Chị Mỹ có lẽ là một trong số rất ít người Cờ Lao ở xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang hát được dân ca của dân tộc mình. Thanh niên Cờ Lao giờ cũng không nói được tiếng Cờ Lao và không biết hát dân ca.
Chúng tôi đã có gần một tuần rong ruổi trên cao nguyên Đồng Văn, len qua các ruộng ngô bạt ngàn mới vào tới nhà người Cờ Lao ở thôn Mã Chề, xã Sính Lủng. Ngô vẫn là lương thực chủ yếu của người dân vùng cao Hà Giang và với người Cờ Lao cũng thế. Chị Mỹ bảo cha mẹ, anh chị đã dạy chị hát dân ca. “Thanh niên Cờ Lao giờ gọi điện thoại cho nhau ríu rít, cưỡi xe máy vi vu ngoài đường, nhưng không nói được tiếng dân tộc mình”, chị Mỹ nói.
Ông Hùng Đại Kỳ, Trưởng phòng nghiệp vụ văn hóa Sở VHTT & DL Hà Giang nói, Cờ Lao là một trong những dân tộc ít người của Việt Nam; ngôn ngữ Cờ Lao đang có nguy cơ biến mất.
Ngôn ngữ truyền miệng
Theo Bí thư đảng ủy Sình Văn Sẻo, xã Sính Lủng là nơi tập trung đông người Cờ Lao nhất của tỉnh Hà Giang, trong đó chủ yếu ở thôn Mã Chề, thôn Cá Ha với khoảng 40 hộ (khoảng 300- 400 người). Người Cờ Lao sống rải rác ở Pú Y, Phù Lá và rất ít ở Pu Péo của Hà Giang. Ông Sẻo bảo, đa số người trẻ dân tộc Cờ Lao ở xã Sính Lủng không nói được tiếng Cờ Lao và tất nhiên không biết hát dân ca Cờ Lao.
Tôi hỏi một số thanh niên người Cờ Lao đang làm cán bộ ở xã Sính Lủng có nói được tiếng Cờ Lao không, các bạn đều lắc đầu: “Khó lắm, không nói được”. Một nhóm bạn trẻ người Cờ Lao đang đứng tán chuyện bên ngoài trụ sở UBND xã nhưng bằng tiếng Mông. Khi được hỏi có nói được tiếng Cờ Lao không, các em cũng bảo: “ Không đâu à. Khó lắm. Khó lắm”.
Trong số 60 người Cờ Lao theo học lớp hướng dẫn hát dân ca tiếng Cờ Lao do sở văn hóa tổ chức, còn khoảng 4-5 người có thể hát được. Ngoài chị Vần Thị Mỹ có anh Vần Dũng Pó, 43 tuổi, anh Sình Mi Pó, 41 tuổi. Anh Vần Dũng Pó nói: “Trước đây chưa có vợ, tôi làm quen bạn gái bằng dân ca Cờ Lao. Chúng tôi ngồi cạnh nhau, tâm sự, rồi bạn trai hát trước tặng bạn gái một bài. Bạn gái lại hát đáp lại và làm quen, và yêu nhau”.
Chị Vần Thị Mỹ đang hát ru con bằng dân ca Cờ Lao.
Anh Sình Mi Pó nói: “Tôi biết hát dân ca Cờ Lao từ năm tôi 12 tuổi. Đều do bố mẹ tôi dạy đấy”.
Ông Hùng Đại Kỳ cho biết, tiếng Cờ Lao gốc toàn âm hơi và mũi, không như tiếng Mông, tiếng Kinh. Vì thế người Cờ Lao nói như chim hót. Tiếng Cờ Lao nguyên bản cực kỳ khó học vì âm nọ nối âm kia. Do không có chữ viết, chủ yếu là truyền từ đời nọ sang đời kia, ngôn ngữ này đang có nguy cơ tuyệt chủng nếu không có các biện pháp bảo tồn kịp thời.
Chị Vần Thị Mỹ bảo, dân ca Cờ Lao rất mộc mạc và dung dị. Người Cờ Lao hát khi dựng nhà với mong muốn chủ nhân khỏe mạnh, nhà cửa vững chắc cả đời phát triển, làm ăn gặp nhiều may mắn, con cháu các đời tiếp theo sinh sống ổn định. Dân ca Cờ Lao được hát trong ngày cưới để chúc mừng cô dâu chú rể trăm năm hạnh phúc, con cháu đầy đàn. Ngoài ra, khi vui chơi tết, mọi người trong làng bản sum họp hát chúc mừng cả làng có sức khỏe, mong muốn anh em trong dòng họ cùng đồng sức đồng lòng…
Mai một
Ông Kỳ cho biết thêm, hiện chỉ có người Cờ Lao ở xã Sính Lủng có thể nói tiếng Cờ Lao gốc, có pha một chút tiếng Trung, còn người Cờ Lao ở Hoàng Su Phì cơ bản đã mất gốc, pha với tiếng Trung tới 50% và trộn thêm với tiếng Nùng. Người Cờ Lao ở Phố Bản, Đồng Văn nói toàn tiếng Trung.
Ông Vần Dũng Pao, 76 tuổi ở xã Sính Lủng cho biết: “ Dân tộc Cờ Lao không có chữ viết, nên ngôn ngữ nào được sử dụng nhiều thì còn, ngôn ngữ nào ít sử dụng thì mất. Trước kia, tùy theo địa bàn sinh sống mà phân ra Cờ Lao trắng, Cờ Lao xanh, Cờ Lao đỏ. Người Cờ Lao xanh và trắng chủ yếu sống ở Hà Giang và người Cờ Lao đỏ ở Phú Thọ. Mỗi ngôn ngữ có khác nhau đôi chút. Chẳng hạn, ngôn ngữ hàng ngày là Cờ Lao trắng, còn ngôn ngữ Cờ Lao xanh chủ yếu dùng để đọc trong lễ cúng ma. Vì nói khó quá, trẻ con lớn lên chỉ nói Cờ Lao trắng. Tiếng Cờ Lao trắng còn, Cờ Lao xanh là mất hẳn. Các tiếng còn lại giờ không ai biết nữa”.
Ông Pao cho biết mình nói được tiếng Cờ Lao trắng, tiếng Mông và một chút tiếng Kinh. Ra đường thì chủ yếu nói bằng tiếng Mông, trong nhà vẫn nói với nhau bằng tiếng Cờ Lao trắng”.
Trai gái người Cờ Lao ở xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Ông Pao bảo, tập tục của Cờ Lao xanh và trắng khác nhau một chút, nhất là trong đám ma. Người Cờ Lao xanh cúng bằng tiếng của họ, khác hẳn với ngôn ngữ Cờ Lao trắng. Chỉ có thầy cúng là người thông thạo tiếng và tập tục của người Cờ Lao xanh.
Ông Pao khoe: “Tiếng Cờ Lao trắng thì tôi biết hết, nhưng Cờ Lao xanh chỉ biết một ít thôi. Tôi cũng biết cúng nhưng không thích công việc này. Những người làm thầy cúng thường có tính chất cha truyền con nối. Từ nhỏ đi theo bố làm thầy cúng, sau đó bố truyền lại cho con. Đặc biệt, người Cờ Lao trắng kiêng kị hành nghề thầy cúng khi trẻ vì cho là dễ bị chết trẻ, hoặc nếu có con thì con chết trẻ, hoặc vợ mất sớm… Rất ít người muốn làm nghề này”.
Ông Hùng Đại Kỳ, người có nhiều năm sống cùng người dân xã Sính Lủng cho biết, đây là lần đầu tiên, cán bộ văn hóa tỉnh sưu tập lại các bài dân ca cổ của người Cờ Lao. Họ thu đĩa và phát tặng người dân. Ông Kỳ mong muốn bảo tồn được ngôn ngữ Cờ Lao và các làn điệu dân ca bằng việc đưa chương trình dạy tiếng Cờ Lao vào các trường học ở đây.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, dân tộc Cờ Lao ở Việt Nam có 2.636 người, nhưng có mặt tại 39/63 tỉnh, thành phố. Người Cờ Lao cư trú tập trung tại tỉnh Hà Giang (2.301 người, chiếm 87,3% ), ngoài ra còn có ở Tuyên Quang(69 người), Hà Nội(50 người), TPHCM (25 người).
Người dân tộc Cờ Lao ở Hà Giang cũng được chia thành nhiều nhóm. Nhóm Cờ Lao đỏ phân bố ở Hoàng Su Phì và Yên Minh, nơi có nhiều núi đất và thung lũng, chủ yếu canh tác ruộng nước. Trong khi đó, nhóm Cờ Lao xanh và Cờ Lao trắng phân bố ở Đồng Văn, Mèo Vạc sống dựa chủ yếu vào nương trên núi đá.