Tiếng cười trong vòng vây sinh tử

TP - Đâm, va, húc, hú còi, rọi đèn pha…, mỗi ngày đêm ba “hiệp đấu” ròng rã hơn tháng trời, những con tàu nhỏ nhoi của ngư dân vẫn kiên cường chống chọi.

Có mặt trên con tàu ĐNa 90039 của thuyền trưởng Nguyễn Văn Còn B ra đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan phi pháp Hải dương 981 hơn 10 ngày, PV Tiền phong được xem như một thành viên của gia đình chú Tám.

Trong chuyến công tác đặc biệt của hành trình làm báo, tôi may mắn ghi lại những khoảnh khắc nguy biến của đời người, đối diện với muôn trùng sinh tử, họ - những ngư phủ can trường vẫn luôn nở điệu cười sảng khoái, tan giòn như một lẽ tự nhiên…

Câu cá Hoàng Sa


2 ngày một đêm, 60 tiếng đồng hồ chẵn tưởng chừng như còn 6 tiếng. Quá ngắn cho một hành trình ra tới “điểm nóng” của thế giới trong năm qua: Hoàng Sa - giàn khoan Hải Dương 981. Tôi gần như không ăn không ngủ để cùng chú Tám (tên thân mật của thuyền trưởng Nguyễn Văn Còn B) căng mắt hướng ra đại dương. Không ai biết, điều gì chờ đợi phía trước.

Một ngày, hai ngày, rồi thứ ba, thứ tư… thời gian cứ tịnh tiến, mỗi ngày ba lượt ra vào, đều như vắt chanh là những đâm, va húc; đêm về thì rọi đèn pha, bắc loa phóng thanh từ phía tàu Trung Quốc. Chú Tám và các thuyền viên có vẻ như đã quá quen trên từng mét nước xanh biếc Hoàng Sa. Mỗi động tác ngoặt, vọt ga tăng tốc, rẽ trái quẹo phải đều được thực hiện thuần thục.

Nếu ai đó nói rằng, ky binh Mông Cổ điêu luyện trên lưng ngựa thế nào thì chắc hẳn, ngư phủ miền Trung khéo léo, can đảm trên con thuyền của mình như thế. Ngày thứ 2, xong “hiệp” thứ nhất độ 10 giờ. Nắng chói lòa hắt lên lá cờ Tổ quốc tươi thắm.

Khi chiếc “trâu xanh” (tàu Trung Quốc được ngư dân gọi theo màu sơn) mang biển hiệu 98006 của Trung Quốc sau hơn hai tiếng cặp kè, mất kiên nhẫn lướt ngang, bằng kinh nghiệm “trận mạc” già đời, chú Tám ngoắc tay bảo Ngô Văn Hiệp (thuyền viên): “Lấy đồ nghề đi câu”. 

“Trâu xanh” vây ráp, đâm húc tàu cá Việt Nam ảnh: Nam Cường
Vùng biển này, nước sâu gần 2 ngàn mét, xanh thăm thẳm, thi thoảng lại thấy từng đàn cá tung tăng dưới mạn tàu. Thả lưới? Không thể, bởi chưa kịp dở ra, hàng loạt “trâu đen, trâu xanh” đã hùng hổ lao tới.

“Qua ống nhòm tụi nó thấy hết à”. Ngư dân Nguyễn Văn Thành - người được mệnh danh là “Ronaldo của biển” vì “giá trị chuyển nhượng” giữa các tàu tăng vùn vụt giải thích. Trưa nắng, nước biển trong vắt. Hàng trăm con tàu thả dù lững lờ trôi.

“Chiến trận” êm đềm. Lưỡi câu được quăng xuống, mồi câu là râu mực, cá nhỏ. Hiệp cởi trần, đen trùng trục, mắt híp nên hay gọi là “Hiệp híp”. Nếu “Thành Ronaldo” là thợ lặn siêu đẳng thì xét về độ sát cá, Hiệp nhất bảng. Rít chưa đầy hai hơi thuốc, dây câu đã giật giật.

“Nó đấy. Trưa này có canh chua ăn rồi” - Hiệp dứt lời, tay quay đều đều. 1 phút sau, con cá dũa (có nơi gọi là cá nục heo) óng ánh sắc xanh quẫy đành đạch trên mạn thuyền. Lưỡi câu bên cạnh, một chú cá dũa khác lớn hơn ngoan ngoãn nằm trong tay chú Tám.

“Đây là những con nhỏ trong đàn, tui cược là dưới đáy tàu, đoàn cá này chừng 1 tấn” - Thành nói đoạn, cởi trần nhảy xuống biển. Chừng 3 phút sau, anh ngoi lên, cười sảng khoái: “Tui đoán không sai, dưới kia toàn cá. Đoàn cá dũa này theo tàu ta hơn 1 ngày nay rồi”. Khuôn mặt rám nắng của người đàn ông xứ biển chìm trên nền nước trong vắt. 

Xung quanh, cơ man “trâu xanh, trâu đen” cùng lớp lớp tàu màu ghi vẫn hụ còi, phả khói liên tục. Từng cột khói đen hung dữ phụt lên nền trời Hoàng Sa yên ả. Tiếng cười trên tàu ĐNa 90039 vẫn giòn tan. Dường như, xa xa kia, giàn khoan không hề tồn tại. “Vùng biển ni, ngày thường tàu ta chỉ lướt qua thôi. Muốn những mẻ cá lớn, phải đi xa nữa. Bây giờ thì câu cá nó cũng quậy, nói chi thả lưới” - chú Tám bùi ngùi.

Quá trưa, thùng cá gần đầy. Đa phần là cá dũa, thịt thơm, chắc, quẫy đạp óng ánh. Nồi nước sôi sùng sục bày trên boong tàu. Hiệp cởi trần, tay dao tay thớt làm nhoay nhoáy. Nấu trực tiếp, ăn trực tiếp. Cá cắt lát cho vào nước sôi lẫn dứa, cà chua. Thịt cá dũa bùi, thơm lừng. Những bữa nhậu câu cá trên boong ĐNa 90039, giữa điệp trùng nguy biến, sau giờ sinh tử có lẽ là bữa nhậu mang lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất trong đời.

Biển đêm

Chúng tôi ở Hoàng Sa đúng mùa trăng. Ban ngày, nắng rát mặt nhưng đêm đến, từng cơn gió ùa về, hơi lạnh nước biển khiến Hoàng Sa trong vắt. Ánh trăng rằm chênh chếch, hắt từng ráng bạc xuống mặt nước. Con tàu ĐNa 90039, công suất nhất nhì Đà Nẵng thả trôi lững lờ, như một chiếc lá tre mất hút giữa điệp trùng sóng biển.

Không xa, vùng biển Hoàng Sa, xung quanh giàn khoan Hải Dương 981 như một thành phố nhấp nháy ánh đèn trên biển. “Cả đời người đi biển, chưa bao giờ tui thấy cảnh tượng thế này” - chú Tám ngồi trên cabin, nhấp ngụm cà phê, nói chậm rãi. 

Nụ cười khi câu được cá
Đêm đầu tiên ở Hoàng Sa, sau mấy trận quần thảo, ra vào liên tục, đội tàu của chú Tám thả dù cách giàn khoan chừng 5 hải lý. Khoảng 8h tối, ngay khi chuẩn bị thu dù để thoát khỏi vòng vây, lúc tôi đang đọc bài tường thuật qua ICOM về tòa soạn cũng là “đòn cảnh cáo” đầu tiên của “trâu xanh, trâu đen” gửi tới ngư dân. Cũng bởi ưu ái phóng viên, chú Tám quyết tắt máy, mở ICOM cho tôi đọc bài đến hơn 1 tiếng rưỡi đồng hồ, trong vòng vây sát rạt.

Ánh đèn pha nhoay nhoáy, hết chĩa thẳng vào cabin rồi quét liên tục lên boong, vào tận khoang ngủ. Tiếng loa phóng thanh chói chát bên tai. Chú Tám, người thuyền trưởng gan lì vẫn động viên anh em và trấn an tinh thần tôi. Thời gian càng trôi, ánh đèn càng tới gần, tàu sắt mỗi lúc một đông. Tiếng gầm rú râm ran náo loạn cả một vùng biển đêm.

Chú Tám dường như chẳng hề bận tâm, vẫn chăm chú điều chỉnh nút âm thanh, hướng dẫn tôi cách đọc qua ICOM một cách hiệu quả nhất. Khi dòng cuối cùng vừa dứt, máy trưởng Nguyễn Văn Trường đứng bật dậy, nhường bánh lái cho chú Tám: Vọt! Tiếng hô đanh gọn của chú vang lên, chỉ tích tắc sau, ĐNa 90039 đã thoát khỏi vòng vây, bỏ lại ánh đèn loang loáng. Mãi đến hôm sau tôi mới biết, sau pha vượt thoát ngoạn mục là nhiều tiếng thở phào nhẹ nhõm. 

Đó cũng là đêm đầu tiên ở Hoàng Sa, sau khi từ cabin xuống khoang ngủ, tôi gần như chỉ chăm chăm vào đống áo phao cứu nạn, trong đầu mường tượng những kịch bản tồi tệ nhất. Những kịch bản đó, chiếu theo diễn biến ban ngày cũng như cú vượt thoát đầu hôm, không có gì là không thể xảy ra.

Bởi thế, chuyến hải trình Hoàng Sa vừa rồi, chú Tám thường cười vui: Có thêm một người bạn đồng hành uống cà phê đêm ở cabin. Tàu có 12 thuyền viên, nhưng để được cầm bánh lái trực đêm, chỉ có 3 người, ngoài thuyền trưởng còn có máy trưởng Trường và thuyền viên Nguyễn Văn Thành.

Phân chia nhau ca trực, ai mệt thì nằm tạm luôn trong khoang lái. Có thêm tôi nữa là 4 người, gần như đêm nào khoang lái cũng có tiếng cười sảng khoái. 

Ngày cập bến sông Hàn, chú Tám gọi tôi ra, ấn vào tay hai con cá dũa đông lạnh. Chú lại cười, giọng cười vang át cả tiếng máy nổ phành phạch.

Đi biển già đời, trải qua không ít lần vào sinh ra tử khi gặp tàu hải giám, ngư chính, nhưng “quần thảo” cả tháng trời, ngày nào cũng ra vào mấy lần giáp mặt như cuộc này thì cả chú Tám cũng lần đầu tiên trải qua.