Tình hình 1.500 lao động Việt Nam tại Libya đang như thế nào?

Trước tình hình chiến sự đang có dấu hiệu leo thang tại Libya, nhiều doanh nghiệp đã chủ động lên phương án đưa 1.500 lao động về nước và có mức hỗ trợ ban đầu để lao động chủ động về quê.
Ngóng đợi người thân từ Libya về nước năm 2011. Ảnh: Phong Cầm

Có thể phải đưa lao động qua Tunisia


Ngày 31/7, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Nam, Phó Tổng giám đốc Cty Cung ứng nhân lực Quốc tế và Thương mại - Sona (thuộc Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trong tổng số 510 lao động của Cty làm việc tại Libya, hiện có 127 người về nước an toàn. Với số lao động còn lại, vì làm việc cách thành phố Tripoli (điểm nóng giao tranh) khoảng 1.000 km nên các chủ sử dụng khẳng định là không bị ảnh hưởng. 

“Hiện, khoảng gần 200 lao động đã có kế hoạch di tản. Số lao động này vẫn đang ở trong trại. Nếu bất ổn xảy ra, sẽ chia một đoàn di tản sang Tunisia; đoàn còn lại tập trung tại sân bay Sirte để chủ sử dụng đưa về nước”, ông Nam cho biết.

Cũng theo ông Nam, tại điểm nóng thành phố Benghazi, Cty Sona có 5 lao động. Hiện, ba lao động đã rời khỏi nơi đây; hai người còn lại đang liên lạc thường xuyên với Đại sứ quán để chủ động về kế hoạch di tản. Được biết, đa số lao động của Sona đã làm việc từ 3 tháng đến hơn 2 năm. 

Để kịp thời hỗ trợ lao động, Cty Sona đã quyết định sẽ tuyển chọn toàn bộ lao động Libya về nước sang Ả rập Xê út làm việc. Cụ thể, với người về nước trước 3 tháng, sẽ không phải nộp phí; lao động làm việc tại Libya từ 3-6 tháng sẽ chỉ phải nộp một khoản phí làm visa (2 triệu đồng/người); lao động làm việc trên 6 tháng chỉ nộp khoản phí thấp.

“Ngoài việc được tuyển chọn sang Ả rập Xê út làm việc, các lao động từ Libya đã về nước còn được Cty hỗ trợ 1 triệu đồng để lo tiền tàu xe về quê”, ông Nam nói.

Cung ngày, ông Nguyễn Vạn Xuân, Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần Phát triển Quốc tế Việt Thắng (VTC Corp) cho biết, 97 lao động của VTC Corp hiện đang bị kẹt tại Libya chưa thể về nước. Tuy nhiên, đa số lao động của VTC Corp làm việc tại tỉnh Ubari, nằm giữa vùng bất ổn Tripoli và Banghazi. 

“Chỉ có 4 lao động làm việc tại điểm nóng Tripoli. Để nắm thông tin di tản, cứ sau vài tiếng, 4 lao động trên lại liên lạc với Sứ quán một lần”, ông Xuân nói.

Được biết, ngoài Sona và VTC Corp, Cty cổ phần nhân lực và thương mại Vinaconex (Vinaconexmec) có số lượng lao động làm việc tại Libya nhiều nhất với 700 người. Để tìm hiểu phương án đưa lao động của Vinaconexmec về nước, PV Tiền Phong đã nỗ lực liên lạc nhiều lần với ông Nguyễn Văn Hiệp, Tổng giám đốc Vinaconexmec nhưng bất thành.

Hơn 200 lao động sang Thổ Nhĩ Kỳ

Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết, theo thông tin từ ông Nguyễn Thế Cường, Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, trong số hơn 1.500 lao động Việt Nam làm việc tại Libya, có 206 lao động Việt Nam làm việc cho một tập đoàn của Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện, tập đoàn này đã đưa toàn bộ số lao động này về Thổ Nhĩ Kỳ để đảm bảo an toàn.  

Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã phối hợp với tập đoàn nói trên để lên kế hoạch đưa lao động về Việt Nam an toàn. Theo ông Nguyễn Thế Cường, Đại sứ quán Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận cũng như hỗ trợ thông tin cho người lao động Việt Nam ở Libya theo số điện thoại khẩn cấp của Đại sứ quán là 00905346375328.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ,TB&XH) cho biết, tình hình biến động ở Libya đã diễn ra cách đây 2-3 tuần. Các phe phái có giao tranh, chủ yếu là ở hai thành phố lớn của Libya là Tripoli và Benghazi. Tại hai thành phố này, có khoảng 200 lao động Việt Nam đang làm việc. “Tổng số lao động Việt Nam tại Libya là 1.750 người, nên có thể nói hiện có khoảng 1.500 lao động Việt Nam làm việc tại các khu vực khác vẫn an toàn”, ông Quỳnh nói.

Ngoài hai thành phố bất ổn, có những nơi tại Libya vẫn rất yên bình, điều kiện làm việc rất tốt.

Theo ông Quỳnh, sau khi xảy ra giao tranh tại Tripoli và Benghazi, Bộ LĐ,TB&XH đã phối hợp với Bộ Ngoại giao, thường xuyên liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Libya để nắm tình hình bạo động tại đây. Bộ Lao động cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp thường xuyên nắm tình hình lao động hằng ngày. Thông tin tình hình về lao động, các doanh nghiệp phải báo cáo với Cục hằng ngày. 

“Đối với lao động ở hai thành phố có giao tranh, Bộ LĐ,TB&XH đã báo cáo Thủ tướng và sớm đưa lao động đang làm việc tại đây về nước”, ông Quỳnh cho biết.

Tại những khu vực nằm xa điểm nóng giao tranh, Bộ LĐ,TB&XH cũng đã báo cáo với Thủ tướng, đề xuất phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam Libya để theo dõi tình hình lao động. Tùy theo tình hình, nếu diễn biến xấu, sẽ kịp thời đưa lao động trở về. Trong thời gian tới, Việt Nam cũng sẽ không đưa thêm lao động mới sang Libya.

Công bố đường dây nóng hỗ trợ lao động

Bộ Ngoại giao cho biết, Đại sứ quán Việt Nam tại Libya đang theo dõi sát tình hình và cung cấp hai đường dây nóng để kịp thời đưa lao động Việt Nam về nước khi cần thiết. Phần lớn lao động Việt Nam đang ở tại những khu vực chưa xảy ra chiến sự. Đại sứ quán Việt Nam tại Tripoli hiện đã thiết lập hai đường dây nóng 24/24 để kết nối với các công dân Việt. 

Theo đó, các lao động có thể gọi đến số 00218.926903041 hoặc 00218.923654587, cùng với hotline của Cục Lãnh sự tại Hà Nội 0084.918370497. 

Hiện, Bộ Ngoại giao cũng đang phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐ,TB&XH, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Libya và các nước trong khu vực theo dõi sát tình hình và có phương án cần thiết, phù hợp để đảm bảo an toàn cho công dân Việt Nam tại Libya.

Đây là lần thứ hai vì tình hình bất ổn khiến lao động Việt Nam làm việc tại Libya phải về nước. Năm 2011, khi tình hình Libya xảy ra bất ổn, Việt Nam đã phải sơ tán hơn 10.000 lao động về nước. Tháng 2/2012, khi quốc gia này ổn định, một số lao động được thí điểm đưa trở lại làm việc.