Tọa đàm trực tuyến: Khi trường nghề và doanh nghiệp tìm đến nhau

TPO - Bộ LĐ-TB&XH xác định, trong năm 2018, một trong ba đột phá của giáo dục nghề nghiệp là tăng cường hợp tác, gắn kết nhà trường với doanh nghiệp trong đào tạo nghề, nhằm nâng cao chất lượng nhân lực, tạo việc làm cho người học sau tốt nghiệp.

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

12/10/2018 09:30

12/10/2018 09:48

Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng mở đầu buổi tọa đàm
Mở đầu buổi tọa đàm, Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong Phùng Công cho rằng, cuộc tọa đàm mở ra mong muốn ghi nhận ý kiến bạn đọc trẻ, những bạn trẻ đang đi tìm tương lai của mình.

Có bạn tìm được việc ổn định nhưng đang có rào cản nào đó đang không đến được với ngôi trường mình cần, còn các trường thì không tìm thấy các bạn trẻ. Vì thế, mong rằng, cuộc tọa đàm hôm nay mong muốn có sự kết nối giữa nhà trường và học sinh trở nên thông thoáng hơn.

Mong rằng, những ngôi trường tạo ra những người có chuyên môn nghiệp vụ tốt, đáp ứng được nhu cầu và có thể sử dụng được ngay lực lượng lao động là học sinh, sinh viên trường nghề tham gia sản xuất và đánh giá năng lực từng người để có thể tuyển dụng sau khi tốt nghiệp.

Chúng tôi cũng mong rằng, Báo Tiền Phong sẽ là cầu nối giữa nhà trường liên kết với doanh nghiệp  giúp trường nâng cao chất lượng đào tạo, làm sao để định hướng tương lai cho thế hệ trẻ.

12/10/2018 10:03

TS Bùi Thị Hạnh - Hiệu trưởng trường CĐ Kinh tế và Thủy sản Bắc Ninh
??? Thưa TS Bùi Thị Hạnh - Hiệu trưởng trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật và Thủy sản Bắc Ninh, Bà có thể nêu khái quát thực tế liên kết của trường bà với doanh nghiệp thời gian qua?

TS Bùi Thị Hạnh - Hiệu trưởng trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật và Thủy sản Bắc Ninh: Trước đây, nhà trường vừa đào tạo hàn lâm, vừa đào tạo nghề. Chúng tôi gắn kết với doanh nghiệp từ năm 2012 và có nhiều thuận lợi mang lại cho từ hai phía.

Sinh viên đi thực tập 6 tháng, có em mua được máy tính xách tay, mua được xe máy. Đặc biệt là các em được làm việc trong môi trường có công nghệ cao, máy móc hiện đại. Có sinh viên ra trường làm chủ doanh nghiệp.

Giáo viên cũng đi theo các sinh viên thực tập để học hỏi các dây chuyền công nghệ cao. Bên cạnh đó, chúng tôi mời kĩ sư nổi tiếng trong tập đoàn về giảng dạy, nhờ họ xây dựng chương trình đào tạo phù hợp nhất.

Hiện tại, sinh viên lĩnh vực thủy sản không đủ nguồn cầu. Chúng tôi liên kết với 10 doanh nghiệp và thấy rõ hiệu quả từ chương trình liên kết này.

12/10/2018 10:09

TS Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ cao Hà Nội
??? Thưa TS Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ cao Hà Nội, Ông đánh giá gì về lợi ích mang lại cho người học, nhà trường khi liên kết đào tạo tại doanh nghiệp (trong quá trình học cũng như sau khi ra trường)?

TS Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ cao Hà Nội: 

 Đối với Sinh viên khi đi thực tập, đi học tại doanh nghiệp là để học tập rèn luyện trên các máy móc, thiết bị công nghệ của doanh nghiệp, tác phong công nghiệp, an toàn lao động…sẽ được các chuyên gia nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong sản xuất giảng dạy trên những phương tiện, thiết bị hiện đại, giúp người học nhanh chóng hình thành được những kỹ năng cần thiết phù hợp với yêu cầu của sản xuất, cũng như rèn luyện tác phong công nghiệp và đạo đức nghề nghiệp.

Sớm thích ứng với công việc không cần phải bồi dưỡng hoặc đào tạo lại. Đây là vấn đề mà nhiều đơn vị sử dụng lao động thường xuyên phàn nàn.
Có nhiều cơ hội để tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Thực tế có nhiều sinh viên được doanh nghiệp nhận vào làm việc ngày sau khi kết thúc thời gian thực tập nếu có đủ kiến thức, kỹ năng doanh nghiệp cần.
Thông qua học, thực tập tại môi trường thực tế, giúp sinh viên có thêm động lực học tập, nghiên cứu, rèn luyện. Từ đó kích thích sinh viên sự say mê, tính sáng tạo, lòng yêu nghề. 
Được doanh nghiệp trả lương.

Đối với Nhà trường

Được doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ thông tin với về nhu cầu nhu cầu việc làm như số lượng cần tuyển dụng theo ngành nghề và trình độ đào tạo, cơ cấu ngành nghề, các chế độ cho người lao động, thông tin phản hồi về mức độ hài lòng đối với "sản phẩm" đào tạo của nhà trường
Được Doanh nghiệp tham gia với nhà trường từ việc xây dựng mục tiêu, chuẩn đầu ra, chương trình, giáo trình, quá trình tổ chức đào tạo, đánh giá và sử dụng sinh viên sau đào tạo, nhờ vậy, các chương trình đào tạo thường xuyên cập nhật được các tiến bộ khoa học và công nghệ mà doanh nghiệp đang áp dụng.
Được doanh nghiệp Giúp hướng nghiệp, tư vấn lựa chọn nghề và giới thiệu việc làm vào học các ngành nghề phù hợp và sắp xếp việc làm cho SV tốt nghiệp.
Được DN cho phép GV, SV học tập, rèn luyện tay nghề trên các thiết bị hiện đại của sản xuất mà ở trường không có, được các các chuyên gia giỏi của DN bồi dưỡng các kỹ năng thực hành, giúp tiếp cận với công nghệ và phương tiện sản xuất hiện đại. Từ đó, giúp GV, SV hiểu được qui trình công nghệ sản xuất công nghiệp và trực tiếp làm ra sản phẩm. Điều này giúp sinh viên tự tin sau khi ra trường có thể tự tạo việc làm. Học thái độ, đạo đức với nghề nghiệp, năng lực làm việc nhóm, các tiêu chí, tiêu chuẩn trong công nghiệp, tính sáng tạo…
Huy động được những chuyên gia, kỹ sư, công nhân giỏi tham gia giảng dạy tại nhà trường
DN hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí đào tạo, học bổng cho sinh viên...

Đối với Doanh nghiệp

Có cơ hội để theo dõi và tuyển chọn được những SV giỏi, có năng lực thực tế phù hợp với yêu cầu của mình
Có một lực lượng lao động phụ là SV thực tập tại doanh nghiệp, tiền công rẻ để thực hiện những nhiệm vụ sản xuất phù hợp.
Doanh nghiệp đặt hàng cho nhà trường, cùng với nhà trường nghiên cứu, sản xuất, phát triển các sản phẩm mới 
Nhà trường giúp đào tạo lại, đào tạo nâng cao, đào tạo theo yêu cầu, theo đơn đặt hàng để nâng cao chất lượng đội ngũ của Doanh nghiệp.
Được khấu trừ thuế và các chế độ ưu đãi khác.

12/10/2018 10:22

Ông Đào Văn Tiến- Vụ trưởng đào tạo  thường xuyên, Tổng cục GDNN
???Nhà báo Đình Thắng, Trưởng ban Kinh tế đặt câu hỏi với Lãnh đạo Tổng cục Giáo dục, Đào Văn Tiến: Nhiều ý kiến cho rằng đào tạo nghề không gắn với thị trường, nặng về lý thuyết, không đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp nên sau khi tuyển dụng doanh nghiệp phải đào tạo lại. Từ năm 2017, hệ thống trường nghề về quản lý thống nhất tại Bộ LĐ-TB&XH, ngành đã có những nỗ lực gì để thay đổi thực tế trên? Thực tế việc liên kết trường nghề và doanh nghiệp thời gian qua ra sao thưa ông?

Ông Đào Văn Tiến- Vụ trưởng đào tạo  thường xuyên, Tổng cục GDNN

 Một trong những giải pháp đột phá về giải pháp nghề nghiệp mà Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng đến hiện nay là kết nối với doanh nghiệp và đối tác, bằng cách:

Ban hành đồng bộ hệ thống văn bản như ban hành thông tư, quy đinh về liên kết đào tạo. Cụ thể là thông tư số 29 (15/12/2017).

Thành lập Tổ Công tác Kết nối doanh nghiệp do một Phó Tổng Cục trưởng làm tổ trưởng, thành viên cục Việc làm, Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương, VCCI,…

Xúc tiến việc kí kết các chương trình phối hợp với các doanh nghiệp, đối tác nước ngoài, Phòng Thương Mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội Bán lẻ, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ, Hội các Doanh nhân Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật, Đức, các tập đoàn lớn như Mường Thanh; BIM;….Kí kết 3 bên giữa Tổng cục với Phòng thương mại Công nghiệp Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh và GIZ về đào tạo kỹ nghệ gắn với việc làm xanh.

Chuyển từ đào tạo từ hướng cung sang cầu. Doanh nghiệp vừa là đối tác, đồng thời là chủ thể trong quá trình đào tạo. Theo đó, nhà trường đảm nhiệm giảng dạy tối thiểu 60% khối lượng của chương trình đào tạo, còn lại là doanh nghiệp tham gia giảng dạy đến 40%.

Gắn tuyển sinh với tuyển dụng, định hướng việc làm sau đào tạo. Nhiều trường thường xuyên có hàng trăm doanh nghiệp là đối tác liên kết, hợp tác đào tạo, tổ chức thực hành, thực tập và tuyển dụng sau đào tạo.

Ví dụ như trường Cao đẳng Nghề Công nghệ cao Hà Nội, trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật và Thủy sản Bắc Ninh, trường Cao đẳng Kỹ nghệ II thành phố Hồ Chí Minh, trường Cao đẳng Công nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu, trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Dung Quất, trường Cao đẳng Cao đẳng Quốc tế LILAMA II,…

Kết quả tuyển sinh năm 2018, đến hết tháng 9/2018 đạt trên 80% (gấp đôi cùng kì năm ngoái) và dự kiến sẽ vượt chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo năm 2018.

12/10/2018 10:26

Ông Lê Huy Thức, TGĐ Tập đoàn PMTT
??? Ông Lê Huy Thức, TGĐ Tập đoàn PMTT, Ông đánh giá gì trong việc liên kết?

Ông Lê Huy Thức, TGĐ Tập đoàn PMTT: 

Việc liên kết tạo điều kiện thuận lợi gì cho DN? Khi mà liên kết với nhà trường, cái đầu tiên mà DN nhận được là ngay lập tức đáp ứng được nguồn nhân lực cho DN.

Ví dụ như Trường Cao đẳng Công nghệ cao đã đầu tư rất nhiều trang thiết bị, máy móc hiện đại, tiệm cận với máy móc mà DN có. Như vậy, doanh nghiệp sẽ sử dụng được nhân lực ngay và luôn. Ở trường, các học viên đã được đào tạo về lý thuyết. Nhưng đến lúc vào doanh nghiệp, kỹ năng làm việc còn chưa hoàn thiện như làm việc nhóm, làm việc trong môi trường sản xuất…

Đối với những kỹ năng này, các em có thể nhanh chóng bắt kịp trong 2-3 tuần. Sau khi đã thành thạo công việc, các học viên sẽ có thu nhập trong quá trình thực tập, khoảng 150.000 /ngày, gấp đôi vào ngày nghỉ, ngày lễ.

Đây là điều rất thuận lợi đối với doanh nghiệp. Tập đoàn PMTT chuyên về gia công các chi tiết chính xác cao, sử dụng trong ngành công nghiệp điện tử, như cho Samsung; chế tạo máy; làm về giải pháp phần mềm. Chúng tôi hiện đang hướng đến mở rộng liên kết với các trường khác, kể cả trường đại học như ĐH GTVT hay ĐH Thủy Lợi.

12/10/2018 10:31

TS Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ cao Hà Nội
??? Thưa TS Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ cao Hà Nội, hiện trường liên kết với bao nhiêu doanh nghiệp, đào tạo những ngành nghề gì? Trung bình mỗi năm có bao nhiêu sinh viên của trường được kết hợp đào tạo tại doanh nghiệp?

TS Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ cao Hà Nội: Để nâng cao chất lượng và hiệu quả của đào tạo nghề thì cần phải gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, phải có sự tham gia của doanh nghiệp từ việc xây dựng mục tiêu, chương trình, giáo trình, quá trình tổ chức đào tạo, đánh giá và sử dụng sinh viên sau đào tạo.

Hiện nay Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội thông qua Trung tâm QHDN, nhà trường đã xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ với gần 400 doanh nghiệp trong và ngoài nước để:  Đào tạo sinh viên, bồi dưỡng giáo viên: Mỗi năm Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội tổ chức tuyển sinh và đào tạo gần 2.000 sinh viên với 26 nghề.

Mục tiêu của trường là 100% sinh viên đạt chuẩn đầu ra có việc làm và có thể tự tạo việc làm thì 100% sinh viên đều được đi thực tế, thực tập, đào tạo kết hợp với doanh nghiệp. nhiều nghề chúng tôi tổ chức đào tạo tại doanh nghiệp như nghề có khí chế tạo, cơ điện tử, điện công nghiệp, ô tô, công nghệ hàn, máy lạnh và điều hoà không khí, chăm sóc sắc đẹp… Nhiều giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng tại doanh nghiệp.

Phát triển chương trình, giáo trình;

Cung cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo, kể cả các công nghệ mới nhất;

Tài trợ học phí, học bổng. hàng năm nhà trường nhận được hàng tỷ đồng từ sự hỗ trợ của DOANH NGHIỆP.

Giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi ra trường…

Hợp tác về nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ, sản xuất sản phẩm, sắp tới tổ chức kinh doanh.

12/10/2018 10:34

TS Bùi Thị Hạnh
??? Khó khăn, rào cản với hoạt động liên kết nhà trường- doanh nghiệp là gì? Và trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật và Thủy sản Bắc Ninh làm sao để giải quyết?

TS Bùi Thị Hạnh - Hiệu trưởng trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật và Thủy sản Bắc Ninh:

Thực ra, nhiều DN xác định được lợi ích của việc liên kết giữa nhà trường và DN, nhưng nhiều DN không nhận thức được điều đó, họ cảm thấy phiền phức, hoặc một số sinh viên chưa có ý thức phá vỡ liên kết, gây ảnh hưởng tới quá trình sản xuất của DN.

Trước những khó khăn đó thì chúng tôi đã cùng ngồi lại để chia sẻ với DN, cùng chỉ ra những thuận lợi, khó khăn và cụ thể về những lợi ích từ hai bên. Chúng tôi không để DN chịu thiệt thòi.

Ngoài đào tạo, thì chúng tôi cùng nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Nhiều DN nước ngoài kí kết với nhà trường về việc tuyển sinh, đào tạo tuyển dụng và đưa sinh viên đi nước ngoài xuất khẩu lao động.

Khi liên kết với nhà trường thì chi phí đào tạo và đưa sinh viên ra nước ngoài lao động sẽ có chi phí ít hơn so với các tập đoàn và DN bên ngoài. Đó là một trong những cái lợi dễ nhìn thấy nhất.

12/10/2018 10:39

Ông Lê Huy Thức, TGĐ Tập đoàn PMTT
??? Liên quan đến câu hỏi Khó khăn, rào cản với hoạt động liên kết nhà trường- doanh nghiệp là gì? 

Ông Lê Huy Thức, TGĐ Tập đoàn PMTT cho rằng: Về phía doanh nghiệp chúng tôi có 3 khó khăn, cụ thể:

Thứ nhất, đối với doanh nghiệp, 1 năm trung bình tiếp nhận khoảng 50 em. Ngân sách chi trả cho các em thuế không ghi nhận, mà vào doanh thu của công ty. Cơ quan thuế không đồng ý liệt kê khoản hỗ trợ cho học viên thực tập vào chi phí, mà yêu cầu doanh nghiệp phải lấy từ lợi nhuận hoặc phúc lợi của DN; thậm chí còn lên án doanh nghiệp sai luật, sử dụng lao động 6 tháng mà không đóng bảo hiểm, không kê khai thuế.

Thứ hai là nguy cơ tiềm ẩn về hỏng hóc máy móc. Giải phải chúng tôi đưa ra là thành lập trung tâm đào tạo nội bộ, đào tạo các em trước khi đưa xuống nhà máy.

Thứ ba, hợp tác với Cao đẳng Công nghệ cao được 4 năm, nhưng chưa được nhà nước công nhận, không được hưởng các ưu đãi từ nhà nước.

12/10/2018 10:43

TS Phạm Xuân Khánh (Áo trắng)

TS Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ cao Hà Nội: 

Có rất nhiều khó khăn, rào cản về hoạt động liên kết nhà trường - doanh nghiệp có thể kể như:  Nhiều doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hoạt động không ổn định, nguồn thu thấp, thường xuyên vật lộn với sự sống còn cho nên không mặn mà với việc hợp tác. Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của mối quan hệ này. Ngoài ra, có những doanh nghiệp do đặc thù sản xuất như công nghệ cao, hay vấn đề an toàn, chất lượng sản phẩm cho nên việc hợp tác rất khó khăn.

Cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo đã được cụ thể hóa qua Luật GDNN. Tuy nhiên việc tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia công tác đào tạo vẫn rất hạn chế. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp chỉ muốn nhận sinh viên về làm việc mà không muốn có sự hỗ trợ và tham gia với công tác đào tạo.

Việc phối hợp giữa thời gian đào tạo, làm việc và sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn. Một số ngành nghề sinh viên phải mất nhiều thời gian đào tạo tại doanh nghiệp thì mới có thể tham gia sản xuất… - Tâm thế sẵn sàng tham gia đào tạo tại doanh nghiệp của một số gia đình và sinh viên vẫn còn hạn chế. Có những sinh viên ngại vất vả, gia đình thương con nên không muốn tham gia đào tạo tại doanh nghiệp…

 Thủ tục quy trình khác nhau, hệ thống quản lý khác nhau. Nếu thực hiện đủ 6 loại hồ sơ sổ sách theo yêu cầu của nhà trường thì doanh nghiệp rất khó thực hiện như hồ sơ sơ , giáo án,.. Trong khi ở doanh nghiệp chỉ có 1 vài loại hồ sơ nhưng thủ tục hoặc thông tin đơn giản gọn nhẹ. - Để đủ điều kiện tham gia giảng dạy thì chuyên gia ở doanh nghiệp phải đáp ứng cầu cao về bằng cấp, chứng chỉ… trong khi ở doanh nghiệp không phải ai cũng đáp ứng đủ yêu cầu do đó nhà trường cử giáo viên của trường đến tham gia vào các hoạt động sản xuất, vừa hỗ trợ cán bộ của công ty vừa để quản lý sinh viên vừa nâng cao thêm được kinh nghiệm thực tế cũng như các kỹ năng cần thiết trong doanh nghiệp.

Số lượng sinh viên đông, nhiều ngành nghề. Do đó rất khó thực hiện. Cần có nhiều doanh nghiệp mới có thể thực hiện được. Giải pháp của nhà trường: Chúng tôi đã có nhiều cố gắng trong việc liên kết, phối hợp với doanh nghiệp để sắp xếp kế hoạch, tiến độ phù hợp nhu cầu. Liên hệ, trao đổi với phụ huynh sinh viên về ý nghĩa thiết thực của việc cử sinh viên tham gia đào tạo tại doanh nghiệp. Tư vấn định hướng cho sinh viên về mục tiêu, công việc và những lợi ích khi tham gia đào tạo tại doanh nghiệp…

Một số nghề khó tổ chức đào tạo tại doanh nghiệp thì Hợp tác với dn để khai thác csvc và trang thiết bị để cho doanh nghiệp tổ chức đào tạo, nghiên cứu và sản xuất taị nhà trường, xây dựng môi trường đào tạo nhà trường như là 1 doanh nghiệp.

Mở rộng quan hệ với nhiều doanh nghiệp (kể cả về chiều sâu và chiều rộng) thông qua trung tâm quan hệ doanh nghiệp.

12/10/2018 10:49

Ông Đào Văn Tiến- Vụ trưởng đào tạo  thường xuyên, Tổng cục GDNN
???Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp có định hướng chính sách, hoạt động gì để tạo thuận lợi cho liên kết?

Ông Đào Văn Tiến- Vụ trưởng đào tạo  thường xuyên, Tổng cục GDNN:

Thời gian qua, cùng với Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động thực hiện một chuỗi diễn các diễn đàn thực hiện gắn kết giáo dục nghề nghiệp với việc làm, xuất khẩu lao động. Trong đó chủ thể tham gia là các trường , doanh nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm.

Khuyến khích các trường gắn kết với doanh nghiệp, Bộ đã trình Chính Phủ sửa đổi NĐ 48/2015/NĐCP. Trong đó quy định trách nhiệm, quyền lợi của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tạo điều kiện để gắn kết thực hiện giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Nhà trường có đơn đặt hàng của doanh nghiệp sẽ được chủ động tuyển sinh, tổ chức đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học sau khi có báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

Nhà trường và doanh nghiệp phải thực hiện nhiều hình thức liên kết với nhau. Ví dụ như kí kết hợp đồng, hợp đồng hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp, đưa giáo viên, học sinh xuống thực tập, thực hành tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp cử người tham gia xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, đánh giá kết quả đào tạo.

Nhà trường được liên kết đào tạo với các trường nước ngoài, đào tạo theo tiêu chuẩn và chương trình của nước ngoài, cấp bằng của Việt Nam và bằng của nước ngoài. Đặc biệt là hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động. Theo đó, các doanh nghiệp cung cấp cho nhà trường về thông tin, yêu cầu tuyển dụng của đối tác nước ngoài.

12/10/2018 11:01

??? Thưa bà Hạnh, bà nghĩ sao về ý kiến đi học mà như đi làm?

TS Bùi Thị Hạnh - Hiệu trưởng trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật và Thủy sản Bắc Ninh:

Theo tôi, quan điểm đó không đúng lắm. Khi sinh viên được vào DN thực tập, ngoài việc học tập kinh nghiệm, kĩ năng và được trả lương thì học được học miễn phí, tiếp cận công nghệ cao từ DN. Tôi nghĩ đó là thuận lợi chứ không phải làm thuê, đó là may mắn để sinh viên có thời gian học hỏi, cọ xát, rất tốt và rất quý báu.

12/10/2018 11:05

Ông Lê Huy Thức, TGĐ Tập đoàn PMTT
??? Việc hàng đoàn học sinh kéo về doanh nghiệp để học, chắn chắn sẽ ảnh hưởng tới sản xuất của doanh nghiệp, khi doanh nghiệp phải bố trí máy móc, nhà xưởng, con người... ông giải quyết việc này thế nào? Theo ông, khiến doanh nghiệp ngại liên kết với nhà trường trong đào tạo?

Ông Lê Huy Thức, TGĐ Tập đoàn PMTT cho rằng:

Khi nhận các em với số lượng lớn, nhà trường báo trước với chúng tôi ít nhất một tháng, nên chúng tôi có thời gian chuẩn bị. Bên cạnh đó, PMTT có trung tâm đào tạo nội bộ, giải quyết được bài toán tiếp nhận số lượng lớn học viên thực tập.

Hơn thế, chúng tôi có 3 nhà máy, việc phân bổ hợp lý các em đến từng nhà này là không khó như trong các doanh nghiệp nhỏ. Thời gian thực tập 6 tháng giúp học viên có điều kiện tiếp xúc với môi trường doanh nghiệp, cũng như trực tiếp tham gia vào sản xuất. Phần lớn học viên thực tập đến với DN chúng tôi đều là của Cao đẳng Công nghệ cao.

Bởi trên thực tế, việc tuyển dụng lẻ tẻ rất khó, học viên của các trường trung cấp và cao đẳng thường được tuyển rất nhanh, trong khi chúng tôi ít liên kết với trường đại học. Điều dễ thấy là có sự khác biệt giữa tâm lý của học viên trường nghề, trung cấp và cao đẳng, với sinh viên trường đại học.

Học viên trường nghề, trung cấp và cao đẳng không ngại xắn tay vào làm, trong khi sinh viên ĐH thường không kiên trì, chịu khó, mặc định học đại học là phải ngồi bàn giấy, làm công tác quản lý. Nếu tuyển dụng cử nhân đại học vào các chức vụ cao trong DN thì dễ, nhưng tuyển dụng sinh viên ĐH ra trường trực tiếp làm dưới nhà máy cực kỳ khó.

12/10/2018 11:07

??? Để người học có thể thực hành nhiều ở doanh nghiệp, chương trình, thời gian học cũng phải thay đổi theo cơ chế linh động hơn, những quy định này hiện ra sao và thời gian tới có thay đổi gì?

Ông Đào Văn Tiến- Vụ trưởng đào tạo  thường xuyên, Tổng cục GDNN:

Về phía cơ sở đào tạo thì chương trình đào tạo hoàn toàn là do nhà trường chủ động , bởi nó chính là việc gắn kết nhà trường với doanh nghiệp và quyết định sự tồn tại, phát triển của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Do đó các trường sẽ chủ động thiết kế chương trình đào tạo của mình. Trong đó, thời lượng là phải đảm bảo tối thiểu, còn việc bố trí thời gian học ở trường, học lý thuyết và thời gian đào tạo, thực hành ở doanh nghiệp là do hiệu trưởng trường đào tạo quyết định.

Còn đối với doanh nghiệp, khi tiếp nhận học sinh của trường đến thực tập thì phải cho thực hành đúng chuyên ngành đào tạo.

Bởi thực tế hiện nay, một số doanh nghiệp thường tận dụng học sinh vào các công việc mà doanh nghiệp đang thiếu hụt nhân lực chứ không cho học sinh vào thực hành, thực tập ở những bộ phận theo đúng chuyên ngành mà học sinh được đào tạo ở trường trước đó.

12/10/2018 11:09

TS Phạm Xuân Khánh
??? Có ý kiến cho rằng, việc dành nhiều thời gian đi học để đi thực tế ở doanh nghiệp không khác gì là đi làm thuê chứ không còn phải đi học nữa, ông Phạm Xuân Khánh nghĩ sao về điều này?

TS Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ cao Hà Nội: 

Khi đi thực tập, học tập tại doanh nghiệp, các em tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, vừa có được kiến thức, kỹ năng vừa được doanh nghiệp trả lương cho các em tuỳ theo năng suất hay hiệu quả lao động của các em. Doanh nghiệp cũng được lợi từ hoạt động này. Như vậy có phải là làm thuê hay không? Có lẽ ở đây là do cách hiểu của từng người.

Tất nhiên, bản thân tôi cũng đã đọc trên báo chí nói về vấn đề đưa sinh viên đi thực tập thực tế ở 1 số trường không đúng chuyên môn thì không nên. Vì nếu như vậy sẽ không giúp được nhiều cho sinh viên về kiến thức kỹ năng chuyên môn của các em.

Với Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội chúng tôi đặt ra yêu cầu đó là sinh viên đi thực tế, thực tập, đào tạo tại doanh nghiệp phải đúng và phù hợp với ngành nghề sinh viên theo học. Do vậy sinh viên sẽ được học được làm các công việc thực tế, phù hợp với ngành nghề học và không đặt nặng vấn đề về kiếm tiền trong giai đoạn này.

12/10/2018 11:11

??? Xin hỏi TS Bùi Thị Hạnh, bà đề xuất gì với cơ quan quản lý nhà nước về cơ chế để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường, người học nhằm mở rộng liên kết với doanh nghiệp?

TS Bùi Thị Hạnh - Hiệu trưởng trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật và Thủy sản Bắc Ninh: Muốn gắn kết DN- nhà trường hiệu quả hơn, nhà nước cần có chính sách đặc thù cho các DN liên kết nhà trường, cụ thể có thể hỗ trợ miễn thuế cho DN liên kết với nhà trường trong đào tạo, hướng nghiệp.

12/10/2018 11:13

??? Ông có đề xuất gì với cơ quan quản lý nhà nước, về cơ chế để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường, người học nhằm mở rộng liên kết với doanh nghiệp?

TS Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ cao Hà Nội:  Dưới góc độ là lãnh đạo nhà trường tôi xin có một số đề xuất như sau: Thứ nhất, mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp hiện nay đang là mối quan hệ tự nhiên dựa trên nhu cầu của 2 bên, chưa có được mô hình và cơ chế liên kết phù hợp thực sự, chưa có một tổ chức đứng ra chịu trách nhiệm pháp lý giúp cho mối quan hệ này phát triển bền vững. Do đó cần 1 tổ chức thuộc các hiệp hội công nghiệp, để làm nhiệm vụ nghiên cứu dự báo về nhu cầu phát triển nguồn nhân lực cho từng ngành nghề theo từng giai đoạn, dự báo sự thay đổi của thị trường lao động… để các cơ sở đào tạo có được bức tranh tổng quan về nhu cầu của doanh nghiệp cả số lượng, cơ cấu trình độ, ngành nghề trước mắt và lâu dài để làm căn cứ cho các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo. Tuy nhiên chi phí rất tốn kém.

Thứ hai, ban hành những chính sách cụ thể và đồng bộ để khuyến khích thực hiện mối quan hệ hợp tác này giữa nhà trường và doanh nghiệp, với người tham gia giảng dạy, người học khi học tập ở doanh nghiệp. Ví dụ: doanh nghiệp không được trốn tránh, doanh nghiệp cho sinh viên được đến thực tập, giáo viên đến học tập, rèn luyện tại doanh nghiệp (hiện nay như đi xin)… công nhận hoặc có chính sách biểu dương khen thưởng các doanh nghiệp làm tốt công tác đào tạo.

Thứ ba: cần có những văn bản dưới luật qui định việc sử dụng lao động qua đào tạo để doanh nghiệp có trách nhiệm hơn với các cơ sở đào tạo, với người học nghề. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp FDI tuyển lao động không qua đào tạo, trong đó có lao động chưa tốt nghiệp PTTH để có chi phí nhân công rẻ.

Thứ tư: Tạo điều kiện cho các sở đào tạo NCKH, sản xuất sản phẩm. Trong các cơ sở GDNN chất lượng cao cần có các Trung tâm Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ hoặc doanh nghiệp Khoa học công nghệ để có thể hợp tác với doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất làm ra sản phẩm và thực hiện chuyển giao công nghệ vừa...

12/10/2018 11:19

??? Với học sinh, sinh viên tham gia chương trình học có phần liên kết với doanh nghiệp, nhà trường có cam kết gì với các em khi ra trường?

TS Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ cao Hà Nội:

Việc liên kết đào tạo giữa nhà trường - doanh nghiệp mang lại rất nhiều lợi ích cho các bên như nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp và người học. Đặc biệt trong thời kỳ cách mạng công nghiệp hóa hiện nay thì việc liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp lại càng trở nên cấp thiết.

Mục tiêu của Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội là 100% sinh viên đạt chuẩn đầu ra có việc làm và có thể tự tạo việc làm. Để giải quyết được yêu cầu này, nhà trường thực hiện ký Hợp đồng đào tạo với phụ huynh và sinh viên về việc làm sau khi tốt nghiệp – coi tuyển sinh là tuyển dụng.

Với chương trình liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp chúng tôi đã cùng với doanh nghiệp, sinh viên xây dựng và thực hiện Hợp đồng ba bên về đào tạo tại doanh nghiệp trong đó 100% sinh viên đều được đi thực tế, thực tập, đào tạo kết hợp với doanh nghiệp với thời gian học tại doanh nghiệp chiếm khoảng 20% tổng thời gian toàn khóa học. Đối với các nghề chúng tôi tổ chức đào tạo tại doanh nghiệp thì thời gian này lớn hơn từ 30-40%.

Thông qua Hợp đồng này phát huy được vai trò, trách nhiệm của nhà trường và doanh nghiệp trong công tác phối hợp liên kết đào tạo. Ngoài ra cũng góp phần nâng cao nhận thức của gia đình, người học về công tác liên kết đào tạo nhà trường - doanh nghiệp, góp phần khắc phục tình trạng đào tạo không gắn với thị trường lao động và mất cân đối trong cơ cấu ngành, nghề, trình độ đào tạo hiện nay.

12/10/2018 11:21

TS Bùi Thị Hạnh
TS Bùi Thị Hạnh - Hiệu trưởng trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật và Thủy sản Bắc Ninh cho biết, Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật và Thủy sản Bắc Ninh hàng năm có công tác tư vấn và tuyên truyền cho học sinh. Trường liên kết với DN để tư vấn với học sinh cấp 2, cấp 3. Chính DN giúp nhà trường tư vấn cho các em học sinh. Hiện tại, việc học cao đẳng nghề thì có nhiều thuận lợi: thời gian đào tạo ngắn hơn, chi phí ít hơn và ra trường có việc làm ngay. Bên cạnh đó, các em có cơ hội tranh thủ để học lấy bằng cao hơn nếu muốn.

12/10/2018 11:24

Ông Lê Huy Thức, TGĐ Tập đoàn PMTT: 

Khi lựa chọn hợp tác Cao đẳng Công nghệ cao HN, chúng tôi đã khảo sát năng lực của nhà trường trước đó. Qua đó thấy, trường đầu tư máy móc hiện đại, gần bằng với doanh nghiệp. Vì vậy, khi học viên vào doanh nghiệp, căn cứ trên bảng điểm, chúng tôi không cần đào tạo nghề nữa, mà chỉ đào tạo về tác phong làm việc.

Khi tuyển dụng những người có trình độ cao, doanh nghiệp đặt ra ba vòng, gồm kiến thức trong đại học, các môn lý thuyết cơ bản, kiến thức chuyên ngành tuyển dụng và ỹ năng sống. Nếu người tuyển dụng đạt yêu cầu của cả ba vòng thì được nhận vào DN. Chúng tôi không quan tâm quá nhiều vào bằng cấp.

Về điểm mạnh, điểm yếu của học viên học nghề hiện nay, chúng tôi nhận thấy, các em ở tỉnh xa xác định vào thành phố học nghề thường có thái độ làm việc chăm chỉ, thậm chí còn chủ động hỏi quản đốc có làm thêm giờ, làm thêm vào ngày nghỉ không.

Trong khi đó, những em ở trung tâm thành phố hoặc lân cận, thường đi học nghề theo định hướng của bố mẹ. Do đó, quá trình làm việc, các em có biểu hiện kém tích cực, chủ yếu đối phó.

12/10/2018 11:32

??? Nhà trường đã có những giải pháp gì để tư vấn, hướng nghiệp, hỗ trợ sinh viên lựa chọn nghề nghiệp?

TS Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ cao Hà Nội: 

Ở trường CĐ Nghề Công nghệ cao Hà Nội luôn làm tốt tư vấn, tuyên truyền, định hướng cho các em. Chúng tôi còn tổ chức thành lập trung tâm STEM- trải nghiệm sáng tạo và khởi nghiệp để giúp cho các em học sinh cấp 2, cấp 3 đến nhà trường để học thử nghề, thông qua hình thức trải nghiệm sẽ cho các em trải nghiệm nghề nghiệp trong tương lai tránh học nhầm nghề ngồi nhầm trường.

Để làm được điều đó, trước đây nhà trường tự bỏ ra chi phí để thuê xe, mời nhà trường đưa học sinh đến trường chúng tôi học và trải nghiệm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại đã có một số trường phổ thông các em học sinh tự bỏ tiền, tự tổ chức thành nhóm nhờ nhà trường liên hệ với trường chúng tôi cho các em đến học thử nghề. Như vậy, đã có sự thay đổi nhận thức các em về định hướng nghề nghiệp.

Thông qua những chương trình này trường CĐ Nghề Công nghệ cao Hà Nội chúng tôi tuyển sinh được nhiều sinh viên có điểm đầu vào rất cao 22-23 điểm. Với những điểm cao, đầu vào cao như vậy đã góp phần thay đổi cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề trong lực lượng lao động hiện nay. Với điểm đầu vào cao như vậy các em đáp ứng được chương trình đào tạo cao theo chuẩn quốc tế.

12/10/2018 12:00

Ông Đào Văn Tiến- Vụ trưởng đào tạo thường xuyên, Tổng cục GDNN
??? Hiện nay, các trường nghề đang phải cạnh tranh, thu hút người học với hệ thống các trường cao đẳng, đại học . Theo ông, liệu hoạt động liên kết nhà trường và doanh nghiệp có thể xem là ưu thế chính để trường nghề thu hút người học?

Ông Đào Văn Tiến- Vụ trưởng đào tạo thường xuyên, Tổng cục GDNN:

Việc liên kết với doanh nghiệp thì các trường đại học cũng có liên kết. Tuy nhiên, bản thân các trường nghề luôn đào tạo nhân lực nghề trực tiếp cho các doanh nghiệp và khi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có điều này thì đó chính là ưu điểm và thế mạnh nổi trội của các trường nghề.

Bởi khi các doanh nghiệp liên kết với các trường đào tạo thì điều họ mong muốn chính là trong thời gian ngắn nhất sẽ có được nguồn nhân lực để tạo ra lợi ích cho doanh nghiệp. Và các trường đào tạo nghề sẽ có điều này hơn hẳn các trường cao đẳng, đại học khác.

Đây là một đặc tính, thế mạnh vốn có của các trường nghề, nên những người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải nắm được điều này để phát huy và nâng cao chất lượng đào tạo.

Do đó, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp luôn khuyến khích các trường đa dạng hóa đối tượng tuyển sinh với mọi trình độ, mọi lứa tuổi. Đồng thời, hiện nay, đã có Nghị định 31/2015 quy định các công việc, vị trí làm việc phải sử dụng lao động có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Đang xây dựng nghị định ban hành danh mục các công việc phải sử dụng lao động qua đào tạo.

Thời gian qua một số trường nghề đã tiên phong trong việc liên kết với doanh nghiệp để đào tạo sinh viên và giới thiệu việc làm. Theo đó, sau khi học lý thuyết tại trường, đa số thời gian học sinh, sinh viên sẽ trực tiếp tới doanh nghiệp thực hành, làm việc trên máy móc, thiết bị tại nhà xưởng.

Doanh nghiệp và nhà trường cùng phối hợp xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với kỹ năng nghề cùng tham gia vào quá trình giảng dạy, đánh giá kết quả học tập của người học nghề. 

Việc liên kết này giúp người học có được kiến thức thực tế, nâng cao tay nghề để sau khi ra trường có thể tự tin bước vào làm việc mà không cần phải học lại. Người học được tiếp cận với máy móc, thiết bị hiện đại nhất mà doanh nghiệp đang sử dụng.

Với nhà trường, liên kết với doanh nghiệp giúp trường nâng cao chất lượng đào tạo, tận dụng thiết bị, máy móc tại doanh nghiệp để đào tạo thực hành mà không cần phải mua sắm, đầu tư.

Về phía doanh nghiệp có thể sử dụng được ngay lực lượng lao động là học sinh, sinh viên trường nghề tham gia sản xuất và đánh giá năng lực từng người để có thể tuyển dụng sau khi tốt nghiệp.

Tuy vậy, việc liên kết nhà trường và doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn, như cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện, số lượng doanh nghiệp tham gia liên kết với trường nghề còn hạn chế...

Để cung cấp thêm thông tin tới người học và xã hội, cũng như gợi mở, đề xuất các chính sách để tăng cường hơn nữa liên kết trường nghề và doanh nghiệp, báo Tiền Phong phối hợp cùng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức Tọa đàm trực tuyến để cùng thảo luận về vấn đề trên.

Buổi tọa đàm với chủ đề: Khi trường nghề và doanh nghiệp tìm đến nhau

Thời gian tọa đàm bắt đầu từ 9h30 ngày 12/10/2018.

Các khách mời tham dự và cho ý kiến tại tọa đàm gồm:

1. Lãnh đạo Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp.

2. TS Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ cao Hà Nội.

3. TS Bùi Thị Hạnh - Hiệu trưởng trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật và Thủy sản Bắc Ninh.

4. Ông Lê Huy Thức, Tổng Giám đốc Tập đoàn PMTT

 

Bạn đọc quan tâm tới nội dung buổi tọa đàm có thể gửi câu hỏi cho các khách mời theo địa chỉ Email: lehuuvietbc@gmail.com