Tọa đàm giải pháp nào giải quyết bất cập về trạm thu phí

TPO - Trước thực trạng người dân tại nhiều địa phương tập trung phản đối các trạm thu phí BOT, Báo Tiền Phong tổ chức buổi toạ đàm với chủ đề “Giải pháp giải quyết bất cập về trạm thu phí?”. 
Toàn cảnh buổi tọa đàm.

TƯỜNG THUẬT TRỰC TIẾP

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

19/04/2017 09:22

Cuộc tọa đàm diễn ra từ 9h hôm nay (19/4) tại trụ sở báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương (Hà Nội).

19/04/2017 09:37

Các diễn giả tham gia toạ đàm bao gồm: Đại diện Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và đầu tư, đại diện các địa phương, các nhà đầu tư BOT và Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam…

19/04/2017 09:43

Tổng Biên tập báo Tiền Phong, nhà báo Lê Xuân Sơn

Mở đầu cuộc tọa đàm, Tổng Biên tập báo Tiền Phong, nhà báo Lê Xuân Sơn thay mặt báo Tiền Phong, gửi lời cảm ơn trân trọng tới các vị khách mời tham gia buổi tọa đàm.

"Chúng tôi nghĩ rằng, cuộc tọa đàm này, với nhiều cơ quan liên quan sẽ giúp nhận diện và giải quyết vấn đề BOT.

Gần đây, vấn đề về các trạm thu phí được xã hội rất quan tâm; báo chí và các cơ quan chức năng liên tục mổ xẻ. Một số trạm thu phí đã thu hút sự chú ý của công luận khi người dân địa phương có những phản ứng quyết liệt và tiêu cực, gây nên sự căng thẳng và hại về nhiều mặt: Ảnh hưởng đến an toàn giao thông vận tải, an ninh trật tự xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích và uy tín của doanh nghiệp. Các vấn đề này trở nên bức xúc và cần được giải quyết nhanh chóng.

Các đơn vị quản lý nhà nước, doanh nghiệp và chính quyền địa phương hiện đang tập trung vào vấn đề này. Tuy nhiên việc nhận diện và giải quyết còn lúng túng, trách nhiệm chưa rõ ràng, còn có sự đùn đẩy khiến vấn đề trầm trọng hơn, gây bức xúc cho xã hội.

Vì vậy, buổi tọa đàm hôm nay, chúng ta cần có tiếng nói đóng góp trong việc nhận định và phân tích tình hình, tìm ra nguyên nhân và kiến giải một số giải pháp cho tình trạng này.

Buổi tọa đàm hôm nay tập trung một số vấn đề: Khái quát và nhận diện tình trạng hiện nay, xác định nguyên nhân; Bàn bạc, gợi mở giải pháp tổng thể, xác định trách nhiệm của các đơn vị trong giải quyết các vấn đề về trạm thu phí. Thứ nữa, chúng ta sẽ gợi mở các giải pháp lâu dài cho mô hình BOT – lựa chọn cần thiết trong điều kiện kinh tế đất nước hiện nay", Tổng Biên tập báo Tiền Phong, nhà báo Lê Xuân Sơn phát biểu mở đầu cuộc tọa đàm.

19/04/2017 09:47

Player Loading...

19/04/2017 10:06

Buổi toạ đàm với chủ đề “Giải pháp giải quyết bất cập về trạm thu phí?”.

19/04/2017 10:23

Player Loading...

19/04/2017 10:26

"Quan điểm phát triển đầu tư BOT của Nhà nước là rất đúng đắn. Đường đến đâu, giàu có đến đấy, ai cũng biết điều này. Các địa phương đều khát khao, họ tích cực vận động để đầu tư BOT về địa phương", đại biểu Quốc hội - Chủ tịch HĐQT Công ty Tasco Phạm Quang Dũng.

19/04/2017 10:30

Đại biểu Quốc hội - Chủ tịch HĐQT Công ty Tasco Phạm Quang Dũng cho biết: "Doanh nghiệp hoàn thiện đường nhưng thu phí cũng rất khó khăn. Tôi nghĩ rằng, không phải do người dân hoàn toàn. Chúng ta phải làm rõ về mặt pháp luật. Lúc đăng ký, chúng tôi báo cáo lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đã được Chính phủ, cơ quan địa phương đồng ý. Trước khi cấp chứng nhận đầu tư, Bộ KH-ĐT xin ý kiến thêm một lần nữa về dự án BOT và đã nhận được sự đồng thuận. Thêm nữa, khi quyết định vị trí trạm thu phí, Bộ GTVT tiếp tục xin ý kiến. Đến lúc đó, chúng tôi mới sẵn sàng triển khai dự án. Việc cơ quan nhà nước can thiệp vào hợp đồng của nhà đầu tư là chưa đúng. Đó là lý do, 30 năm Đổi mới, chưa một nhà đầu tư nước ngoài nào dám bỏ vốn vào các dự án đường của nước ta. Đến bây giờ, chúng ta giải quyết không có tình và có lý thì hậu quả rất lớn.

Nhà nước có ngân sách hạn chế, không đủ khả năng đầu tư, nhưng với chính sách và tình trạng xã hội hiện tại, thì không ai muốn đầu tư nữa. Nhà nước phải có biện pháp triệt để để thu hút đầu tư BOT. Tôi cho rằng, càng vay ODA, vốn nước ngoài thì càng phải thu phí, để lấy tiền đoạn đường này, đầu tư phát triển đoạn đường khác. Việt Nam đang vay vốn để đầu tư BOT, nhưng không thu phí thì lấy tiền đâu trả nợ? Một điều cần nói rõ, thu phí là nhà nước thu, không phải nhà đầu tư. Quan tâm đến người dân là đúng, nhưng cần phải có chế tài, chính sách như quy định bán kính cụ thể được miễn và giảm cho dân, mức giảm là bao nhiêu và nhà nước phải có chính sách bù đắp cho nhà đầu tư".

19/04/2017 10:30

Đại biểu Quốc hội - Chủ tịch HĐQT Công ty Tasco Phạm Quang Dũng.

19/04/2017 10:32

"Phải đẩy mạnh truyền thông hơn nữa để phản ánh rõ hiện trạng đang xảy ra ở các trạm thu phí, để người dân hiểu rõ, có trách nhiệm chung tay với Nhà nước giải quyết khó khăn. Chúng ta phải hồi tưởng lại những lúc đường xấu, xe cộ đi lại khó khăn, để hiểu rõ tầm quan trọng của BOT.

Đất nước không thể phát triển nếu không đầu tư cơ sở hạ tầng. Chúng ta phải giải quyết sớm tình trạng hiện nay, để lấy lại niềm tin của người dân và nhà đầu tư. Các nhà đầu tư chúng tôi thấy bức xúc, đầu tư BOT lãi rất thấp, chúng tôi chủ yếu lấy công làm lãi, tạo công ăn việc làm cho công nhân.

Hơn thế, chi phí giải phóng mặt bằng đội lên cao, nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn. Có thể do truyền thông, do nhìn nhận hoặc do hiểu biết, khiến xã hội còn tồn tại nhiều hiểu lầm. Tôi nghĩ vai trò của truyền thông rất lớn và nhà nước phải có định hướng đúng đắn để BOT ở Việt Nam phát triển hơn, giúp người lao động có việc làm, kinh tế phát triển hơn", Đại biểu Quốc hội - Chủ tịch HĐQT Công ty Tasco Phạm Quang Dũng.

19/04/2017 10:34

Đại biểu Quốc hội - Chủ tịch HĐQT Công ty Tasco Phạm Quang Dũng.

19/04/2017 10:42

Player Loading...

19/04/2017 10:55

"Chúng ta đang áp dụng hình thức “thu phí hở”, nên có bất cập là người đi đường dài, đường ngắn mà lại phải trả tiền như nhau. Nếu “thu phí kín” thì sẽ công bằng và chính xác hơn. Nhưng tổng hòa lại thì tôi nghĩ , hai hình thức thu phí cũng một 9 một 10.

Điều kiện đất nước khó khăn, người dân phải chia sẻ với đất nước. Đường BOT không chỉ tạo điều kiện cho người dân đi trên con đường đó mà còn làm lợi cho những con đường khác đã được BOT làm giải tỏa bớt áp lực", Chủ tịch Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông Cienco 4 Nguyễn Tuấn Huỳnh.

19/04/2017 10:58

Chủ tịch Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông Cienco 4 Nguyễn Tuấn Huỳnh.

19/04/2017 11:00

Chủ tịch Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông Cienco 4 Nguyễn Tuấn Huỳnh: "Cienco 4 là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong đầu tư BOT, từ năm 2003 tức đã 14 năm với các dự án như cầu Yên Lệnh, đường tránh TP Vinh...  

Lâu nay, người dân Nghệ An, Hà Tĩnh rất quý chúng tôi vì chúng tôi làm được rất nhiều điều cho địa phương. Vậy, tại sao lúc đầu người dân và dư luận vinh danh các nhà đầu tư BOT mà giờ lại có thái độ trái ngược? Có thể, thời gian vừa qua, có việc tăng giá vé gây bức xúc nhưng chúng ta đầu tư lớn... thì tăng giá là việc tất yếu. Hiện nay có bất cập thì cần giải quyết như thế nào và trong bao lâu?

Chúng tôi khẳng định nhà đầu tư không có lỗi gì trong việc thực hiện trách nhiệm hợp đồng BOT, còn quyền lợi đến nay chắc chắn đang bị ảnh hưởng. Vậy, cơ quan nào chịu trách nhiệm về việc này? Chúng ta phải hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Chúng ta đang áp dụng hình thức “thu phí hở”, nên có bất cập là người đi đường dài, đường ngắn mà lại phải trả tiền như nhau. Nếu “thu phí kín” thì sẽ công bằng và chính xác hơn. Nhưng tổng hòa lại thì tôi nghĩ , hai hình thức thu phí cũng một 9 một 10.

Chủ tịch Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông Cienco 4 Nguyễn Tuấn Huỳnh phát biểu tại cuộc toạ đàm.

Điều kiện đất nước khó khăn, người dân phải chia sẻ với đất nước. Đường BOT không chỉ tạo điều kiện cho người dân đi trên con đường đó mà còn làm lợi cho những con đường khác đã được BOT làm giải tỏa bớt áp lực.

Tôi muốn cơ quan truyền thông, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phải tuyên truyền để người dân thấu hiểu, báo chí không đưa tin giật gân để ảnh hưởng đến nhà đầu tư, gây rối trật tự xã hội.
Tôi thấy có những bài báo tít kiểu như “Nhà đầu tư lợi nhuận khủng” khiến chúng tôi cảm thấy tự ái, mất niềm tin. Xin nói rõ, lợi nhuận đầu tư của chúng tôi được ghi rõ trong hợp đồng là 10 – 11%. Tiền đó chúng tôi phải trả thuế, trả lãi ngân hàng... thì thử hỏi chúng tôi lợi nhuận khủng ở chỗ nào.

Nhà đầu tư mà giảm giá vé, kéo dài thời gian thì chúng tôi rất thiệt hại và nhiều rủi ro. Chúng tôi không kịp thời trả lãi cho ngân hàng, thời gian bảo trì tăng lên... Như vậy tổng hòa chi phí của dự án BOT lại tăng lên.

Chúng tôi là doanh nghiệp, chúng tôi cũng là người dân. Các ngân hàng cho vay thực hiện BOT thường là ngân hàng có vốn nhà nước, tức cũng là tiền của dân.

Địa phương vận động chúng tôi làm, chả mất đồng nào đấu thầu. Nhưng bây giờ địa phương thử vận động xem nhà đầu tư nào dám làm.
Chúng tôi sẵn sàng làm tiếp nhưng chính sách phải rõ ràng, đặc biệt là giới truyền thông phải tuyên truyền thật chính xác. Việc tuyên truyền, kích động như hiện nay khiến nhân viên thu phí BOT làm việc rất mất an toàn và không ổn định tâm lý.

Một thời chúng tôi được vinh danh vì tiên phong nhưng giờ chúng tôi đang bị đối xử như thế nào? Nhà nước đừng bỏ rơi những doanh nghiệp như thế này. Chúng tôi đang nằm chờ và rất lo lắng. Đừng để các phần tử xấu lợi dụng gây mất an toàn xã hội và cũng đừng để chúng tôi mất uy tín. Chúng tôi đang bị ảnh hưởng và nhận lại những điều không tương xứng với những gì chúng tôi đã tâm huyết bỏ ra".

19/04/2017 11:07

19/04/2017 11:08

Ông Lương Văn Sơn - Giám đốc Ban chiến lược đầu tư, Tổng công ty Sông Đà: Cần có chính sách miễn giảm chung cho mọi dự án

"Hiện nay, chúng tôi cơ bản hoàn thành thu phí dự án đèo Ngang (Hà Tĩnh) và đã dừng thu phí, chỉ còn thu phí 1 dự án là đường tránh Hà Tĩnh (trạm thu phí cầu Rác - PV).

Thời gian qua không có vấn đề gì lớn. Nhưng cuối tuần vừa rồi, có vài chục xe tụ tập để phản đối trạm thu phí của chúng tôi. Chúng tôi đã có sự xử lý kịp thời sau vài tiếng xảy ra sự việc bằng hình thức miễn giảm giá vé cho nhân dân ở khu vực thu phí.

Sau đó, chúng tôi đã báo cáo về việc này lên các cơ quan nhà nước và đang chờ được xem xét. Tôi nghĩ nếu xảy ra sự cố thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về doanh nghiệp. Sau đó là các cơ quan chức năng: Bộ GTVT, các cơ quan địa phương.

Tôi nhất trí với anh Phạm Quang Dũng là phải có giải pháp làm sao để dân đỡ phản ứng. Đây là giải pháp chung dành cho tất cả các dự án BOT, không riêng dự án nào cả.

Lợi ích của BOT đem lại là rất lớn đối với cả doanh nghiệp và xã hội. Nhưng lợi ích cho xã hội thì nhiều người cũng chưa hiểu hết. Báo chí cần phản ánh một cách khách quan để hình ảnh đầu tư BOT trong nước trở nên tốt đẹp, thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Còn cứ như thế này thì nhà đầu tư nước ngoài không dám đầu tư vào chúng ta. Các chính sách cũng phải thống nhất vì nếu không sẽ mang đến rủi ro rất lớn cho các nhà đầu tư".

19/04/2017 11:10

Player Loading...

19/04/2017 11:14

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh: Không nên đặt trạm thu phí gần đô thị

Từ ngày 20-24/3 vừa rồi, tôi có tham gia đoàn giám sát của Quốc hội đối với các dự án BOT phía Nam. Qua chuyến đi này, tôi vỡ ra được nhiều điều. Tôi biết được quan điểm của người dân, khó khăn của nhà đầu tư BOT. Hôm nay, tôi không muốn nói nhiều về hiện trạng, những gì đã xảy ra, mà tôi muốn nhấn mạnh về giải pháp.

Quan điểm của tôi, về hiện trạng người dân quây trạm, nối đuôi nhau gây ùn tắc giao thông. Đây là hành động tự phát của người dân sống xung quanh trạm thu phí BOT, không phải do đội ngũ ô tô vận tải.
Người dân bức xúc như vậy thể hiện sự bất cập về việc đặt trạm thu phí không hợp lý. Ở miền Nam, những trạm thu phí xây dựng lên được người dân ủng hộ, tung hô vì cho họ đường tốt để lưu thông.

Nhà nước, nhà đầu tư nói đúng quy trình, tôi đồng ý. Nhưng quy trình đó có vấn đề. Người dân sống quanh trạm BOT, hàng ngày đi qua nhiều lần, mỗi lần qua lại thu phí thì không thể chấp nhận được.
Tôi đề nghị, phải lấy ý kiến người dân, còn lãnh đạo địa phương ai cũng sẽ ủng hộ. Nhà đầu tư phải giải thích rõ cho dân, mọi người sẽ đồng tình. Lấy ý kiến đầy đủ, đa chiều thì quy trình sẽ đúng đắn.

Hơn thế, đừng đặt BOT ở đầu đường hoặc cuối đường, gần các thành phố, thị xã, thị trấn bởi người dân qua lại nhiều. Chúng tôi đồng tình là BOT thu phí khó khăn hơn đường cao tốc, tuy nhiên vẫn phải có giải pháp thiết thực để người dân tâm phục khẩu phục. Nếu doanh nghiệp BOT tử tế, người dân sẽ hiểu điều đó và không gây khó khăn gì".

19/04/2017 11:23

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh

19/04/2017 11:25

"Có thể khẳng định, việc đặt các trục BOT có cái không phù hợp. Nếu đặt vào khu đông dân cư thì khiến dân rất bức xúc, cái đó là không nên.
Khi làm, anh không tự mình giải thích những cái lợi cho dân, thì người dân sẽ bức xúc", Đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội, TS Lưu Bình Nhưỡng.

19/04/2017 11:28

Đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội, TS Lưu Bình Nhưỡng: Doanh nghiệp nên “kín kẽ” với người dân

Tôi thực sự chia sẻ ý kiến các nhà đầu tư. Tôi cũng khẳng định rằng, lợi ích BOT là vô cùng to lớn. Tuy nhiên, có thể khẳng định, việc đặt các trục BOT có cái không phù hợp. Nếu đặt vào đường khu đông dân cư thì khiến dân rất bức xúc, cái đó là không nên.

Khi làm, anh không tự mình giải thích những cái lợi cho dân, thì người dân sẽ bức xúc. Nếu lấy ý kiến, cho bà con đề xuất thì đã khác.

Tôi là đại biểu quốc hội và tôi hứa nếu sai thì tôi sẽ phản đối đến cùng. Cái gì lợi cho dân là làm. Sứ mệnh của chúng ta là làm sao có lợi cho dân, cho nhà nước.

Tôi cho rằng những bất cập ở trạm thu phí bắt đầu phải từ chính doanh nghiệp. Không phải vì doanh nghiệp làm sai pháp luật mà vì doanh nghiệp làm chưa kín kẽ".

19/04/2017 11:30

Đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội, TS Lưu Bình Nhưỡng

19/04/2017 11:38

Bà Vũ Quỳnh Lê, Phó cục trưởng cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch Đầu tư: Cần có truyền thông toàn xã hội

"Với góc nhìn cá nhân, cám ơn báo Tiền Phong đã tạo điều kiện cho các chuyên gia như tôi được nghe những ý kiến đa chiều từ các doanh nghiệp và một số cơ quan nhà nước như này. Sau khi nghe trao đổi trong buổi tọa đàm ngày hôm nay, tôi xin có vài ý kiến về tầm vĩ mô hơn.

Khi làm dự án thì phải tính đến kinh tế xã hội, khả thi về tài chính. Anh Phạm Quang Dũng cũng nói, các dự án BOT đều dựa vào nguồn doanh thu từ thu phí, chưa tính có trường hợp doanh thu chưa đủ bù đắp để hoàn vốn.

Tôi cũng thống nhất với các anh về vấn đề truyền thông, tôi được đi tham khảo kinh nghiệm 1 số nước về việc phát triển hệ thống hạ tầng. Ví dụ như Singapore, trước khi lên kế hoạch 5 năm thì họ có bản truyền thông xã hội để chính quyền đồng hành với người dân cùng phát triển, từ đó huy động sức doanh nghệp, sức dân, nên các dự án hạ tầng được diễn ra khá trôi chảy.

Về vĩ mô, như ý kiến của một số doanh nghiệp là với thực trạng hiện trạng này thì không dám đầu tư nữa. Tôi nghĩ rằng, chúng ta có nhiều năm kinh nghiệm làm BOT nhưng chúng ta phải hiểu đến khả năng của toàn xã hội, nhìn về khía cạnh thị trường.

Như anh Nguyễn Tuấn Huỳnh nói, chúng tôi cũng nhìn thấy bất cập trong cơ chế theo cái nhìn từ nhà đầu tư. Nếu không có cơ chế thị trường, cạnh tranh, đảm bảo các dự án có khả thi về tài chính thì dự án BOT khó phát triển trong thời gian tới".

19/04/2017 11:40

Bà Vũ Quỳnh Lê, Phó cục trưởng cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch Đầu tư

19/04/2017 11:45

Player Loading...

19/04/2017 12:01

Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng vụ Đối tác công tư, Bộ Giao thông Vận tải: Nước xa không cứu được lửa gần, địa phương mới là quan trọng.

BOT phức tạp nên chúng ta rất khó có thể luận giải một cách rõ ràng. Trên thế giới, có 2 hình thức thu phí  kín và hở. Về vấn đề làm BOT trên đường cũ, ở Mỹ cũng có.

Đã thu phí lượt, phí hở thì chắc chắn sẽ có bất cập là không thể mang lại sự công bằng tuyệt đối cho tất cả các đối tượng. Người làm chính sách, nếu làm tốt thì phải mang lại lợi ích cho đại đa số người dân.
Nhà đầu tư cũng chịu thiệt rất nhiều. Chẳng hạn, toàn bộ xe cộ đi từ Nghi Xuân vào Hà Tĩnh nơi Nhà đầu tư đi qua đường BOT do Cienco 4 làm nhưng nhà đầu tư không thu phí được. 

Phản ánh của người dân có lý nhưng cần sự chia sẻ chung. Người dân bị bất cập nhưng nhà đầu tư cũng bất cập. Do đó nhà đầu tư và doanh nghiệp cần có sự chia sẻ với những khó khăn của đất nước. Không thể công bằng một cách tuyệt đối được.

Vấn đề thứ hai, trước đây, tại sao có trạm thu phí nhưng không ai phản đối. Người dân khi đó rất chia sẻ với Chính phủ. Nhưng cách tiếp cận của chúng ta với BOT chưa toàn diện nên giờ đây người dân nói là nhà đầu tư lãi khủng, họ không còn niềm tin nữa. Chúng ta phải minh oan cho doanh nghiệp để người dân lấy lại niềm tin.

Về bất cập trạm thu phí đặt ngoài vị trí dự án (Trưởng ban Kinh tế - xã hội báo Tiền Phong Phạm Đình Thắng đặt câu hỏi) Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Danh Huy cho biết: Trạm thu phí đặt ngoài phạm vi dự án gồm có Trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội) thu phí hoàn vốn cho đường tránh TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), trạm ở Bỉm Sơn (Thanh Hóa), thu phí QL 5 hoàn vốn cho đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. 

Về bất cập thì tùy mức độ nhưng đã thu phí thì đều có bất cập cả. Ngay từ lúc làm, bộ Tài Chính cũng dự liệu một số bất cập và đưa ra một số biện pháp như dùng vé tháng. Với tư cách cá nhân, giải quyết vấn đề cần có thời gian, không thể giảm phí ngay mà phải có quy trình. 

Về việc chậm vào cuộc của các cơ quan chức năng đối với tình trạng người dân phản ứng tại trạm thu phí, ông Huy cho hay: Khi có thông tin về trạm thu phí Bến Thủy, chúng tôi cử người ngay vào làm việc. Chúng tôi rất chia sẻ với nhà đầu tư. Bộ GTVT không được bỏ rơi và không thể bỏ rơi nhà đầu tư. Bên cạnh đó cũng rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Nước xa không cứu được lửa gần. Bộ ở Hà Nội, còn địa phương ở đó mới là quan trọng.

Về giải pháp lâu dài để giải quyết tình trạng bức xúc tại tram thu phí hiện nay, ông Huy cho biết, Bộ GTVT sẽ cùng các bộ ngành liên quan, nhà đầu tư, ngân hàng xây dựng một chính sách chung, theo hướng: Sẽ miễn giảm cho người dân xung quanh trạm thu phí theo khoảng cách và mức độ. Chẳng hạn, cách trạm thu phí bao nhiêu km sẽ được miễn hoàn toàn, cách bao nhiêu km sẽ được miễn 70%, 50% hay 20% trạm thu phí.

19/04/2017 12:10

+Nhà báo Phạm Đình Thắng – Trưởng ban Kinh tế Xã hội Báo Tiền Phong: Trước đây, người dân Hà Tĩnh vốn ủng hộ Cienco 4, hiện nay họ bức xúc có nhiều nguyên nhân, trong đó họ cho rằng Cienco 4 gây khó khi triển khai hỗ trợ giảm phí. Lãnh đạo Cienco 4 nghĩ gì về điều này?

Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Cienco 4: Trong giai đoạn chúng tôi đầu tư, các lãnh đạo đều vào cuộc và ủng hộ tuyệt đối. Chúng tôi làm đường xong còn trồng thêm hai hàng cây hai bên bằng chi phí chúng tôi tự bỏ ra. Chúng tôi cũng làm rất nhiều công trình có lợi cho địa phương. Sau một thời kì dài, 14 năm, tại sao lúc này dân lại tạp trung phản đối, gây khó khăn cho doanh nghiệp? Khi có sự cố, chúng tôi đã đề ra phương án giải quyết nóng bằng cách giảm phí cho người dân bằng chính thu nhập của chúng tôi. Nhưng gần đây, khi chúng tôi đề nghị địa phương cung cấp danh sách các chủ hộ địa phương để giảm phí. Nhưng địa phương lại nói rằng đó là việc của nhà đầu tư. Chúng tôi không hề gây khó dễ gì cả.

19/04/2017 12:17

+ Nhà báo Phạm Đình Thắng, Trưởng Ban Kinh tế - Xã hội Báo Tiền Phong: Các ý kiến về trạm thu phí gần đô thị nên gây bức xúc rất xác đáng. Bộ GTVT có thể tính toán dời các trạm ra xa đô thị không thưa ông?  

- Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng vụ Đối tác công tư, Bộ Giao thông Vận tải: Ví dụ trạm Bến Thủy, không phải là mới, phải 10 năm rồi. Nếu di dời, chúng ta phải bỏ ra 70 tỷ.  70 tỷ đó nếu đầu tư, phải cho nhà đầu tư tiếp tục thu của dân, tôi cho rằng rất lãng phí. 

Vấn đề thứ 2 là di dời về đâu? Di rời ra phía Bắc hay Nam thì đều gần với các trạm khác. Do đó chưa thể giải quyết được triệt để, lại ảnh hưởng đến người dân gần nơi chuyển đến. Vì thế, tôi ủng hộ phương án hỗ trợ người dân ở khu vực gần trạm.

19/04/2017 12:18

Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng vụ Đối tác công tư, Bộ Giao thông Vận tải: 

19/04/2017 12:26

Kết thúc tọa đàm, nhà báo Lê Xuân Sơn – Tổng biên tập Báo Tiền Phong cho biết có thể đúc kết một số nội dung:

Một là, hình thức BOT rất quan trọng đối với sự phát triển hệ thống hạ tầng giao thông của nước ta.

Hai là, trong thời gian vừa qua, chúng ta nói nhiều về bất cập của BOT mà chưa nói đến lợi ích của nó, tạo nên dư luận không thuận lợi cho BOT.

Thứ ba, các diễn giả chưa thống nhất về căn nguyên của các vấn đề liên quan đến BOT, trạm thu phí thời gian qua. Doanh nghiệp thì cho rằng nhận thức của người dân tại chỗ chưa thật đúng, sự giải quyết của cơ quan chức năng không rốt ráo nên doanh nghiệp cảm thấy đơn độc, khó khăn. Một số đại diện khác cho rằng doanh nghiệp là đơn vị chịu trách nhiệm chính và phải chủ động.

Bốn là, các diễn giả cũng đề cập đến vai trò của truyền thông. Đôi khi, các doanh nghiệp cũng kêu ca rất nhiều vì báo chí thường nhìn vào mặt xấu nhiều hơn. 

Tựu chung lại, hiện nay đang xảy ra tình trạng xung đột lợi ích tại một số trạm thu phí, dẫn đến căng thẳng và xã hội đặc biệt quan tâm. Có nguyên nhân xuất phát từ trực tiếp địa phương, có nguyên nhân xuất phát từ chính sách. 

Dù chưa thể đi đến cùng, đưa ra các chính sách cụ thể nhưng đây cũng là diễn đàn để các cơ quan đại diện tiếng nói của người dân, các doanh nghiệp, bộ ngành trao đổi, bộc bạch, là khởi đầu mang đến đóng góp tích cực cho việc giải quyết vấn đề.

Tọa đàm diễn ra từ 9h ngày 19/4, tại trụ sở báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương.

Các diễn giả tham gia toạ đàm dự kiến bao gồm: Đại diện Uỷ ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và đầu tư, đại diện các địa phương, các nhà đầu tư BOT và Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam…

Tọa đàm hướng đến các mục tiêu: Làm rõ nguyên nhân dẫn đến những bức xúc của người dân đối với các trạm thu phí; gợi mở giải pháp lâu dài, tổng thể để giải quyết vấn đề, chỉ rõ cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết; góp phần tạo môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp (doanh nghiệp vận tải, chủ đầu tư dự án).

Thời gian qua, tình trạng người dân tập trung phản đối tại các trạm thu phí BOT diễn ra căng thẳng trên diện rộng. Các trạm thu phí đã xảy ra hiện tượng này bao gồm: Trạm thu phí cầu Bến thuỷ (ranh giới giữa Nghệ An và Hà Tĩnh), Trạm thu phí cầu Hạc Trì (Phú Thọ), Trạm thu phí Lương Sơn (Hoà Bình), trạm thu phí QL 32 (huyện Tam Nông, Phú Thọ), Trạm thu phí Quán Hàu (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình)...

Sau khi Bộ GTVT đưa ra giải pháp tháo gỡ căng thẳng tại trạm thu phí Cầu Bến Thuỷ hôm 11/4 vừa qua, tình trạng người dân tập trung lại tiếp tục xảy ra tại Trạm thu phí Cầu Rác (Hà Tĩnh).

Nếu không có giải pháp thấu đáo, mang tính hệ thống, các căng thẳng về trạm thu phí có thể sẽ tiếp diễn, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn giao thông.

Chương trình toạ đàm được truyền hình trực tuyến trên trang Tiền phong điện tử www.tienphong.vn, kênh Youtube và Fanpage của Báo Tiền phong.

Trân trọng kính mời bạn đọc theo dõi và tham gia đặt câu hỏi cho các khách mời thông qua địa chỉ Email: online@baotienphong.com.vn, chức năng bình luận dưới bài tường thuật trực tiếp buổi toạ đàm đàm trên báo Tiền Phong điện tử www.tienphong.vn hoặc Fanpage “Báo Tiền Phong” trên Facebook.