Ngoài ra còn có 19% bệnh nhân là trẻ dưới 9 tháng, chưa đủ độ tuổi tiêm phòng. Điều đó cho thấy trẻ ở độ tuổi này không nhận được kháng thể từ mẹ truyền sang (có thể không tuân thủ khuyến cáo tiêm phòng sởi trước khi có thai ít nhất 3 tháng).
Mới đây, trong cuộc khảo sát tình hình chống sởi tại địa bàn phường Tân Tạo A, quận Bình Tân cho thấy một thực trạng cần nhìn nhận trong việc quản lý và điều tra dịch tễ: khi thông tin các ca bệnh được bệnh viện nhập vào phần mềm, đến khi truy tìm tại địa phương thì không thấy địa chỉ này nên không thể tìm được bệnh nhân.
Nhìn nhận về thực trạng này, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM nhận định: các địa phương vẫn chưa thể quản lý được tình trạng tiêm chủng của trẻ trong cộng đồng, nhất là những trẻ không đến trường, ở nhà ông bà giữ hoặc gửi người quen… Ngoài ra, vấn đề quản lí tiêm chủng ở trường cũng đang gặp nhiều khó khăn do nhiều phụ huynh ở các trường mầm non tư thục từ chối cung cấp lịch sử tiêm chủng của trẻ. Đây chính là những “lỗ hổng” khiến cho bệnh sởi gia tăng nhanh trong thời gian qua.
Theo BS CK II Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm thần kinh BV Nhi đồng 1 TPHCM, nếu muốn vá lỗ hổng gây sởi, chỉ còn cách là tăng cường tiêm sởi (tiêm đúng lịch thậm chí là tiêm vét), đẩy mạnh tiêm chủng sởi ở 2 môi trường bệnh viện và trường học. “Riêng về các mũi tiêm ngừa, nhiều người thành thị đưa con tiêm ngừa ở các cơ sở dịch vụ đã không tiêm từ lúc 9 tháng tuổi. Do đó, cần phối hợp giữa tiêm chủng mở rộng và dịch vụ, tiêm phòng ngay khi trẻ đủ 9 tháng”, BS Khanh nói.
Chế tài về tiêm chủng
Mới đây, tại nước Ý ban hành điều luật mới quy định học sinh sẽ không được trở lại trường học nếu bố mẹ chúng không chứng minh được họ đã tiêm chủng đủ các loại bệnh. Ngoài ra các bậc phụ huynh cũng bị phạt đến 560USD nếu gửi con chưa được tiêm chủng vaccine đầy đủ đến trường. Trong đó các loại vaccine được quy định phải tiêm đầy đủ cho trẻ bao gồm thuỷ đậu, bại liệt, sởi, quai bị và rubella.
Tuy nhiên, ở nước ta, vẫn chưa có bất kì một chế tài nào xử lí tình trạng trên. “Bệnh sởi có khả năng lây lan rất lớn trong cộng đồng. Do đó, một người mắc thì 90% những người bên cạnh cũng sẽ mắc sởi, thậm chí 100% nếu địa phương đó có miễn dịch thấp. Do đó, một bệnh nhân cũng được xem là một ổ dịch, nhất là ở môi trường đông đúc như học đường. Chúng ta vẫn còn thiếu chế tài bắt buộc việc phải tiêm phòng đầy đủ cho trẻ”, BS Khanh nói.