có 18 người chết và 4 người thiệt mạng ở Bangladesh, theo Reuters.

Tất cả các bệnh viện đều phải đối mặt với tình trạng quá tải và thiếu trầm trọng trang thiết bị y tế. Bác sĩ ở Kathmandu phải chuyển hàng trăm bệnh nhân ra đường sau khi cơn dư chấn mạnh 6,7 độ Richter hôm qua 26/4 một lần nữa làm rung chuyển Nepal và Ấn Độ.

Công tác cứu hộ gặp khó khăn do thời tiết xấu

Trước những thiệt hại quá lớn mà Nepal phải hứng chịu, nhiều nước trên thế giới cam kết hỗ trợ quốc gia này khắc phục hậu quả của thảm họa. Mỹ tuyên bố sẽ viện trợ một triệu USD và cử một đội tìm kiếm cứu nạn tới Nepal.

 Anh hỗ trợ 5 triệu bảng (gần 7,6 triệu USD). Singapore sẽ điều một đội tìm kiếm gồm 55 người. Trung Quốc cũng đã khởi động một kế hoạch viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho Nepal.

Quốc gia láng giềng Ấn Độ cùng ngày cử 2 máy bay vận tải quân sự tới Nepal và Trung Quốc thông báo cử một đội gồm 62 nhân viên cứu hộ với sự trợ giúp của chó nghiệp vụ để hỗ trợ công tác tìm kiếm các nạn nhân.

Hai máy bay của Nga chở các nhân viên cứu hộ hôm qua cũng đã rời Thủ đô Moscow. Tuy nhiên, thời tiết xấu đã ảnh hưởng nhiều tới công tác cứu hộ. 

Viện khí tượng Ấn Độ thông báo mưa lớn và đông tại Katmandou, cũng như tại khu vực miền Đông Nepal sẽ kéo dài trong suốt ngày 27 và 28/4.

Người dân đổ ra đường dựng lều sau động đất

Người dân Nepal đổ ra đường, dựng hàng loạt lều trú ẩn trên đường phố thủ đô Kathmandu sau trận động đất mạnh 7,8 độ richter mà cho tới nay đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 2.500 người.


Nhiều cư dân thủ đô Kathmandu, Nepal đã trở thành người vô gia cư sau khi trận động đất tàn phá nhà cửa của họ. Một số người lo sợ phải trở về nhà, nhất là sau khi một cơn dư chấn mới đã

BBC cho hay hàng trăm ngàn người dân tại trung Nepal đã tiếp tục dành trọn đêm thứ hai của mình bên ngoài đường phố. (Ảnh: Getty) 

Trận động đất mạnh 7,8 độ richter xảy ra ở miền trung Nepal vào trưa ngày 25/4. Đây là trận động đất mạnh nhất tại Nepal trong hơn 80 năm qua. Trong ảnh là một em bé Nepal đang nằm ngủ ngoài trời trong một khu trại tập trung của dân cư tại Kathmandu. (Ảnh: Getty)

Đến hôm qua 26/4, một cơn dư chấn mạnh 6,7 độ richter tiếp tục làm rung chuyển các bệnh viện và tòa nhà tại thủ đô Kathmandu vốn đã bị hư hại bởi trận động đất 1 ngày trước đó. Trong ảnh là một người đàn ông đứng tuổi ngồi tại một khu trại tập trung với nước uống và một số đồ cần thiết xung quanh. (Ảnh: Getty)

Các nỗ lực cứu hộ, tìm kiếm các nạn nhân từ các đống đổ nát của các tòa nhà tại thủ đô Kathmandu vẫn đang được tiến hành khẩn trương. Trong ảnh là các phụ nữ Nepal trong một khu trại tập trung ở thủ đô. (Ảnh: Getty)

Các đội cứu hộ đã bắt đầu có mặt tại hiện trường động đất để giúp người dân đối phó với hậu quả của trận động đất. (Ảnh: Getty)

Một người dân Nepal ngồi nghe điện thoại trong một lều trại ngoài trời tại thủ đô. (Ảnh: Getty)

Một người dân Nepal nằm đọc báo phía ngoài một trại tập trung lớn căng bạt màu xanh ở thủ đô Kathmandu. (Ảnh: Getty)

Ảnh chụp tại một khu tập trung tại một không gian ngoài trời ở thủ đô Kathmandu. (Ảnh: Getty)

Các bệnh viện Nepal quá tải, nhiều khu vực bị cô lập

Mọi nỗ lực cứu trợ đang khẩn trương đổ về Nepal nhưng tình trạng đường sá bít kín, điện thoại liên lạc đứt và các bệnh viện quá tải đang là thách thức rất lớn.

Hội chữ thập đỏ Úc cho biết: “Thật kinh hoàng khi cứ mỗi giờ qua đi người ta lại kéo ra thêm nhiều hơn những thi thể vị vùi lấp dưới các tòa nhà đổ nát. Thông tin liên lạc bị đứt ở nhiều vùng nông thôn.

Khắp nơi bị tàn phá, những đống gạch đá và tình trạng lở đất đang ngăn cản lực lượng ứng cứu không tới được nhiều ngôi làng”.

Tình trạng thiếu điện sẽ trở nên phức tạp hơn do thiếu nước, thuốc men và dụng cụ y tế cũng ngày một khan hiếm, trong khi đó theo tổ chức Oxfam, các nhà xác cũng đã quá tải.

Tổ chức Y tế Thế giới đã gửi tới bệnh viện những bộ thiết bị sơ cứu y tế, thuốc men và dụng cụ điều trị người bị thương.

Những người sống sót sau thảm họa vẫn ngủ ngoài trời ở Kathmandu bất chấp giá lạnh vì sợ các tòa nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào.