Tin mới về nghi vấn Sở TN&MT Hà Tĩnh cấp 'bảo bối' cho Formosa

TP - Sau khi Tiền Phong phản ánh Chi cục Bảo vệ môi trường (BVMT), Sở TN&MT Hà Tĩnh cấp “bảo bối” là kết luận về chất thải công nghiệp thông thường để Formosa tuồn chất thải nguy hại ra ngoài. Trao đổi với PV Tiền Phong, một cán bộ công tác lâu năm trong lĩnh vực môi trường ở Hà Tĩnh khẳng định, Chi cục BVMT không đủ thẩm quyền trong việc lấy mẫu, phân tích.
Rác thải của Formosa tại Kỳ Anh. Ảnh: CTV.

Trả lời PV Tiền Phong, ông Đặng Bá Lục, Chi cục trưởng Chi cục BVMT khẳng định việc lấy mẫu do đơn vị thực hiện đúng quy trình. Tuy nhiên, trao đổi với PV Tiền Phong, một cán bộ công tác lâu năm trong công tác môi trường ở Hà Tĩnh (xin được giấu tên) khẳng định, căn cứ vào nội dung trong “bảo bối” mà Sở TN&MT Hà Tĩnh kết luận cho Formosa thể hiện rất rõ sai phạm và trái thẩm quyền.

Theo phân tích của vị cán bộ này, tại quy định về đơn vị lấy mẫu, phân tích của QCVN 50:2013/BTNMT về ngưỡng nguy hại đối với bùn thải nêu rất rõ: Đơn vị lấy mẫu, phân tích phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường hoặc được cơ quan quản lý nhà nước về môi trường có thẩm quyền chỉ định. Phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc lấy mẫu và kết quả phân tích mẫu làm cơ sở để phân định và quản lý bùn thải. Phải cử cán bộ có đủ năng lực tiến hành lấy mẫu và lập biên bản lấy mẫu kèm theo. Phải áp dụng đúng nguyên tắc lấy mẫu và phương pháp xác định quy định tại Quy chuẩn này…

“Trong khi ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh trả lời không biết việc Chi cục BVMT cấp cho Formosa “bảo bối” này. Điều này thể hiện rõ sự thiếu trách nhiệm của vị tư lệnh ngành môi trường của tỉnh Hà Tĩnh. Cũng như thẩm quyền của Chi cục BVMT ở đây là không có”, vị cán bộ có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực môi trường nói.

Về nguyên tắc lấy mẫu, phân tích và phân định bùn thải quy định việc lấy mẫu phải vào ít nhất 03 ngày khác nhau, thời điểm lấy mẫu của mỗi ngày phải khác nhau (đầu, giữa và cuối của một ca hoặc mẻ hoạt động). Phải khuấy, trộn đều trước khi lấy mẫu bùn thải, lấy ít nhất 03 mẫu đại diện ngẫu nhiên ở các vị trí khác nhau. Việc xác định một dòng bùn thải là chất thải nguy hại hay không phải căn cứ vào ngưỡng nguy hại của các thông số trong bùn thải. Nếu kết quả phân tích mẫu của dòng bùn thải cho thấy ít nhất 01 thông số trong bùn thải vượt ngưỡng nguy hại tại bất cứ thời điểm lấy mẫu nào thì dòng bùn thải đó được xác định là chất thải nguy hại.

“Quy định rõ ràng như vậy, việc lấy mẫu của Chi cục BVMT là không đúng. Nhẽ ra Chi cục BVMT phải hướng dẫn các quy định cụ thể cho Formosa để họ thuê một đơn vị đủ điều kiện theo quy định thực hiện việc này. Rõ ràng Chi cục BVMT không có chức năng lại đi tiến hành lấy mẫu không đúng, đơn vị phân tích lại là một đơn vị khác. Tất nhiên kết quả sẽ không bao giờ chính xác được”, vị cán bộ này khẳng định.

Theo vị cán bộ này, việc trả lời của lãnh đạo Sở TN&MT Hà Tĩnh trên báo chí về sự việc thể hiện rõ sự thiếu trách nhiệm. “Luật BVMT, Nghị định 38, Thông tư 36 về việc quản lý chất thải thể hiện rất rõ trách nhiệm của từng đơn vị cụ thể. Trong đó có cụ thể là Sở TN&MT phải quản lý hoạt động và các hồ sơ, báo cáo, cập nhật cơ sở dữ liệu, kê khai của chủ nguồn thải”, vị cán bộ này phân tích.

Việc Formosa dùng “bảo bối” do Sở TN&MT Hà Tĩnh cấp cho để tuồn chất thải ra ngoài gây hoang mang và phẫn nộ cho người dân. Để dẫn đến sự việc này là hậu quả của sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền các cấp, sở TN&MT Hà Tĩnh. Dư luận đang chờ một bản kết luận điều tra đầy đủ, rõ ràng, nghiêm minh về trách nhiệm của các đơn vị liên quan của Công an Hà Tĩnh.