Xin chúc mừng Bộ trưởng được Đảng, Quốc hội, Chính phủ tín nhiệm giao nhiệm vụ làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Ông nhìn nhận thế nào về vai trò của ngành giao thông đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước?
Chiến lược phát triển Ngành giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã nêu rõ “Giao thông vận tải là một bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, một trong ba khâu đột phá, cần ưu tiên đầu tư phát triển đi trước một bước với tốc độ nhanh, bền vững nhằm tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.”
Nghị quyết của Đại hội lần thứ 12 của Đảng cũng nhấn mạnh vai trò của ngành giao thông vận tải đối với sự phát triển của đất nước. Hạ tầng giao thông là hạ tầng của nền kinh tế, vẫn là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước. Trong những năm qua, ngành giao thông đã được quan tâm đầu tư, có thể nói hạ tầng giao thông đã có bước phát triển vượt bậc và là cơ sở giúp tăng trưởng kinh tế, giúp đời sống người dân được nâng lên.
Chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2020, hệ thống giao thông vận tải phải cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải của xã hội, bảo đảm chất lượng ngày càng được nâng cao, giá thành hợp lý; tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường. Hệ thống giao thông sẽ được phát triển đồng bộ, trên cơ sở phân công hợp lý các phương thức vận tải, ưu tiên phát triển các phương thức vận tải thân thiện với môi trường. Một mạng lưới giao thông vận tải hiện đại sẽ góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Bí thư thành uỷ TP HCM, nguyên Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng và tân Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa.
Bộ trưởng nhận thấy những thách thức, thuận lợi, khó khăn gì đang đợi mình ở phía trước?
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 vừa qua đã chỉ rõ những thuận lợi, khó khăn, thách thức đối với đất nước và ngành giao thông vận tải. Về thuận lợi, tôi được kế thừa những thành tựu của các thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm để lại. Như tôi đã đề cập, những năm gần đây ngành giao thông đã được đầu tư rất lớn, bộ mặt giao thông đã thay đổi đáng kể, nhiều công trình lớn đã được hoàn thành, kinh nghiệm thi công các công trình lớn, hiện đại đã được nâng lên.
Tuy nhiên, hạ tầng giao thông nhiều nơi còn yếu kém, chưa đồng bộ, quản lý nhà nước về lĩnh vực kinh doanh vận tải tuy đã được nâng cao nhưng vẫn cần cải thiện nhiều, trong khi ý thức chấp hành luật giao thông phần lớn chưa cao; chế tài xử phạt chưa được thực hiện nghiêm, vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông còn hạn chế, chưa đáp ứng được đòi hỏi của sự phát triển. Sức ép cạnh tranh trong lĩnh vực giao thông vận tải ngày càng gay gắt, nhu cầu của người dân và đất nước trong việc nâng cấp hạ tầng giao thông ngày càng bức thiết...
Ở cương vị mới, sức ép lớn nhất với Bộ trưởng bây giờ là gì? Ông có bị sức ép từ những thành quả nổi bật của những người tiền nhiệm?
Tôi may mắn được thừa hưởng nhiều điều tốt đẹp của những người tiền nhiệm và có trách nhiệm kế thừa truyền thống của ngành. Trách nhiệm của tôi là tiếp tục phát huy những thành quả tốt đẹp đó, nhân rộng những điển hình tiên tiến, những việc làm tốt đẹp đã giúp ngành phát triển.
Sức ép lớn nhất đối với tôi là làm thế nào để cùng với tập thể lãnh đạo và toàn thể cán bộ, nhân viên của ngành giao thông vận tải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao trong bối cảnh khó khăn thách thức đang gia tăng, công việc rất nhiều và nặng nề. Nợ công đã chạm trần, tai nạn giao thông vẫn là nỗi lo thường trực ám ảnh mỗi người dân. Các nguồn lực đầu tư cho giao thông ngày càng hạn chế, trong khi người dân, đất nước đòi hỏi phải tiếp tục hiện đại hoá hạ tầng giao thông và hệ thống vận tải, nhằm đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Toàn bộ kế hoạch phát triển của ngành trong 5 năm tới đã có, đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 thông qua. Tôi sẽ cố gắng tối đa thực hiện tốt nhất chức trách và nhiệm vụ được giao, nỗ lực hết sức mình vì sự phát triển của ngành giao thông vận tải.
Chắc chắn mỗi ngày chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để người dân đi lại an toàn, thuận tiện. Giao thương thuận lợi hơn sẽ giúp kinh tế tăng trưởng. Tuy nhiên, để làm tốt việc này, ngành giao thông cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của nhân dân.
Thưa Bộ trưởng, ông coi điều gì là quan trọng nhất trong nhiệm kỳ mới của mình?
Công việc còn rất nhiều và ngổn ngang, tôi e rằng trong 5 năm nhiệm kỳ khó có thể làm hết những gì mình mong muốn. Tuy nhiên, có một điều phải làm bằng được, đó là tiếp tục đổi mới. Chỉ có đổi mới, ngành mới có thể phát triển. Cụ thể, cần đổi mới phong cách quản lý, lãnh đạo; đổi mới tư duy; đổi mới phương pháp làm việc. Tiếp tục cải cách hành chính, gắn trách nhiệm cá nhân vào các quyết định cụ thể, vào từng công việc cụ thể, bám sát cơ sở và thực tiễn cuộc sống. Thời gian vừa qua, nhất là trong nhiệm kỳ của Bộ trưởng Đinh La Thăng, khâu cải cách hành chính của Bộ được tiến hành rất tốt, rất thành công và tôi sẽ tiếp tục sự nghiệp đó.
Những công việc nào sẽ được Bộ trưởng ưu tiên?
Có một số vấn đề nóng, dư luận bức xúc, cử tri cả nước quan tâm, báo chí cũng nói nhiều trong thời gian gần đây, như các dự án BOT trong lĩnh vực hạ tầng giao thông; tai nạn giao thông tuy đã giảm nhiều năm liên tiếp nhưng vẫn cao, đe doạ trực tiếp tài sản và tính mạng của người dân; hạ tầng giao thông một số nơi yếu kém; công tác đầu tư, giải ngân tại các dự án cần được công khai, minh bạch hơn; có sự chồng chéo trong quản lý, vận hành cơ sở hạ tầng và một số lĩnh vực; ứng dụng công nghệ cao vào xây dựng cơ sở hạ tầng và quản lý cần tiếp tục được đẩy mạnh...
Sau khi nhận nhiệm vụ, tôi sẽ cho rà soát lại từng việc cụ thể và sẽ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, và sẽ thông tin đến các cơ quan báo chí và để người dân biết, giám sát. Trong công tác đầu tư, chúng tôi sẽ giữ nguyên tắc là chi tiêu một đồng tiền của nhân dân đều phải cân nhắc, có trách nhiệm, phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả của việc đầu tư.
Trong điều kiện kinh tế nước ta tiếp tục khó khăn, nợ công Chính phủ đã chạm trần, các định chế tài chính nước ngoài cho vay ODA thời hạn ngắn, không dài như trước nữa, Bộ trưởng sẽ huy động các nguồn vốn thế nào để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao?
Như các bạn đã biết, nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển hiện nay chủ yếu là đi vay, cho nên trông chờ vào vốn ngân sách nhà nước là cực kỳ gian nan. Chúng ta đã hội nhập với khu vực và thế giới, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký năm ngoái, các Hiệp định FTA khác đã ký và dần có hiệu lực, điều đó đặt ngành giao thông đứng trước cơ hội và thách thức.
Chúng tôi sẽ tranh thủ nắm bắt, chắt chiu từng cơ hội để phát triển hạ tầng giao thông, phát triển và phát huy lợi thế của từng phương thức vận tải để tạo cơ sở vững chắc cho các ngành kinh tế khác, các địa phương phát triển. Sau khi rà soát lại, chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ, dự án nào sẽ tiếp tục triển khai, dự án nào sẽ phải điều chỉnh và dự án nào phải dừng. Tất cả quá trình này sẽ được tiến hành dân chủ, công khai, minh bạch để mọi người cùng biết và đồng thuận với Bộ.
Chúng tôi sẽ sớm tổ chức cuộc gặp với các nhà tài trợ và với cộng đồng doanh nghiệp để lắng nghe các ý kiến, các đề xuất, kiến nghị để xem xét và điều chỉnh phù hợp trên tinh thần hài hoà lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân.
Bộ GTVT sẽ luôn cầu thị, lắng nghe và trân trọng các ý kiến đóng góp; trân trọng các nguồn vốn của các nhà đầu tư muốn hợp tác với chúng tôi. Tôi xin nhắc lại là chúng tôi sẽ tiết kiệm từng đồng tiền thuế của nhân dân, không đầu tư dàn trải, đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, không đầu tư hạ tầng giao thông bằng mọi giá.
Tuy nhiên, để đẩy nhanh xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, tôi nghĩ không còn cách nào khác là phải hoàn thiện thể chế, tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng và hiệu quả hơn để kêu gọi thêm nhiều nguồn lực đầu tư. Bên cạnh đó, kết hợp sử dụng có hiệu quả, hợp lý các nguồn vốn khác từ ngân sách, ODA và các nguồn vốn khác.
Việc hiện đại hóa hệ thống đường sắt, trong đó nhiệm vụ quan trọng là xây dựng đường sắt tốc độ cao mà người dân đang rất mong chờ thì sao, thưa Bộ trưởng?
Dù đường sắt gần đây có nhiều thay đổi theo hướng tích cực hơn, phục vụ hành khách tốt hơn, tuy nhiên về cơ bản, hạ tầng đường sắt của Việt Nam còn lạc hậu với đường sắt khổ 1 m. Về lâu dài, nhất thiết phải đầu tư đường sắt tốc độ cao. Tuy nhiên, khi nguồn lực có hạn, chúng ta cần nghiên cứu kỹ lưỡng, phân kỳ đầu tư, những đoạn nào cấp thiết làm trước, ít cấp thiết hơn làm sau để tạo hiệu quả đầu tư.
Là người đứng đầu ngành GTVT, Bộ trưởng có điều gì muốn chia sẻ với đội ngũ cán bộ, công nhân viên toàn ngành?
GTVT có bề dày truyền thống “Đi trước mở đường”, đây là điều mà tất cả chúng ta đều tự hào. Trải qua lịch sử gần 71 năm, ngành GTVT cũng xây dựng được một đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, cán bộ quản lý, thợ tay nghề cao được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm. Cùng với đó là hàng vạn người lao động có tinh thần kỷ luật, chăm chỉ, sáng tạo, đã làm nên một tập thể vững mạnh.
Ngành GTVT đã lập được nhiều kỳ tích và thành tựu trong quá khứ, tuy nhiên tương lai còn rất nhiều việc phải làm. Đảng, Nhà nước, nhân dân đặt rất nhiều kỳ vọng vào chúng ta trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Vì thế, tôi mong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành luôn đoàn kết một lòng, cùng nhau nỗ lực hết sức với trách nhiệm cao nhất để hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ được giao.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!