Thường trực Ban Bí thư: Ninh Bình phải đổi mới tư duy, tầm nhìn trong lãnh đạo

TPO - Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình, Thường trực Ban Bí Thư Trần Quốc Vượng đã có bài phát biểu, trong đó nhấn mạnh về việc phải đổi mới tư duy  trong lãnh đạo, chỉ đạo, có tầm nhìn mới để phát triển trong nhiệm kỳ mới.
Thường trực ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình - Ảnh: Hoàng Long

Sáng 21/10, phát biểu tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình, Thường trực Ban Bí thư TƯ Đảng Trần Quốc Vượng cơ bản nhất trí với Báo cáo chính trị và các văn kiện đã trình bày tại đại hội.

Thường trực Ban Bí thư biểu dương những nỗ lực của tỉnh Ninh Bình trong nhiệm kỳ vừa qua (2015-2020) như kinh tế tăng trưởng khá (8,03%/năm), cao hơn bình qân chung cả nước; công nghiệp phát triển nhanh; xây dựng nông thôn mới toàn diện; y tế, giáo dục, văn hoá xã hội có nhiều tiến bộ.

Tuy nhiên, Thường trực Ban Bí thư cũng nêu rõ, bên cạnh những thành tựu, kết quả đạt được, Đại hội cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm như tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân còn thấp so với các tỉnh đồng bằng Sông Hồng, thu nhập bình quân đầu người chưa đạt mục tiêu. Thu hút đầu tư còn hạn chế. Môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh chưa được cải thiện nhiều. Thu ngân sách chưa thật bền vững. Phát triển kinh tế biển còn hạn chế. Đặc biệt, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đang còn hạn chế. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở một số nơi còn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tới dự và chỉ đạo Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình - Ảnh: Hoàng Long

Vì vậy, ông Trần Quốc Vượng đề nghị, Đại hội cần tập trung thảo luận, đánh giá sâu hơn, phân tích kỹ nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm để có biện pháp khắc phục, giải quyết trong thời gian tới.

Về phương hướng phát triển của Ninh Bình, Thường trực Ban Bí thư chỉ đạo tỉnh này phải dựa trên cơ sở dự bảo đúng tình hình và thực tiễn phát triển của đất nước, của địa phương, bám sát các quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của Trung ương để thảo luận và quyết định chủ trương, quan điểm, định hướng phát triển của Ninh Bình trong 5 năm, 10 năm tới đây.

Trong đó, yêu cầu hàng đầu là phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy và hành động trong lãnh đạo, chỉ đạo, có tầm nhìn mới về một Ninh Binh phát triển trong thời kỳ mới. Nhận thức đúng đắn, sâu sắc hơn nữa về những tiềm năng, thế mạnh đặc thù để xác định động lực phát triển Ninh Bình trong thời gian tới là phát triển công nghiệp phụ trợ, du lịch chất lượng cao và dịch vụ. Từ đó, chú trọng làm thật tốt công tác quy hoạch với tầm nhìn chiến lược, sâu rộng và dài hạn.

Trong xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch cần hết sức lưu ý vếu tố môi trường, bảo đảm phát triển bền vững. Trước hết, cần sớm xây dựng thật tốt Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời tổ chức thực hiện và quản lý đúng theo Quy hoạch này. Nếu làm được như vậy, ông Trần Quốc Vượng tin tưởng rằng, trong tương lai không xa, Ninh Bình sẽ phát triển rất năng động, toàn diện, nhanh và bền vững, đến năm 2025 là tỉnh phát triển trung bình khá, đến năm 2030 trở thành tinh khá trong vùng đồng bằng Sông Hồng.

Bên cạnh đó, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cũng lưu ý Ninh Bình cần tận dụng vị trí chiến lược hết sức quan trọng, kết nối khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Bắc, nằm trong vùng tứ giác phát triển kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa, Ninh Bình để đặc biệt quan tâm phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nội tỉnh và liên vùng, thúc đẩy liên kết vùng, đưa tỉnh nhà trở thành một trong những trung tâm công nghiệp phụ trợ lớn của vùng và cả nước.

Ông Trần Quốc Vượng nhấn mạnh yếu tố phải đổi mới tư duy, tầm nhìn trong lãnh đạo, chỉ đạo - Ảnh: Hoàng Long

Đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở phát huy, bảo tồn và khai thác hợp lý các khu di tích, danh thắng hiện có. Thu hút nhà đầu tư chiến lược, đầu tư có chiều sâu, gắn với bảo vệ tốt môi trường sinh thái, tạo nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao, chú trọng kết nối liền tình, liên vùng. Xây dựng Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước. Phát huy thế mạnh nông nghiệp, đưa Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao thành trung tâm chế biến nông sản cho tỉnh và cả nước.

Riêng về lợi thế phát triển du lịch, ông Trần Quốc Vượng lưu ý Ninh Bình cần coi trọng giữ gìn và bảo vệ thật tốt môi trường sinh thái "xanh, sạch, đẹp", chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu như một giải pháp đặc biệt quan trọng và cũng là vấn đề có tầm quan trong chiến lược, sống còn đối với đời sống nhân dân và sự phát triển toàn diện, nhanh và bền của tỉnh, cả trước mắt và lâu dài. Đồng thời phải chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, làng nghề truyền thống, nghệ thuật dân gian độc đáo của vùng đất cố đô Hoa Lư và Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Đây chính là nguồn lực quan trọng của tỉnh và quốc gia; là nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh và cũng là động lực mạnh mẽ thúc đẩy Ninh Bình thành một trong những vùng du lịch trọng điểm của cả nước.

Toàn cảnh Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình khoá XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 - Ảnh: Hoàng Long

Xuất phát từ kỳ vọng của nhân dân đối với Đảng bộ tỉnh nhà trong nhiệm kỳ tới 2020-2025, Thường trực Ban Bí thư đề nghị mỗi đại biểu phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm vì sự nghiệp chung, vì sự phát triển của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà, sáng suốt lựa chọn, bầu ra Ban Chấp hành mới đủ tiêu chuẩn, đủ đức, đủ tài, năng lực, uy tín, thực sự tiêu biểu và là trung tâm đoàn kết của Đảng bộ, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII đề ra, xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh, sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Đồng bằng sông Hồng.