Tiễn đưa nhà văn Nguyễn Huy Thiệp về miền Hua Tát

TPO - Khúc nhạc “Một cõi đi về” do nghệ sĩ saxophone Quyền Văn Minh thể hiện thay lời tiễn biệt của gia quyến, bạn bè, đồng nghiệp và người đọc yêu mến nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Lễ tang nhà văn Nguyễn Huy Thiệp diễn ra sáng 24/3 tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông.
Tiễn biệt nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Nhiều gương thân quen tề tựu để tiễn nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đi nốt đoạn đường trần cuối cùng, trong đó có nhà văn Bảo Ninh, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Việt Hà, hoạ sĩ Thành Chương, hoạ sĩ Đào Hải Phong, nhà phê bình Nguyễn Thuỵ Kha…

Nghệ sĩ saxophone Quyền Văn Minh và giai điệu "Một cõi đi về" tiễn biệt nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
“Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã dựng lên một cột mốc quan trọng trong lịch sử văn học Việt Nam. Ông đã mở ra một thời kỳ mới của văn xuôi Việt Nam. Chúng tôi, nhà văn và bạn đọc mãi mãi biết ơn ông và nhớ ông”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam viết. Ông là Trưởng Ban lễ tang của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ban chấp hành Hội Nhà văn VN cùng gia đình lo liệu hậu sự cho tác giả “Tướng về hưu”.
Các con trai, con dâu và thân quyến của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tiễn ông về đoàn tụ với người vợ ra đi nửa năm trước
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng “thác là thể phách, còn là tinh anh, tinh anh Nguyễn Huy Thiệp còn mãi”. Sử gia người Mỹ Jason A.Picard nắn nót dòng chữ bằng tiếng Việt để tiễn biệt Nguyễn Huy Thiệp: “Vô cùng thương tiếc nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Mong anh về miền cực lạc”.
Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong dẫn đầu đoàn báo Tiền Phong viếng cộng tác viên đặc biệt - nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có khoảng 10 năm cộng tác thường xuyên với báo, in những truyện ngắn xuất sắc của ông trên Tiền Phong như: "Chuyện tình kể trong đêm mưa”, “Cánh buồm nâu thuở ấy”, “Đưa sáo sang sông”, “Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt”, “Chuyện ông Móng”
Nguyễn Huy Thiệp sinh ngày 29 tháng 4 năm 1950 tại Thái Nguyên, quê quán tại huyện Thanh Trì, Hà Nội. Từ năm 1960, gia đình ông định cư tại xóm Cò (Khương Hạ, nay thuộc quận Thanh Xuân). Năm 1970, Nguyễn Huy Thiệp tốt nghiệp khoa sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông có hơn 10 năm dạy học ở vùng núi phía Bắc, sau đó mới chính thức bước vào con đường văn chương.
Nhà văn Bảo Ninh bái biệt bạn văn Nguyễn Huy Thiệp
Trong điếu văn đọc trước anh linh nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá, Nguyễn Huy Thiệp đến với văn chương khá muộn, nhưng khi “Những ngọn gió Hua Tát” và những truyện ngắn khác của ông xuất hiện thì cũng là lúc cơn bão mang tên Nguyễn Huy Thiệp trỗi dậy, thổi qua cánh rừng đời sống văn chương Việt và nó làm tất cả rung lên.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mất 16h45 ngày 20/3, hưởng thọ 72 tuổi
“Kể từ năm 1975 cho tới lúc này, chưa có nhà văn nào có khả năng làm thay đổi một cách sâu sắc thi pháp và tinh thần văn xuôi Việt Nam như ông. Và cho tới lúc này, ông vẫn là người trị vì ngai vàng trong thế giới truyện ngắn Việt Nam đương đại”, Nguyễn Quang Thiều đánh giá.
Lễ viếng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp bắt đầu từ 9h15 đến 10h30 sáng 24/3

“Chúng ta có thể nói: văn của ông là sự trần trụi đến nghiệt ngã, nhưng đó là sự trần trụi của một người dám nhìn thẳng sự thật và gọi đúng tên sự thật. Chúng ta có thể nói: văn của ông là sự nổi giận tựa cơn hỏa hoạn, nhưng đó là sự nổi giận của lương tâm trước sự suy đồi và giả dối của con người. Chúng ta có thể nói: văn của ông là sự đau đớn đến kinh hoàng, nhưng đó là sự đau đớn của tình yêu thương con người. Những tác phẩm của ông mang vẻ đẹp của một lưỡi dao mổ: chói sáng, chính xác và đau đớn. Con dao ấy đã phẫu thuật những khối u ẩn giấu trong tâm hồn con người. Nó làm con người đau đớn đến mức tưởng không chịu nổi để rồi được bình phục và lớn lên”, Nguyễn Quang Thiều phân tích.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam có nhiều nhận định, đánh giá xác đáng về sự nghiệp của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
Trưởng Ban lễ tang cho rằng, đọc những thiên truyện của Nguyễn Huy Thiệp, người đọc nhiều khi mang cảm giác kinh hãi, kinh hãi bởi họ nhận ra những vùng tăm tối đầy man dại còn đâu đó trong chính con người họ. Để từ đó, họ được thức tỉnh và biết hành động để phục sinh nhân tính của mình. Chính thế mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói : “Khó nhất không phải là tiền bạc, khó nhất không phải là tri thức, mà khó nhất là đạo đức, nhà văn chỉ là người đi tìm đạo cho dân chúng”.

“Đấy là bản tuyên ngôn của ông về sứ mệnh người cầm bút. Và ông đã đi trên con đường ấy từ khi cầm bút cho tới khi giã từ cuộc sống thế gian mà không hề nao núng, không hề đổi thay cho dù trên con đường ấy quá nhiều chông gai, quá nhiều thách thức cùng biết bao mê dụ. Ông khắc nghiệt với con người bởi ông yêu con người. Ông chống lại sự đồi bại của con người để bảo vệ chính con người”, Nguyễn Quang Thiều nhận định.

Linh cữu nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được đưa đi hoả táng tại Đài hoá thân Hoàn vũ
Nhưng trong các truyện ngắn của ông, có một dòng chảy lớn mang tinh thần thi ca với những vẻ đẹp huy hoàng trùm lên những số phận thấp hèn, bất trắc trong “Những ngọn gió Hua Tát”, “Muối của rừng”, “Chảy đi sông ơi”, “Con gái thủy thần”… Ông thực sự mang đến cho văn xuôi Việt Nam đương đại một giọng nói khác biệt và đặc biệt với ngôn ngữ tinh xảo, kỳ lạ, ám ảnh và đầy bí ẩn.
Từ nay nhà văn Nguyễn Huy Thiệp rời cõi tạm

Khi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nằm xuống, nhiều người tiếc thương ông nhưng cũng không ít lời tị hiềm, cay đắng viết về ông. Nguyễn Quang Thiều không ngại nói về điều này trong điếu văn: “Trong cuộc sống đời thường, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sống lặng lẽ và khiêm nhường. Ông im lặng trước mọi khen chê, mọi đố kị, mọi khiêu khích thậm chí cả những khiêu khích trong chính lúc này và cả những đe dọa. Ông thường ngồi chìm sâu giữa một đám đông, với dáng hình như cố thu nhỏ để khỏi ai nhìn thấy. Nhưng từ nơi chốn ấy, ông phóng chiếu một cái nhìn xuyên qua đời sống để thấu hiểu nó, giải phẫu nó, phán xử nó để cuối cùng được yêu thương nó”.

Anh Nguyễn Phan Bách, con trai nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thay gia đình đáp từ, trân trọng sự thăm hỏi, động viên của bạn bè, đồng nghiệp từ khi ông ngã bệnh cho tới khi đưa ông về cõi vĩnh hằng. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp an nghỉ tại Đông Anh, Hà Nội.